Theo Japannews, sở cứu hỏa ở các địa phương gần khu vực trượt tuyết ở Nhật Bản đang phải vật lộn với các cuộc gọi không cần thiết. Ví dụ, sở cứu hỏa Kita-Alps Nagano, cơ quan quản lý Hakuba và bốn đô thị khác ở tỉnh Nagano, nhận 919 cuộc gọi khẩn cấp từ ngày 16/12/2022 đến 23/1/2023. Trong đó, 134 cuộc báo động nhầm từ các khu trượt tuyết. Sở cứu hỏa khác ở thành phố Gujo cũng ghi nhận 351 cuộc gọi khẩn cấp trong tháng 1 và 135 trong số đó, tức 40%, là thực hiện nhầm.
Theo Cơ quan quản lý thảm họa và hỏa hoạn thuộc Bộ Nội vụ Nhật Bản, đa số cuộc gọi nhầm đều đến từ iPhone 14. Khi điện thoại phát hiện có va chạm, màn hình sẽ hiển thị thanh trượt cuộc gọi khẩn cấp với cảnh báo "Có vẻ bạn vừa bị va chạm" và phát âm báo động. Nếu người dùng không tắt cảnh báo trong thời gian nhất định, điện thoại sẽ tự gọi cứu hộ.
Tuy nhiên, tương tự trường hợp chơi tàu lượn ở Mỹ, iPhone 14 cũng hiểu nhầm các chuyển động vật lý của chủ nhân chơi trượt tuyết là tai nạn. Một số cho biết khi họ trượt ngã hoặc va chạm nhẹ với người khác, điện thoại cũng tự phát cảnh báo. Do vướng các bộ đồ bảo hộ, đa số đều không biết điện thoại của mình đang chuẩn bị "kêu cứu".
Theo sở cứu hỏa Kita-Alps Nagano, mỗi khi có cuộc gọi đến, nhân viên trực sẽ phải nhanh chóng xác minh tình hình, gọi lại liên tục hoặc trực tiếp kiểm tra vị trí được thông báo. Tỷ lệ cuộc gọi nhầm cao là gánh nặng thực sự cho hệ thống.
Gặp nhiều phiền toái nhưng cơ quan chức năng Nhật Bản chỉ khuyến cáo người dùng thận trọng thay vì tắt tính năng mới trên iPhone 14. "Đây là một chức năng hiệu quả trong tình huống thực sự xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Vì vậy chúng tôi không thể yêu cầu người dùng tắt nó đi", đại diện một sở cứu hỏa cho biết.
Theo 9to5mac, Apple được cho là đang phối hợp với các trung tâm dịch vụ khẩn cấp tại địa phương để tìm hiểu các cuộc báo động nhầm nhằm cải tiến tính năng, giảm tỷ lệ thông báo sai, giảm tải cho hệ thống cứu hộ.