Nhiều người cho rằng, các sếp thường bận rộn nhiều công chuyện nên chỉ để ý tới kết quả làm việc, không có thời gian để tâm quá nhiều việc khác. Tuy nhiên, rất nhiều tiểu tiết thường ngày có thể nói lên năng lực của một người. Do đó, không ít lãnh đạo thường âm thầm chú ý quan sát cách đối nhân xử thế hàng ngày của mỗi nhân viên.
Là một nhà lãnh đạo, ai cũng mong đạt được mối quan hệ hài hòa giữa các cá nhân trong công ty và tạo ra bầu không khí làm việc hiệu quả cao, nhưng nhiều cấp dưới lại mắc phải những khuyết điểm khó có thể chấp nhận được. Một số cho rằng mình vĩ đại, họ kiêu ngạo, không biết lớn nhỏ, thể hiện quá mức. Một số quá đà tới mức cho rằng sếp không giỏi bằng mình, dẫn tới thái độ thiếu tôn trọng, nói về những "chuyện tế nhị" của sếp, phớt lờ sếp trước mặt người ngoài…
Tất cả những biểu hiện thường ngày đều được lãnh đạo của bạn lưu tâm, nhưng không phải lúc nào họ cũng nói ra. Một khi họ nói ra, hoặc đó là lời khen tụng nhiệt tình, hoặc là sự khiển trách nặng nề, thậm chí dẫn tới nguy cơ bị mất việc. Do đó, cần hết sức lưu ý khía cạnh này.
Đặc biệt, với 4 kiểu nhân viên sau đây, hầu hết các sếp đều cảm thấy “khó chịu” và sẽ “để ý” sát sao hơn. Nếu bạn có bất cứ biểu hiện nào, cần kịp thời thay đổi ngay trước khi đánh mất thiện cảm trong lòng lãnh đạo.
1. Không nói cũng không làm
Vương là trợ lý lãnh đạo mới được phòng nhân sự của công ty tuyển dụng. Sau khi vào làm được một tuần, lãnh đạo đã trực tiếp giao một công việc cho Vương trong thời gian thử việc, Vương nhanh chóng tiếp nhận.
Đến khi thời gian thử việc gần kết thúc, lãnh đạo yêu cầu Vương viết báo cáo công việc trong giai đoạn vừa qua. Đến khi báo cáo được giao lên, ông rất ngạc nhiên vì thấy nhiệm vụ mình giao vẫn chỉ nằm ở giai đoạn ban đầu, vẫn chưa được hoàn thành.
Khi được hỏi lý do, Vương hồn nhiên bảo do mình không biết làm thế nào, đồng thời liệt kê rất nhiều khó khăn. Lãnh đạo tức đến bật cười, sau đó cho Vương thu dọn đồ đạc và rời đi ngay lập tức.
Không biết không đáng sợ, mà đáng sợ nhất là những người không biết, nhưng không nói không hỏi, im ỉm một mình, khó khăn cũng không lên tiếng. Thái độ làm việc như vậy khó có thể phát triển xa hơn.
2. Nói mà không làm
Lại có một kiểu nhân viên khác giống như Minh, gây ấn tượng rất đậm sâu cho nhà quản lý ngay từ ngày đầu tiên phỏng vấn, nhưng chỉ sau 3 tháng đã bị “đào thải” khỏi công ty.
Ban đầu, Minh tự tin khẳng định rằng, mình đã có kinh nghiệm làm quản lý chất lượng 3 năm và giám sát kỹ thuật 4 năm nên đưa ra hàng loạt kế hoạch lớn. Điều này khiến lãnh đạo phấn khởi và ngợi khen, cho rằng Minh có chí lớn.
Tháng đầu tiên làm việc cùng, lãnh đạo nghĩ anh là một chuyên gia. Tới tháng thứ 2 làm việc cùng, lãnh đạo thấy anh chỉ là một nhà lý luận giỏi, nhưng năng lực thực hành còn chưa đủ. Cuối cùng, sau tháng thứ 3, lãnh đạo nhận ra anh chỉ thích “hô khẩu hiệu”, là điển hình của kẻ “nói như rồng leo, làm như mèo mửa”.
Một cấp dưới như vậy, chẳng lãnh đạo nào muốn giữ chân.
3. Làm mà không hiểu
Trương Linh là nữ giám sát duy nhất dưới quyền của lãnh đạo, thường chịu trách nhiệm kiểm tra các tài liệu đầu vào. Cô ấy làm việc rất siêng năng và quen thuộc với các tiêu chuẩn được viết ra, vốn rất được lãnh đạo vừa lòng, cho đến khi một tình huống xảy ra.
Lần đó, nhà cung cấp gửi một lô kệ có chiều cao tiêu chuẩn là 2 mét để đựng nguyên liệu trong kho. Sau khi kiểm tra, thấy sản phẩm vượt quá tiêu chuẩn chấp nhận 0,2 cm, Trương Linh kiên quyết từ chối không nhận hàng.
Nhà cung cấp khiếu nại lên trên, bộ phận mua hàng đã trực tiếp tìm gặp lãnh đạo. Đích thân lãnh đạo đã xem xét sự vụ và nhận thấy, sai lệch 0,2 cm hoàn toàn không ảnh hưởng tới chất lượng hay bất cứ lĩnh vực nào. Đây chỉ là một sai số có thể linh hoạt bỏ qua.
Một việc rất nhỏ đó đã khiến lãnh đạo hiểu ra rằng, khi quản lý chất lượng trong công ty, Trương Linh thuộc lòng các tiêu chuẩn được đề ra, nhưng lại không hiểu các tiêu chuẩn đó nhằm mục đích gì. Chính vì không hiểu, nên cô mới làm việc thiếu linh hoạt, dù nỗ lực nhưng kết quả vẫn khó tránh khỏi sai sót.
4. Hiểu nhưng không có khả năng trình bày
Trái với tuýp người ăn nói tháo vát, có một kiểu người luôn luôn “tẩm ngẩm tầm ngầm”. Họ có thể làm việc trong công ty nhiều năm, quen thuộc với môi trường cũng như bộ máy nhân sự, cung cách vận hành, cũng có thái độ chăm chỉ và cống hiến. Tuy nhiên, yếu điểm lớn nhất chính là họ không thể diễn đạt ý của mình một cách rõ ràng.
Về cơ bản, các sếp không yêu cầu mọi nhân viên đều phải giỏi giao tiếp, nhưng ít nhất họ nên có các kỹ năng mềm cơ bản. Việc tự tin thể hiện suy nghĩ, diễn đạt mong muốn, bày tỏ ý kiến cũng là một khía cạnh quan trọng trong công việc.
Nếu bạn đang khuyết thiếu kỹ năng này, cần nỗ lực luyện tập để thay đổi bản thân.