Dinh dưỡng

Số ca sởi ở Hà Nội tiếp tục tăng

Tóm tắt:
  • CDC Hà Nội ghi nhận 212 ca sởi trong tuần, tổng số từ đầu năm hơn 1.600 ca.
  • Số ca sởi tập trung ở người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ.
  • Hai trường hợp tử vong do sởi liên quan đến bệnh nền và biến chứng.
  • Bộ Y tế đẩy mạnh tiêm vaccine cho trẻ em từ 6-9 tháng tuổi để đối phó dịch.
  • Cảnh báo cho người có nguy cơ cao cần tiêm vaccine và hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân.

Số ca sởi được ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, chủ yếu ở người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đầy đủ. Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi, trong đó 12% dưới 6 tháng tuổi; 15% từ 6-8 tháng; 10% từ 9-11 tháng tuổi; 22% từ 1-5 tuổi; 14% từ 6-10 tuổi; cao nhất là nhóm người trên 10 tuổi, gần 27%.

Hà Nội ghi nhận hai trường hợp tử vong do sởi là một bé gái 4 tuổi điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương và một người đàn ông điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai. Cả hai gặp nhiều biến chứng do mắc nhiều bệnh nền.

CDC Hà Nội nhận định số ca sởi chưa có xu hướng giảm. Dự báo, số ca sẽ tiếp tục tăng và có xu hướng tăng ở nhóm trên 6 tuổi. Bộ Y tế cũng ghi nhận từ đầu năm đến nay có hơn 54.000 ca nghi sởi tại tất cả địa phương. Nguyên nhân sởi bùng phát là do bệnh vào chu kỳ dịch 5 năm một lần và tiến độ tiêm vaccine chậm hơn tốc độ bệnh lây lan.

Nhằm ứng phó ca sởi tăng, Bộ Y tế đẩy mạnh tiêm vaccine cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi tại 54 tỉnh thành, thay vì chờ đủ 9 tháng tuổi như thông lệ. Hà Nội đang tiếp tục rà soát và tổ chức tiêm chủng vaccine sởi cho trẻ em thuộc đối tượng tiêm chủng chiến dịch, tập trung đối tượng trẻ 6 đến dưới 9 tháng và trẻ từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng bệnh sởi.

Một em bé mắc sởi. Ảnh:Lê Phương

Một em bé mắc sởi. Ảnh:Lê Phương

Ngày 13/4, Cục Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo phòng chống dịch sởi ở nhóm nguy cơ cao trong bối cảnh đã ghi nhận nhiều trường hợp là người trưởng thành, diễn biến nặng và có tử vong. Bộ Y tế lưu ý bệnh sởi lây lan nhanh nhất trong số các bệnh truyền nhiễm, tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc hoặc tiêu chảy, thậm chí tử vong.

Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người có nguy cơ cao (người có bệnh phổi mạn tính, tiểu đường, cao huyết áp, người trên 50 tuổi), nhất là khi không rõ tiền sử tiêm chủng và chưa từng mắc sởi, nên chủ động tiêm vaccine phòng sởi. Người có nguy cơ cao khi xuất hiện những triệu chứng của bệnh sởi như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng nặng của bệnh.

Đồng thời, hạn chế tiếp xúc với những trường hợp mắc sởi hoặc nghi mắc sởi, nếu bắt buộc phải tiếp xúc cần mang khẩu trang và vệ sinh tay sau khi tiếp xúc với người bệnh. Tăng cường vệ sinh thân thể, mũi họng, giữ ấm, nâng cao thể trạng để tăng cường sức đề kháng phòng bệnh.

Các tin khác