Anh Tùng đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám với cân nặng 91 kg, cao 1,74 m, chỉ số BMI 30,2, tương đương béo phì độ hai - mức cao nhất theo tiêu chuẩn của WHO áp dụng cho người châu Á.
Kết quả đo InBody của anh Tùng cho thấy tỷ lệ vòng eo - hông cao hơn mức khuyến nghị cho nam giới (ngưỡng an toàn dưới 0,9). Khối lượng cơ của anh khoảng 31 kg, tức thấp hơn so với chuẩn ở nam giới độ tuổi này. BMI giúp xác định cân nặng tổng thể, còn tỷ số vòng eo/vòng hông (Waist-Hip Ratio - WHR) phản ánh phân bố mỡ trong cơ thể, đặc biệt là mỡ bụng.
Ngày 14/4, tiến sĩ, bác sĩ Lê Bá Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, cho biết anh Tùng không chỉ thừa cân mà mỡ nội tạng còn cao, thiếu cơ, mất cân bằng thành phần cơ thể nên dễ mệt mỏi, khó duy trì cân nặng ổn định.
"Nam giới béo phì độ hai với BMI trên 30 theo chuẩn châu Á là nguy hiểm", bác sĩ Ngọc nói, giải thích thêm tình trạng này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa và tim mạch, giảm testosterone, gây suy giảm ham muốn, rối loạn cương dương. Người bệnh béo phì độ hai cũng có nguy cơ cao mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ gây mệt mỏi, mất tập trung và tăng nguy cơ đột quỵ khi ngủ. Gan nhiễm mỡ, xơ gan cũng phổ biến hơn nếu lượng mỡ nội tạng, chỉ số vòng hai quá lớn.

Anh Tùng có vòng bụng to, mỡ nội tạng vượt ngưỡng an toàn. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Theo bác sĩ Ngọc, nếu anh Tùng giảm cân thông thường bằng các biện pháp ăn kiêng, tập luyện đơn lẻ khó có thể duy trì cân nặng lâu dài. Do đó, phác đồ điều trị cho anh Tùng nhằm mục tiêu kiểm soát cân nặng, tái phân bổ lại thành phần cơ - mỡ - nước, cải thiện tỷ lệ vòng eo - hông (WHR), giảm lượng mỡ nội tạng.
Bác sĩ chỉ định cho anh dùng thuốc giảm cân đường tiêm kết hợp phương pháp đông hủy mỡ, dinh dưỡng và vận động. Thuốc giúp tác động trực tiếp đến trung tâm điều khiển cảm giác đói ở vùng dưới đồi (não bộ). Cơ chế này góp phần giảm cảm giác thèm ăn, no lâu hơn, hỗ trợ người bệnh kiểm soát khẩu phần, giảm cân.
Khi thiếu hụt calo, lượng mỡ thừa được huy động để tạo năng lượng. Trong đó, mỡ nội tạng thường được ưu tiên "đốt cháy" trước do có tốc độ chuyển hóa cao hơn mỡ dưới da. Đây là yếu tố quan trọng bởi giảm mỡ nội tạng giúp cải thiện đáng kể các chỉ số chuyển hóa, giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, gan nhiễm mỡ. Thuốc còn hỗ trợ tuyến tụy tăng tiết insulin khi đường huyết cao, đồng thời giảm tiết glucagon (hormone làm tăng đường trong máu) từ đó duy trì đường huyết ở mức an toàn.
Ngoài lượng mỡ nội tạng, anh Tùng còn có lớp mỡ dưới da dày (trên 2,5 cm), vì vậy, liệu trình đông hủy mỡ giúp đẩy nhanh quá trình "đốt" mỡ.

Bác sĩ Lê Bá Ngọc kiểm tra tình trạng sức khỏe cho anh Tùng. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Chuyên viên dinh dưỡng xây dựng phác đồ dinh dưỡng riêng cho anh dựa vào khẩu phần và đặc thù công việc. Tiến sĩ Trần Quyền An, Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, khuyến cáo anh Tùng ăn đủ bữa thay vì bỏ bữa như trước, tăng cường chất xơ và protein, hạn chế đồ ăn nhanh, không uống trà sữa. Anh nên thực hiện bài tập nhẹ nhàng tại nhà hoặc nơi làm việc để tăng cường vận động.
Sau gần hai tuần, người bệnh thích nghi với chế độ dinh dưỡng, được bác sĩ điều chỉnh phù hợp nhằm tăng tốc độ đốt mỡ. Anh cần ưu tiên cung cấp đủ lượng chất xơ, protein (khoảng 90-100 g mỗi ngày), lượng carb chiếm 40-45% nhu cầu năng lượng của cơ thể (ưu tiên carb phức hợp). Phối hợp bài tập tăng sức bền và bài tập kháng lực giúp tập trung đốt mỡ, kích thích tăng cơ tự nhiên.
Tái khám sau 40 ngày, anh Tùng giảm từ khoảng 91 kg xuống còn 82 kg, BMI giảm còn 27,2, tức về mức béo phì độ một. Chỉ số mỡ nội tạng, tỷ lệ mỡ cơ thể, tỷ lệ vòng eo - hông đều cải thiện.
"Kết quả này chứng tỏ người bệnh đang ở giai đoạn chuyển đổi để tăng cơ - giảm mỡ bền vững", bác sĩ Ngọc nói. Anh Tùng cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng, không tự ý cắt bớt khẩu phần ăn hay tập luyện quá sức vì có thể dẫn đến tác dụng ngược.
*Tên người bệnh đã thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |