Chứng khoán

SGI Capital: Lợi nhuận tiếp tục suy giảm trong nửa đầu năm 2023, định giá nhiều cổ phiếu bớt hấp dẫn

Trong báo cáo nhận đinh mới cập nhật, SGI Capital đánh giá thị trường chứng khoán toàn cầu tháng 1/2023 có sự đồng pha nhất định khi USD Index giảm mạnh về mốc 101 và các điều kiện tài chính toàn cầu được nới lỏng. Dòng tiền chảy vào các tài sản rủi ro và thị trường mới nổi mạnh nhất kể từ 2021 cộng hưởng với kỳ vọng Trung Quốc mở cửa và phục hồi kinh tế đã kích hoạt thêm tâm lý tích cực.

SGI Capital: Lợi nhuận tiếp tục suy giảm trong nửa đầu năm 2023, định giá nhiều cổ phiếu bớt hấp dẫn - Ảnh 1.

Nguồn: SGI Capital

Thị trường toàn cầu gần đây có những cơ sở để kỳ vọng vào kịch bản “hạ cánh mềm” theo đó lạm phát giảm nhanh khiến Fed và các NHTW sớm đảo chiều chính sách trong khi đó kinh tế thực vẫn đủ ổn định để chịu được một đợt suy thoái nhẹ. Theo đó, vùng đáy của cổ phiếu đã xảy ra vào quý 4/2022 và dòng tiền đầu tư/đầu cơ đang đi trước, phản ánh kịch bản tích cực này .

Mặt khác, lãi suất được dự báo có thể sẽ tiếp tục tăng nhẹ và duy trì mặt bằng cao trong năm 2023. Áp lực sẽ dần “ngấm” tới từng lĩnh vực, mà trước hết nhóm doanh nghiệp nhạy với lãi suất như công nghệ đã bắt đầu cắt giảm chi tiêu, hạ giá sản phẩm, sa thải lao động.

Việc mở cửa của Trung Quốc có mặt trái là sẽ tiếp tục tạo áp lực cho mặt bằng giá cả hàng hóa khiến lạm phát khó giảm. Lãi suất có thể neo cao kéo dài sẽ sàng lọc nhóm doanh nghiệp kém hiệu quả hoặc tác động mạnh hơn là sẽ khiến tổng cầu sẽ đột ngột suy giảm mạnh ở một thời điểm trong tương lai.

Theo SGI Capital, sự kết hợp của dòng tiền đầu cơ mạnh trong bối cảnh định giá tăng cao, triển vọng tăng trưởng kém, và lãi suất chưa giảm sẽ là điều kiện tiềm tàng cho một nhịp điều chỉnh của thị trường.

Triển vọng kinh doanh tiếp tục suy giảm

TTCK Việt Nam đã tăng hơn hai tháng từ mức quá bán do giải chấp diện rộng lên lại vùng cân bằng dưới sự hỗ trợ của dòng tiền nước ngoài mua ròng kỷ lục và sự cải thiện của thanh khoản hệ thống. Giai đoạn tới, tâm điểm thị trường có thể chuyển dịch qua triển vọng kinh doanh của từng doanh nghiệp.

Trên thực tế, các chỉ số vĩ mô về tăng trưởng của Việt Nam vẫn đang suy yếu dưới tác động của nhu cầu suy giảm ở cả trong và ngoài nước. Xuất nhập khẩu có ba tháng liên tục giảm so với cùng kỳ, trong khi lãi suất tăng đang gây áp lực thu hẹp nhu cầu tín dụng, tiêu dùng, và đầu tư trong nước.

Trong quý 4/2022, lợi nhuận của các doanh nghiệp công bố cho thấy sự suy giảm mạnh ở nhiều ngành như bất động sản, thép, chứng khoán, bán lẻ... Lần đầu tiên kể từ 2008, lợi nhuận một quý của toàn thị trường có mức giảm trên 30% so với cùng kỳ . Khảo sát của SGI Capital cho thấy triển vọng kinh doanh nửa đầu 2023 của nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục suy giảm.

Theo SGI Capital, đà suy giảm lợi nhuận vẫn tiếp diễn trong 2 quý đầu năm 2023 khiến định giá P/E của nhiều cổ phiếu trở nên bớt hấp dẫn. Riêng với ngành ngân hàng, dù duy trì được mức tăng trưởng so với 2022, nhưng xu hướng thu hẹp NIM và nợ xấu tăng đã kéo giảm lợi nhuận quý 4 và sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực lên triển vọng lợi nhuận 2023.

SGI Capital: Lợi nhuận tiếp tục suy giảm trong nửa đầu năm 2023, định giá nhiều cổ phiếu bớt hấp dẫn - Ảnh 2.

Nguồn: SGI Capital

Điều này đã phần nào phản ánh trong mức giá hiện tại nhưng vẫn là rủi ro chính của thị trường. Ngược lại, những yếu tố tích cực như lãi suất đã tạo đỉnh, nhà đầu tư ngoại mua ròng và tỷ lệ margin đã giảm 40% từ đỉnh sẽ giúp thị trường bớt áp lực cung trong những đợt điều chỉnh trong thời gian tới.

Thêm nữa, một số tín hiệu lạc quan đã xuất hiện khi tỷ giá qua giai đoạn căng thẳng và SBV mua vào ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối, qua đó bơm VND hỗ trợ thanh khoản. Nhờ đó lợi tức trái phiếu chính phủ và tỷ giá đã giảm về giai đoạn trước vụ việc với tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm