Dự báo trên được đưa ra bởi quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu Catherine Smallwood hôm 7-2, tức một ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ và nước láng giềng Syria hứng chịu trận động đất mạnh 7,8 độ richter.
"Có khả năng chúng ta sẽ chứng kiến những dư chấn mới. Thực tế, chúng chúng ta thường chứng kiến con số ban đầu tăng gấp 8 lần" - bà Catherine Smallwood nói vào thời điểm con số tử vong được báo cáo 2.600 trường hợp. Cập nhật mới nhất từ báo Anh The Guardian, số người tử vong bởi trận động đất hôm 6-2 đã tăng lên con số hơn 4.300 trường hợp.
Theo mô tả của Reuters nhiều nạn nhân vẫn bị vùi lấp dưới đống đổ nát song công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn khi nhiệt độ đóng băng chỉ sau một đêm.
Hàng ngàn người còn đang mất tích sau thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6-2. Ảnh: The Guardian
Một bé gái được cứu hộ thành công từ tòa nhà bị sập ở TP Diyarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6-2. Ảnh: REUTERS
Trong bối cảnh đó, một quan chức phụ trách vấn đề nhân đạo hàng đầu của Liên Hiệp Quốc cho biết số người cần giúp đỡ ngày càng tăng và cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc hơn.
"Cơ sở hạ tầng bị tàn phá khiến những tuyến đường mà chúng tôi từng sử dụng cho công việc nhân đạo không thể tiếp tục được nữa. Chúng tôi phải tìm cách khác trong cách tiếp cận nạn nhân… Hiện hàng triệu người đang cần được giúp đỡ" - quan chức nhân đạo của Liên Hiệp Quốc Timour Azhari chia sẻ với Reuters.
Lực lượng cứu hộ kéo một người ra khỏi toà nhà bị sập ở Malatya - Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6-2. Ảnh: Reuters
Cảnh hoang tàn ở Osmaniye - Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters
Lợi dụng tình trạng hỗn loạn của trận động đất, 20 phạm nhân mà hầu hết là thành viên tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã vượt ngục trốn thoát khỏi một nhà tù ở Syria.
Tờ Guardian mô tả các tội phạm đã nổi loạn tại nhà tù quân cảnh ở thị trấn Rajo gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là nơi giam giữ khoảng 2.000 phạm nhân, trong đó có khoảng 1.300 kẻ bị tình nghi là thành viên IS. Nhà tù này cũng giam giữ các chiến binh thuộc lực lượng do người Kurd lãnh đạo.
"Sau khi trận động đất xảy ra, Rajo bị ảnh hưởng và các tù nhân lợi dụng điều này để nổi loạn. Khoảng 20 phạm nhân đã trốn thoát mà hầu hết đều là các thành viên IS" - quan chức tại nhà tù Rajo, nơi do phe thân Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát, cho biết.
Đặc phái viên của Syria tại Liên Hiệp Quốc Bassam Sabbagh khẳng định: "Hàng viện trợ sẽ đến tay tất cả người dân Syria trên lãnh thổ Syria".
"Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ và phối hợp để cung cấp hỗ trợ cho tất cả người dân Syria trên toàn bộ lãnh thổ của Syria" - quan chức của Damascus nhấn mạnh.
Lực lượng cứu hộ Syria tìm kiếm những người sống sót trong đống đổ nát sau thảm họa động đất hôm 6-2. Ảnh: The Guardian
Cam kết được ông Bassam Sabbagh đưa ra sau cuộc gặp với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres. "Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ cả những người cần sự giúp đỡ trên toàn lãnh thổ Syria.
Hiện viện trợ nhân đạo ở các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát tại Syria thường đến qua Thổ Nhĩ Kỳ, nhờ một cơ chế xuyên biên giới vào năm 2014 theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố quốc tang
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố quốc tang 7 ngày để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng sau trận động đất ở tỉnh Kahramanmaras.
"Tôi tuyên bố quốc tang trong vòng 7 ngày. Toàn bộ quốc gia và văn phòng đại diện tại nước ngoài sẽ treo cờ rủ đến tối 12-2" - Tổng thống Recep Tayyip Erdogan viết trên Twitter hôm 6-2.