Chứng khoán hiện đang là hình thức đầu tư được nhiều người yêu thích, đặc biệt là các bạn trẻ và dân văn phòng. Tuy nhiên, bên cạnh việc đem lại một nguồn thu không nhỏ, chứng khoán còn có tác dụng phụ là gây “nghiện”. Mà đầu tư chứng khoán thì đâu chỉ có bỏ tiền ở đó rồi đi đâu thì đi, đã đầu tư thì phải theo dõi thị trường, xem giá chốt mua-bán để có lời.
Và nhất là đối với dân văn phòng hay đầu tư chứng khoán thì chuyện xem giá chốt lời trong giờ làm xảy ra như cơm bữa. Nhưng hành động đó cũng gây ra kha khá điều phiền toái về hiệu suất làm việc cũng như mức độ tập trung, khiến các sếp “lo sốt vó” không ít thì nhiều lắm đấy! Nghe các sếp giãi bày này!
Nhân viên đi làm mà người ở đây nhưng hồn thì... xem chart
Chị Ngọc (30 tuổi, trưởng phòng một Agency tại TP.HCM) chia sẻ: “Công ty chị chủ yếu làm quảng cáo và marketing, nhưng các thành viên trong team cũng sừng sỏ trong chuyện đầu tư này đầu tư kia, tuy nhiên thấy chủ yếu vẫn là đầu tư chứng khoán, tầm 60% thành viên trong công ty đều vào hết rồi (ý chỉ mở tài khoản chứng khoán để giao dịch), chị cũng là một trong số đó.”
Khác với chị Ngọc, anh Bùi Văn Huy (Giám đốc Môi giới CTCP Chứng khoán TP.HCM-HSC) thì cho rằng với đặc thù làm việc tại công ty chứng khoán như của anh thì các công việc liên quan đến chứng khoán đều khá bình thường. “Nhân viên của anh tư vấn chứng khoán cho khách hàng nên công việc chính là chơi chứng, phân tích thị trường, chọn cổ phiếu, xem chart… Cái đó là công việc hàng ngày của các bạn luôn.” - anh tâm sự.
Khi được hỏi về vấn đề liệu có chuyện nhân viên bỏ bê công việc để chơi chứng trong giờ làm hay không, chị Ngọc giãi bày: “Nói thật là vấn đề đó có xảy ra, một số bạn chị biết tiết kiệm một khoản lớn chỉ để bỏ vào chứng khoán thôi đó, vậy nên các bạn cứ “ôm” máy để xem chart là điều dễ hiểu.”
Chị Ngọc cũng chia sẻ thêm, việc nhân viên xem bảng biểu cũng gây ảnh hưởng khá lớn trong công việc, nhất là trong các giai đoạn công ty nhận nhiều dự án và hợp đồng mới, làm chậm tiến độ và chất lượng của dự án. “Thấy các bạn lên xuống tinh thần vì chơi chứng mà chị thấy vừa thương vừa bực.” - Chị Ngọc dở khóc dở cười kể lại.
Anh Huy cũng gặp tình cảnh tương tự khi đã từng đảm nhận vị trí quản lý một nhóm nghiên cứu, chiến lược của công ty. Anh kể lại: “Các bạn xem bảng điện cả ngày luôn, cũng nhức đầu vì cái này lắm.”
Rõ ràng, chuyện dân văn phòng đầu tư chứng khoán đã không còn là vấn đề xa lạ nữa. Tuy nhiên việc chơi chứng khoán trong giờ làm hoặc gây ảnh hưởng đến kết quả công việc là một vấn đề nan giải mà không phải “sếp” nào cũng giải quyết được.
“Bỏ mặc buông xuôi” hay giải cứu đồng đội?
Khi được hỏi về những biện pháp để cải thiện nhân viên trước tình trạng trên, chị Ngọc cười xòa cho rằng với số lượng người chơi chứng cao trong nhóm, chị khó mà quản lý nổi. Tuy nhiên chị vẫn đưa ra một lời khuyên nho nhỏ: “Bản thân chị cũng chơi chứng, các bạn chơi chị không thấy vấn đề gì, tuy nhiên cũng nên xem xét số tiền và mức độ chịu rủi ro mà mình có, đừng “dâng hết mỡ cho mèo”.
Đồng thời chị cũng cho rằng việc các bạn đầu tư là quyền cá nhân, công ty và các sếp sẽ không mắng, tuy nhiên các bạn nên biết quản lý bản thân để không ảnh hưởng đến công việc và công ty.
Anh Huy cũng đồng ý với quan điểm trên của chị Ngọc, cho rằng việc chơi chứng có ảnh hưởng công việc hay không là do cá nhân mỗi người, đồng thời có lời khuyên dành cho các bạn trẻ có ý định đầu tư hoặc nhà đầu tư không chuyên không nên quá bám sàn, nghĩa là theo dõi thị trường quá thường xuyên.
Anh Huy còn nhận định nhà đầu tư chứng khoán hãy cố gắng chọn ngành hợp lý, doanh nghiệp có triển vọng và nền tảng tốt, sau đó mua và nắm giữ. Việc quản trị danh mục có thể thực hiện ngoài giờ để không ảnh hưởng quá đến công việc. “Việc chọn cho mình một phương pháp đầu tư phù hợp sẽ giúp nhà đầu tư tiết kiệm thời gian, không quá ảnh hưởng đến công việc và hiệu quả cao hơn.” - Anh Huy khuyên.
Cả chị Ngọc và anh Huy đều đưa ra những lời khuyên dành cho hội văn phòng về việc quản lý đầu tư lẫn công việc được kết quả tốt mà không quá ảnh hưởng đến nhau. Bên cạnh đó, hội dân văn phòng cũng nên có những chiến lược đầu tư hiệu quả, tránh gây ảnh hưởng đến công việc và công ty.
Cuối cùng, có ai vẫn xem chart trong giờ làm mà thấy lạnh sống lưng không nhỉ, coi chừng đằng sau nhé!