Trước Tết Âm lịch, vợ chồng chị Hải (Hà Nội) đã mua một căn hộ rộng hơn 80m2 với số tiền 2,6 tỷ đồng. Cũng như nhiều gia đình trẻ khác, anh chị phải vay một khoản tiền ngân hàng mới có thể mua được nhà.
"Quá trình vay tôi cũng phải làm thủ tục theo yêu cẩu của ngân hàng. Mức lãi suất của tôi vay là dưới 10%, khoảng độ 9,5 %. So với thời điểm đó, mức vay trung bình này của tôi cũng chấp nhận được", chị Hải cho hay.
Nhờ vay ngân hàng, nhiều gia đình trẻ sớm sở hữu được nhà riêng
Vợ chồng anh Minh, quê Bắc Giang thì cho hay, hai vợ chồng lập nghiệp tại Hà Nội đã hơn 5 năm. Là nhân viên văn phòng, tổng thu nhập hai vợ chồng chỉ trên dưới 20 triệu đồng/tháng, nên việc mua một căn nhà ở xã hội vẫn là điều mơ ước của anh Minh.
Thời gian qua, vợ chồng anh Minh đang “ngắm” một căn hộ có giá hơn 1,2 tỷ đồng tại một dự án nhà ở xã hội ở Bắc Từ Liêm. Vợ chồng anh hy vọng, ngoài 500 triệu tiền tiết kiệm, thời gian tới vợ chồng anh sẽ được chấp nhận làm thủ tục tiếp cận vốn vay ưu đãi số tiền còn lại.
“Với Ngân hàng Chính sách, phải có tiền gửi trước 6 tháng, chứng minh thu nhập, hộ khẩu thường trú ổn định. Ngân hàng thương mại thì điều kiện “dễ thở” hơn, nhưng lãi suất lại quá cao. Tôi hy vọng sẽ đủ điều kiện được xét duyệt vay ưu đãi để những vợ chồng trẻ như chúng tôi có chỗ an cư”, anh Minh chia sẻ.
Theo Bộ Xây dựng, dự báo nhu cầu về nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại khu vực đô thị. Trong bối cảnh nhu cầu tăng nhưng nguồn cung của các dự án nhà ở còn hạn chế, giá căn hộ chung cư tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khó có thể "hạ nhiệt".
Phó Thống đốc Ngân hàng khẳng định, tín dụng bất động sản phục vụ người mua nhà được xem bình đẳng như những lĩnh vực khác của nền kinh tế
Theo khảo sát của Công ty Savills Việt Nam, giá bán căn hộ sơ cấp bình quân tại Hà Nội hiện đạt 47 triệu đồng/m2. Nếu so với quý I/2019, giá sơ cấp hiện nay đã cao hơn 53%, sau 16 quý tăng liên tục.
Theo một khảo sát, 70% người dân mua nhà ở tại đô thị đều có nhu cầu vay ngân hàng. Ngay từ đầu năm nay, nhiều ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất cho vay, về quanh ngưỡng trên dưới 10%. Động thái này đã góp phần giúp những người có nhu cầu vay mua nhà để ở dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn hơn, so với thời điểm vào giữa năm ngoái.
Còn theo các sàn giao dịch, nhu cầu nhà ở thật của người dân hiện rất lớn. Khi người dân tiếp cận được vốn vay ngân hàng, thị trường bất động sản mới có thể khởi sắc trở lại, tạo ra các giao dịch cho thị trường thoát khỏi cảnh trầm lắng. Ghi nhận trên thị trường cho thấy, từ cuối năm ngoái, việc vay ngân hàng mua nhà đã thuận lợi hơn.
Bước sang quý đầu tiên của năm 2023, hạn mức tín dụng của các ngân hàng đã được phân bổ theo chỉ tiêu của năm mới. Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hiện đã có 16 tổ chức tín dụng đăng ký, cam kết giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 0,5 - 2%/năm, có đơn vị giảm lãi suất cho vay tới 3,5%/năm. Điều này giúp giảm bớt áp lực cho người vay mua nhà.
Ông Trịnh Bằng Vũ - Trưởng Khối Cho Vay Bán Lẻ - Ngân hàng Shinhan Việt Nam thông tin: "Hiện nay nổi bật là gói lãi suất cho vay cố định trong suốt 3 năm đầu tiên với mức chưa tới 10%/năm, sau đó thả nổi khoảng trên 12%/năm với điều kiện tín dụng tốt, tài sản bảo đảm".
Mặc dù mức lãi suất cho vay mua nhà ở thời điểm hiện tại được đánh giá vẫn cao hơn so với kỳ vọng của nhiều người. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là thời điểm thích hợp để những người có nhu cầu vay tiền mua nhà trong thời gian tới.
Đặc biệt, ngày 8/2 mới đây, tại Hội nghị Tín dụng Bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, NHNN chỉ ban hành văn bản chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào một số phân khúc có rủi ro cao trong bất động sản, có tính đầu cơ, các dự án lớn có nguy cơ dẫn tới bong bóng, có thể dẫn tới rủi ro an toàn hệ thống. Còn tín dụng bất động sản phục vụ người mua nhà được xem bình đẳng như những lĩnh vực khác của nền kinh tế, không có hạn chế nào.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, có thể thấy hiện nay các tổ chức tín dụng vẫn cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản với mức tăng trưởng cao và đang có dư nợ lớn. Đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi thì được tổ chức tín dụng cho vay theo đúng quy định.
Kể từ đầu năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản để khơi thông các thị trường khác như trái phiếu doanh nghiệp.
Được biết, bất động sản là ngành đang đóng góp 11% GDP, có quan hệ mật thiết với nhiều ngành nghề, tạo ra nhiều việc làm. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường này gặp không ít khó khăn khi dòng vốn tín dụng bị siết lại, cung dư thừa so với nhu cầu và thị trường còn thiếu minh bạch... Những yếu tố này khiến giao dịch bất động sản giảm, nhiều dự án ngừng trệ không tiếp tục triển khai do đói vốn...
Cuối năm ngoái, Chính phủ đã lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với sự tham gia của các bộ, ngành. Tổ công tác vừa qua đã làm việc với một số địa phương, doanh nghiệp bất động sản lớn để lắng nghe và tìm hướng xử lý khó khăn cho các đơn vị.