Nếu không bao giờ biết nói “không” với người khác, bạn sẽ là người phải gánh chịu hậu quả tinh thần
Hầu hết mọi người coi sự bất an về cảm xúc là một đặc điểm thuộc về tính cách – nghĩa là chúng ta sinh ra đã có sẵn, và ta phải chấp nhận sống cùng nó.
Với nhiều người, bất an đã trở nên “kinh niên”. Tuy nhiên, trong thực tế, chính các thói quen mới là thứ khiến chúng ta cảm thấy bất an.
Và cách tốt nhất để thoát khỏi vòng lặp bất an là xác định những thói quen đang “nuôi dưỡng” sự bất an của bản thân ở hiện tại. Để cảm thấy bớt bất an và tự tin hơn, hãy cố gắng loại bỏ những thói quen sau đây mà những người bấp bênh (hay bất an) luôn có.
1. Không bao giờ biết từ chối
Một trong những lý do lớn nhất khiến một số người luôn trong trạng thái bấp bênh chính là vì họ sợ nói “không” với mọi người.
Ví dụ, khi mẹ chồng hỏi liệu bà có thể ghé qua chơi với cả nhà hay không. Bạn đang có một ngày vất vả và thực sự không muốn có thêm căng thẳng khi bà đến. Nhưng vì sợ bà phật ý nên bạn vẫn đồng ý.
Hoặc bạn đang bị kiệt sức và căng thẳng trong công việc vì quá nhiều dự án. Rồi giám đốc ghé qua văn phòng và hỏi xem bạn có thể nhận thêm một dự án mới không. Vì sợ mất lòng sếp, mất chỗ đứng đã được khẳng định, nên bạn đồng ý và thế là căng thẳng càng thêm nặng nề.
Nếu không bao giờ biết nói “không”, đến cuối cùng bạn sẽ phải sống cuộc đời của người khác thay vì của chính mình.
Mỗi lần bạn thỏa hiệp với người khác, bạn đang nói với tâm trí mình rằng điều bạn muốn không quan trọng. Nếu điều này trở thành một thói quen, tâm trí bạn cũng không còn coi trọng chính nó.
Nếu muốn cảm thấy an toàn hơn, hãy học cách bảo vệ bản thân cũng như những mong muốn và nhu cầu của riêng mình.
2. Tìm kiếm sự trấn an
Cố tìm kiếm sự trấn an là một trong những thói quen hàng đầu khiến chúng ta cảm thấy bất an.
Khi có thói quen này, bạn đang nói với bản thân rằng mình không thể tự giải quyết mọi việc. Nếu điều này diễn ra thường xuyên, bạn sẽ cảm thấy như mình không thể giải quyết được bất cứ điều gì.
Tất nhiên có những hoàn cảnh mà chúng ta thực sự cần đến sự trấn an, chẳng hạn như khi bạn cảm thấy lo lắng và thiếu quyết đoán, việc giao quyền quyết định cho người khác sẽ giúp bạn giải tỏa rất nhiều, hay khi bạn cảm thấy sợ bị đánh giá vì chọn thứ này thay vì thứ khác, yêu cầu trấn an sẽ giúp bạn giảm bớt nỗi sợ đó. Khi quá lo lắng về ngoại hình của mình, hỏi người khác cũng sẽ khiến bạn bớt lo lắng hơn và tự tin hơn.
Tai hại chỉ đến khi chúng ta quá chìm trong thói quen này. Nếu luôn cần đến người khác để cảm thấy tốt hơn, chúng ta sẽ không bao giờ học được cách tự giúp bản thân mình. Và nếu trong thâm tâm tin rằng mình không có khả năng giúp bản thân đối phó với nỗi đau hay khó khăn về mặt tinh thần, thì bạn sẽ cảm thấy rất bất an.
Nếu muốn cảm thấy an toàn và tự tin hơn, hãy rèn luyện bản thân để chịu đựng được mọi nỗi lo lắng ngắn hạn.
3. Chỉ trích người khác
Những người bấp bênh thường sử dụng những lời chỉ trích người khác như một cách để tự cảm thấy bản thân tốt hơn. Nhưng làm thế nào mà chỉ trích người khác lại giúp chúng ta cảm thấy tốt hơn?
Về lâu về dài thì điều này không đúng. Chỉ trích người khác quá mức sẽ khiến bạn cảm thấy tội lỗi và chỉ khiến bạn thêm bất an. Nhưng trong thời gian ngắn, việc chỉ trích người khác lại khiến chúng ta cảm thấy mình có gì đó tốt hơn họ.
Ví dụ, khi bạn nghĩ rằng ý kiến của ai đó trong cuộc họp là không chất lượng, nghĩa là bạn tự ám chỉ rằng mình thông minh.
Khi chỉ trích vợ/chồng mình về việc quên đổ rác, bạn đang ám chỉ rằng bạn là người rất biết để tâm.
Hãy ghi nhớ, những lời góp ý hữu ích làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Còn những lời chỉ trích vô ích là làm cho riêng bản thân bạn cảm thấy tốt hơn.
Nếu muốn bớt bất an, hãy ngừng sử dụng những lời chỉ trích để thổi phồng cảm giác giả tạo về bản thân. Bởi đến cuối cùng, nó sẽ phản tác dụng
4. Giao tiếp kiểu hung hăng thụ động
Giao tiếp hung hăng thụ động là khi bạn muốn một cái gì đó nhưng lại quá sợ xung đột để yêu cầu nó một cách trực tiếp. Thay vào đó, bạn cố gắng làm cho mọi người trao nó cho bạn thông qua các chiến thuật thao túng tinh vi.
Đây là hình thức giao tiếp tồi tệ nhất vì nó kết hợp tính thụ động, nỗi sợ phải yêu cầu những gì bạn muốn với sự gây hấn và nỗ lực kiểm soát người khác.
Những người hung hăng thụ động che giấu sự hung hăng của họ, để không phải chịu trách nhiệm về điều đó.
Ví dụ, thường xuyên đến muộn trong mọi công việc/sự kiện thường là một dạng hung hăng thụ động vì bạn đang cố gắng đạt được điều mình muốn (có thêm thời gian cho bản thân) mà không muốn chịu trách nhiệm về điều đó và tránh bị chỉ trích (bạn lấy lí do tắc đường, hỏng xe, …)
Nhưng giống như các thói quen bên trên, hung hăng thụ động chỉ có ích trong thời gian ngắn.
Bạn có thể nhận được những gì mình muốn từ mọi người, nhưng cuối cùng, họ cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi với bạn. Bạn sẽ không còn được khen thưởng, không còn được mời tham gia các buổi họp mặt, không còn giữ được các mối quan hệ, rơi vào cô đơn và buồn bực.
Trong sâu thẳm, bạn cũng sẽ thực sự oán giận bản thân vì đã không đủ can đảm để thành thật và thẳng thắn với mọi người. Kéo theo đó là cảm giác bất an đeo đẳng
Hãy học cách bớt hung hăng thụ động bằng việc luyện tập cách giao tiếp quyết đoán. Đó là một kỹ năng rất dễ rèn luyện, chỉ cần bắt đầu ở quy mô nhỏ và tiến dần lên từ từ.
Lời kết
Sự bất an không phải là “bản án chung thân”. Bất kể điều gì đã gây ra sự bất an của bạn, thì chính những thói quen nhỏ, không đáng chú ý lại là thứ duy trì nó.
Hãy cố gắng xác định và loại bỏ những thói quen nêu trên, để sự tự tin và giá trị bản thân được tái khẳng định và quay trở lại.