Hiệu quả kinh doanh cao
Tại Hội nghị Công bố và triển khai Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 và Kế hoạch kinh doanh, Kế hoạch đầu tư phát triển đến năm 2025 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) ngày 18/1/2023 mới đây, lãnh đạo SCIC cho biết kể từ khi đi vào hoạt động từ năm 2006 đến nay, SCIC đã tiếp nhận 1.080 DN (bao gồm 25 tập đoàn, tổng công ty) với tổng vốn Nhà nước hơn 32.339 tỷ đồng.
Toàn cảnh Hội nghị
Về bán vốn, SCIC đã bán thành công vốn tại 1.054 DN (bán hết vốn tại 950 DN, bán bớt vốn tại 104 DN và bán quyền mua tại 19 DN), tổng giá trị thu về 51.668 tỷ đồng, gấp 4,1 lần giá vốn ban đầu.
Về sắp xếp và cổ phần hóa, đã có 31 trong tổng số 34 công ty TNHH từ 1-2 thành viên với 100% vốn Nhà nước đã được SCIC tiếp nhận. Về đầu tư kinh doanh vốn, SCIC đã giải ngân đầu tư với tổng số vốn là 37.600 tỷ đồng.
Tính chung sau hơn 17 năm hoạt động kể từ khi thành lập, SCIC đã tạo ra tổng doanh thu 110.432 tỷ đồng, tổng lợi nhuận 85.863 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân trong cả giai đoạn đạt 13%/năm. Tổng nộp ngân sách nhà nước là 92.245 tỷ đồng.
Năm 2023, doanh thu luỹ kế của SCIC ước đạt 6.916 tỷ đồng, bằng 104% so với kế hoạch, lợi nhuận trước thuế ước đạt 6.695 tỷ đồng, bằng 230% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 6.432 tỷ đồng , bằng 221% kế hoạch.
Năm 2023 SCIC đã và đang triển khai nghiên cứu đầu tư 10 dự án, với số vốn giải ngân dự kiến khoảng 20.452 tỷ đồng.
Chuyển đổi sang mô hình đầu tư chuyên nghiệp
Ngày 10-11-2023, Thủ tướng Chính Phủ đã có Quyết định 1336/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn đến 2025 của SCIC.
Đồng chí Đinh Việt Tùng - Phó Tổng Giám đốc SCIC trình bày các nội dung trọng tâm và kế hoạch triển khai nhiệm vụ Chiến lược phát triển của SCIC
Căn cứ vào đó, mục tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh trong 5 năm (2021-2025) được SCIC đặt ra bình quân mỗi năm, gồm: doanh thu đạt 9.400 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 6.700 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 10% và tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) đạt 9,6%.
Bình quân mỗi năm, SCIC sẽ nộp ngân sách nhà nước 5.400 tỷ đồng/năm và phấn đấu tổng số giải ngân đầu tư chung của cả giai đoạn đến năm 2025 sẽ đạt 36.300 tỷ đồng.
Hiện nay, SCIC đang từng bước thực hiện tốt chức năng xúc tiến đầu tư, hợp tác với các quỹ, tổ chức tài chính quốc tế như: hợp tác với Cơ quan Đầu tư Oman (OIA) thành lập Công ty Đầu tư Việt Nam - Oman (đã thu hút vốn và giải ngân được 250 triệu USD); hợp tác với Temasek trong chia sẻ kinh nghiệm đầu tư và đào tạo cán bộ…
Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách được SCIC đề xuất, xây dựng và triển khai đã được các cơ quan chức năng tham khảo, nhân rộng và áp dụng chung như: Quy chế người đại diện; Cơ chế bán đấu giá cả lô; Cơ chế đặt cọc, ký quỹ, thanh toán đối với nhà đầu tư nước ngoài tham gia đấu giá mua cổ phần...
Đánh giá về sự chuyển mình trong định hướng trở thành quỹ đầu tư chuyên nghiệp, ông Nguyễn Chí Thành –Chủ tịch HĐTV SCIC chia sẻ, quy mô GDP của Việt Nam hiện nay tương đương Singapore (450 tỷ USD) nhưng vốn hóa danh mục của SCIC chỉ là 8 tỷ USD, bằng 1/100 các quỹ của Chính phủ Singapore.
Đồng chí Nguyễn Chí Thành - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV SCIC phát biểu tại Hội nghị
Bên cạnh đó, ông Thành chỉ ra thực tế, Việt Nam hiện có nhiều doanh nghiệp địa phương sau nhiều thập kỷ phát triển có khả năng vươn tầm nhưng hiện thiếu nguồn lực về tài chính về quản trị. Tiêu biểu như Becamex Bình Dương, Sonadezi của Đồng Nai..., hay đầu tư phát triển doanh nghiệp vận hành, tạo trung tâm tài chính tại TP.HCM.
“Một trong những giải pháp được chuyên gia đề xuất nhiều nhất là quốc gia hóa doanh nghiệp lớn ở địa phương đang mặc chiếc áo chật bằng cách không cần chuyển giao vốn về SCIC. Nhưng cho doanh nghiệp tăng vốn và SCIC đầu tư vào sẽ giải quyết lợi thế quốc gia, gia tăng giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, ông Nguyễn Chí Thành chia sẻ.
Thời gian tới, SCIC sẽ tập trung vào giải pháp về chuyển đổi mô hình hoạt động SCIC thành tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp như: xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư kinh doanh vốn; cơ chế phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ; Xây dựng, báo cáo Đề án chuyển đổi mô hình hoạt động.