Doanh nghiệp

Bất chấp kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn báo lãi kỷ lục năm 2023

Tính tới hết ngày 28/1 có trên 600 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý IV/2023. Trong đó nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục năm 2023 như: CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ), CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG), CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP), CTCP FPT (Mã: FPT), CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS), Nhựa Tiền Phong (Mã: NTP), Nhựa Bình Minh (Mã: BMP), Tổng CTCP Công trình Viettel (Viettel Construction - Mã: CTR), Mộc Châu Milk (Mã: MCM), CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (Mã: VEF), CTCP Công viên nước Đầm Sen (Mã: DSN), CTCP Cảng Đà Nẵng (Mã: CDN),...

Nhóm dược phẩm, nhựa dân dụng đua nhau báo lãi kỷ lục

Dược phẩm trong các năm gần đây đều kinh doanh ổn định, bất chấp khó khăn của nền kinh tế. Dược Hậu Giang (Mã: DHG) - công ty dược phẩm lớn nhất trên sàn năm vừa rồi tiếp tục ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương với 6%. Đây cũng là năm đánh dấu Dược Hậu Giang có lãi trên nghìn tỷ. 

Doanh nghiệp lý giải kết quả tăng trưởng trên nhờ tập trung bán các sản phẩm chiến lược, thiết lập hệ thống phân phối chặt chẽ và kết nối được với khách hàng. 

Tương tự, Imexpharm (Mã: IMP) cũng có một năm tiếp tục khởi sắc với lợi nhuận sau thuế gần 300 tỷ, tăng 35% so với năm 2022. Đây cũng là kết quả cao nhất của công ty kể từ khi lên HOSE (2006).

Đối với ngành nhựa dân dụng, hai công ty đầu ngành là Nhựa Tiền Phong (Mã: NTP) và Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) cũng có một năm huy hoàng với mức lợi nhuận lập kỷ lục. 

Nhựa Tiền Phong (Mã: NTP) - với thị trường chính tập trung ở miền Bắc ghi nhận lãi sau thuế 559 tỷ, tăng 16,5% so với năm 2022. Đây cũng là mức lợi nhuận năm cao nhất của doanh nghiệp kể từ khi niêm yết (năm 2006). Còn Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) - hoạt động mạnh ở thị trường phía Nam đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế lần đầu vượt mốc nghìn tỷ, tăng 50% lên 1.041 tỷ đồng.

Nhóm nhựa dân dụng báo lãi đậm trong bối cảnh giá đầu vào PVC tiếp tục đi ngang tại đáy do nhu cầu vật liệu này trên toàn thế giới đi xuống. Khi giá đầu vào giảm, các công ty sản xuất ống nhựa có xu hướng giảm giá cho đại lý phân phối, khuyến khích các đại lý tích lũy thêm sản phẩm.

Giá đầu vào PVC đang đi ngang quanh vùng đáy là động lực giúp biên lãi gộp của hai công ty nhựa dân dụng có xu hướng cải thiện theo quý. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính quý).

Năm 2023, Tập đoàn FPT (Mã: FPT) tiếp tục duy trì mức tăng trưởng dương với lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) đạt 6.470 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với năm trước đó và là mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động.

Trong đó, khối công nghệ đóng góp tới 45% lợi nhuận trước thuế của FPT, tương đương 4.161 tỷ đồng, chủ yếu là nhờ mảng dịch vụ công nghệ thông tin tại nước ngoài trong bối cảnh nhu cầu chi tiêu cho mảng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vẫn rất lớn. 

Năm ngoái, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) ghi nhận doanh thu giảm nhẹ 2% do trang sức bán lẻ giảm gần 8%, trang sức bán sỉ giảm gần 31%. Bù lại doanh thu vàng 24K tăng gần 21% so với năm 2022.

Dù vậy doanh nghiệp này cũng đạt mức lợi nhuận sau thuế kỷ lục với 1.971 tỷ đồng, tăng gần 9% so với 2022 nhờ chiếm lĩnh thêm thị phần, gia tăng khách hàng mới, mở rộng mạng lưới và tung thêm sản phẩm. Biên lợi nhuận gộp trung bình năm 2023 đạt 18,3%, cao hơn mức 17,5% cùng kỳ năm 2022. 

Tính hết năm 2023, PNJ có tổng cộng 400 cửa hàng. (Ảnh minh họa: MH).

Năm vừa rồi, CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS) cũng ghi nhận lợi nhuận ròng tăng đột biến tới 70% lên 2.189 tỷ đồng.

Công ty cho biết thời gian qua đã tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất công nghiệp giúp tăng năng suất và chất lượng cây mía; dây chuyền sản xuất đường đi vào hoạt động ổn định giúp tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm.

Ngoài ra, các biện pháp phòng vệ thương mại của nhà nước đổi với sản phẩm đường và việc kiểm soát tốt đường nhập lậu cũng là một trong những nguyên nhân giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh đường của công ty đạt hiệu quả cao so với cùng kỳ.

Lãi kỷ lục nhờ các khoản thu nhập khác

Một số doanh nghiệp báo lãi đạt đỉnh trong năm 2023 còn nhờ đến doanh thu từ hoạt động tài chính hoặc lợi nhuận khác.

Chẳng hạn, CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC - Mã: VEF) - công ty con của Vingroup nhờ nguồn thu từ hoạt động tài chính hơn 564 tỷ, nên công ty lãi sau thuế 435 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ và cao nhất kể từ khi lên UPCoM (2015). Trong khi đó doanh thu thuần chỉ đạt gần 9 tỷ đồng, chủ yếu là thu từ tổ chức hội chợ, triển lãm.

Những năm gần đây, hoạt động tài chính (bao gồm lãi từ cho vay, lãi tiền gửi,...) mới là nguồn thu chính, giúp VEFAC có lãi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm dù doanh thu thuần chỉ mang về vỏn vẹn vài tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2023, tiền và các khoản tương đương tiền của VEFAC là 1.330 tỷ đồng, chiếm gần 14% tổng tài sản. Các khoản phải thu từ cho vay ngắn và dài hạn lên tới 3.034 tỷ đồng tại cuối kỳ, đây là các khoản phải thu về cho vay các đối tác, lãi suất 11% - 12%/năm và được đảm bảo.

Đóng góp của doanh thu từ hoạt động tài chính vào kết quả lợi nhuận của VEFAC. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính).

Trong bối cảnh tiêu thụ dầu ăn yếu và giá dầu cọ vẫn biến động thất thường, doanh thu thuần của Tổng Công ty Công Nghiệp Dầu Thực Vật Việt Nam (Vocarimex - Mã: VOC) rơi về mức đáy kể từ khi lên UPCoM. Tuy nhiên nhờ khoản thoái vốn từ "gà đẻ trứng vàng" Calofic nên cả năm tổng công ty vẫn lãi hơn nghìn tỷ.

Năm 2023, CTCP Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa (Mã: TIP)  ghi nhận doanh thu tài chính tăng mạnh lên hơn 92 tỷ đồng, cao gấp 7,5 lần so với cùng kỳ. Đây là khoản lợi nhuận nhận được từ thương vụ hợp tác với CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (UPCoM: PAP); lãi chuyển khoản đầu tư tại CTCP Cà phê Olympic từ công ty liên kết sang đầu tư khác và nhận khoản cổ tức từ CTCP Thương mại và Xây dựng Phước Tân (công ty liên kết). Đây cũng là động lực chính giúp công ty này thiết lập mốc lợi nhuận kỷ lục năm 2023.

  Nguồn: MH tổng hợp từ báo cáo tài chính quý IV/2023 của doanh nghiệp.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm