Tài chính

Sau căng thẳng Nga - Ukraine, chuỗi cung ứng toàn cầu lại đón tin dữ: Tắc nghẽn nghiêm trọng, cước vận chuyển tiếp tục bị đẩy lên cao

Hôm 1/4, Thượng Hải mở rộng lệnh hạn chế ở nhiều khu vực trong thành phố, trong đó có trung tâm tài chính của Trung Quốc và một trong những cảng bận rộn nhất thế giới. Các chuyên gia cho biết, các hoạt động của cảng Thượng Hải đã ở tình trạng đình trệ và điều này có thể khiến tình trạng tắc nghẽn thêm trầm trọng, theo đó đẩy chi phí vận chuyển lên cao hơn nữa.

Đầu tuần này, thành phố ven biển Trung Quốc đã áp đặt quy định phong tỏa 2 giai đoạn đối với 25 triệu người dân. Giới chức phong tỏa khu vực phía tây của thành phố hôm thứ Sáu và kéo dài thời gian phong tỏa ở phía đông lên 9 ngày.

Những quy định hạn chế này gây ra tình trạng chậm trễ nghiêm trọng ở cảng Thượng Hải - phía đông thành phố, trong khi vốn đã chứng kiến cảnh tắc nghẽn. Đây là cảng container bận rộn nhất thế giới, xử lý khối lượng hàng lớn gấp 4 lần cảng Los Angeles vào năm 2021, theo dữ liệu từ ban quản lý cảng ở 2 thành phố.

VesselsValue - nhà cung cấp dữ liệu vận chuyển toàn cầu, cho biết, số lượng tàu chờ xếp hàng hoặc dỡ hàng tại cảng Thượng Hải đã tăng vọt lên hơn 300 trong tuần qua, tăng gần 5 lần trong 2,5 tuần qua. Công ty này thông báo: "Tình trạng tắc nghẽn tại Thượng Hải thường căng thẳng hơn vào thời điểm này trong năm. Tuy nhiên, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian gần đây so với năm ngoái và mức bình thường của mùa."

Maersk - một trong những hãng vận tải container lớn nhất thế giới, cũng cho biết việc Thượng Hải phong tỏa thành phố có thể gây ra tình trạng chậm trễ trong vận chuyển và đẩy chi phí lên cao hơn. Công ty này cho hay: "30% dịch vụ vận tải hàng hóa đến và rời khỏi Thượng Hải sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do khu Phố Đông và Phố Tây bị phong toả. Do đó, thời gian giao hàng sẽ bị kéo dài và cước vận chuyển có thể tăng cao."

Trong khi đó, chính quyền thành phố lại cho biết hoạt động vận chuyển hàng hóa vẫn diễn ra bình thường trong thời gian phong toả. Tập đoàn Cảng Quốc tế Thượng Hải - đơn vị điều hành cảng, cho biết hồi tháng trước rằng họ sẽ triển khai một "hệ thống khép kín" yêu cầu nhân viên ở trong các khu vực cụ thể và tuân thủ một số quy định để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Dẫu vậy, do quy định hạn chế di chuyển, thời gian chờ đợi tại các trạm kiểm soát bị kéo dài, cùng với đó là yêu cầu xét nghiệm Covid-19 và khả năng phải cách ly khi về cảng. Do đó, nhiều tài xế đang gặp khó khăn trong việc đưa các container hàng hóa ra vào cảng đúng giờ.

Tình trạng tắc nghẽn, chậm trễ ở Thượng Hải là một tin xấu với người tiêu dùng và các doanh nghiệp trên khắp thế giới. Bansi Madhavani - nhà kinh tế cấp cao của ANZ Research, viết trong báo cáo hôm thứ Sáu: "Việc toàn thành phố Thượng Hải phong tỏa là một bước lùi với chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã gặp căng thẳng do vấn đề địa chính trị."

Chuỗi cung ứng toàn cầu đã gặp nhiều khó khăn trong những tháng qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và mâu thuẫn Nga - Ukraine. Theo Madhavani, dù cảng Thượng Hải vẫn mở cửa, nhưng những hoạt động như ở kho bãi và thực hiện các kế hoạch về nhân sự sẽ bị ảnh hưởng. Hơn nữa, hoạt động vận chuyển xuyên quốc gia cũng có thể bị cản trở.

Nomura cũng cho rằng "tình trạng chậm trễ trong vận chuyển, bến cảng và thiếu khả năng vận hành dịch vụ logistics" sẽ tiếp tục diễn ra khi Thượng Hải vẫn phong toả. Các nhà phân tích của ngân hàng cảnh báo: "Các thị trường cho đến nay vẫn đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của tình hình tại Trung Quốc. Trong vài tháng tới, chúng tôi dự đoán nhà đầu tư toàn cầu sẽ đưa ra phản ứng hiệu quả hơn với cú sốc này trong việc định giá các loại tài sản khác nhau."

Tham khảo CNN

Cùng chuyên mục

Đọc thêm