Hôm qua, dư luận trong nước đã vô cùng bàng hoàng và xót xa trước sự việc một nam sinh trường chuyên ở Hà Nội rơi từ tầng cao chung cư xuống đất tử vong. Trước hành động tự kết liễu cuộc đời, nam sinh này đã để lại một bức thư gửi bố mẹ trên trang vở Địa lý còn dang dở.
Trên thực tế, việc học sinh, sinh viên có hành động tiêu cực do áp lực học tập từ trường lớp và gia đình không phải chuyện hiếm gặp. Trước sự việc đau lòng của nam sinh trường chuyên ở Hà Nội, trên thế giới đã có không ít vụ học sinh tự tử vì áp lực học tập gây chấn động và khiến các bậc phụ huynh lo lắng.
Tháng 12/2020, một cô bé tiểu học ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã tự tử bằng cách nhảy từ tầng cao của một tòa nhà. Trước khi làm như vậy, cô bé để lại một tờ giấy với lời nhắn nhủ mà bất cứ ai đọc có lẽ cũng đều thấy xót xa: "Khi mọi người đọc được những lời này, có thể con đã chết rồi. Con quá mệt mỏi với chuyện học hành. Từ lúc con còn nhỏ, bố mẹ luôn kỳ vọng con trở thành người lớn, lấy đi những gì con mong ước. Thế nhưng bù lại, con nhận về sự thất vọng của giáo viên, những lời trêu chọc của bạn cùng lớp. Con rất tuyệt vọng và chỉ muốn ngủ thêm một giấc nữa thôi".
Theo truyền thông Trung Quốc, áp lực ở trường cùng kỳ vọng quá mức từ cha mẹ, giáo viên đã khiến cô bé trầm cảm, tuyệt vọng và tìm đến cái chết để giải thoát.
Tháng 5/2020, một bé gái 9 tuổi ở Thiểm Tây (Trung Quốc), cũng nhảy lầu tự sát vì áp lực bài vở. Cụ thể, cô giáo yêu cầu em hoàn thành bài tập trước 5 giờ chiều nhưng do không tìm ra cách giải nên em đã nhắn tin nhờ mẹ.
Tuy nhiên, thay vì giúp con, người mẹ chỉ giục em nhanh chóng làm xong bài để nộp. Áp lực cộng thêm lời nói có phần vô tâm của mẹ, cô bé đã quyết định để lại lá thư tuyệt mệnh với nội dung: "Mẹ ơi, con xin lỗi, đây là quyết định của con" rồi tự kết liễu cuộc đời.
Có thể nói, trong nhiều năm qua, gánh nặng học tập của học sinh Trung Quốc đã không ngừng tăng lên. Một thống kê năm 2020 của tờ Economist cho thấy tỷ lệ tự tử của thanh thiếu niên Trung Quốc đứng đầu thế giới với 100.000 người mỗi năm.
Trung bình, cứ 1 phút lại có 2 người tìm đến cái chết và 8 người khác có ý định tương tự. Bên cạnh đó, kết quả thống kê còn chỉ ra rằng trong vài năm gần đây, ý định tự tử của học sinh trung học tại đất nước tỷ dân tăng mạnh so với năm 2002.
Theo Economist, nguyên nhân phần lớn đều liên quan đến áp lực học hành thi cử, kỳ vọng của gia đình và cả những xung đột ở trường. Một cuộc điều tra khác đã phân chia nguyên nhân chính dẫn đến tự tử ở học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở Trung Quốc như sau: Xung đột gia đình (33%), áp lực học hành, thi cử (26%), xung đột giữa giáo viên với học sinh (16%), các vấn đề tâm lý (10%), mâu thuẫn tình cảm (5%), bắt nạt học đường (4%) và các vấn đề khác (6%).
Để khắc phục tình trạng đáng báo động này, cuối năm 2021, Trung Quốc đã thông qua luật giảm "áp lực kép" bài tập về nhà và học thêm ngoài giờ cho học sinh các cấp. "Cha mẹ phải phân bổ một cách hợp lý thời gian học tập, nghỉ ngơi, giải trí và hoạt động thể chất cho trẻ để không làm tăng gánh nặng học tập và tránh nghiện Internet", tờ Xinhua trích dẫn điều luật mới.
Nguồn: SCMP, Economist