Bão và áp thấp nhiệt đới khả năng vẫn xuất hiện trên Biển Đông trong tháng 9. Ảnh minh họa
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 29/8, trên khu vực phía Đông Bắc của đảo Lu-Dông (Philippines) xuất hiện cơn bão có tên quốc tế là Sao La; đến chiều ngày 30/8, bão đi vào vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông và trở thành cơn bão số 3 năm 2023.
Trong những ngày đầu tháng 9, bão số 3 Sao La vẫn hoạt động trên Biển Đông, tuy nhiên, cơ quan khí tượng nhận định cơn bão này ít có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Thế nhưng, do tương tác với cơn bão Haikui đang hoạt động ngoài khơi Thái Bình Dương nên bão số 3 sẽ diễn biến khó lường hơn, cần theo dõi trong các bản tin tiếp theo.
Cơ quan khí tượng Việt Nam dự báo, trong tháng 9/2023, Biển Đông vẫn có khả năng xuất hiện từ 2-3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới (bao gồm cả cơn bão số 3 Sao La). Những cơn bão thời kỳ này có thể ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
Cũng trong tháng 9/2023, nắng nóng vẫn còn xảy ra tại khu vực Trung Bộ nhưng cường độ giảm dần so với tháng 8/2023 và không kéo dài.
Nhiệt độ trung bình tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn so với TBNN khoảng 0,5 độ C so với TBNN cùng thời kỳ.
Tổng lượng mưa trong tháng 9/2023 trên khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa-Nghệ An phổ biến thấp hơn từ 10-30%; khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ phổ biến cao hơn từ 15-30%; khu vực Miền Tây Nam Bộ cao hơn từ 10-20% so với TBNN cùng thời kỳ.
Trong tháng 9, vẫn cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như: dông lốc, sét, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.
Bên cạnh đó, dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh sẽ gây gió mạnh và sóng lớn trên các vùng biển phía Nam, có thể ảnh hưởng đến các hoạt động hàng hải và đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân.