Doanh nhân

Cổ phiếu biến động, hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đứng vị trí thứ 6 thế giới

Trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9, cổ phiếu VFS của hãng xe điện Vinfast tiếp tục biến động mạnh. VFS mở cửa phiên giao dịch với mức giá 32,52 USD/cổ phiếu, tuy nhiên áp lực bán sau đó của các nhà đầu tư đã đẩy mã cổ phiếu này có thời điểm giảm còn 26,26 USD/cổ phiếu trước khi phục hồi để đóng cửa ở mức giá 29,50 USD/cổ phiếu, tương đương mức giảm 15,01% so với giá kết phiên giao dịch liền trước. Đây cũng là phiên giảm thứ 4 liên tiếp của cổ phiếu Vinfast sau chuỗi 6 phiên tăng mạnh trước đó.

Kết thúc tuần giao dịch thứ ba trên sàn Nasdaq, cổ phiếu VFS đã giảm hơn 64%. Thậm chí, so với mức đỉnh giá 93 USD/cổ phiếu được xác lập trong ngày 28/8 thì thị giá hiện tại của cổ phiếu VinFast Auto đã giảm gần 70%. Biến động mạnh của cổ phiếu Vinfast thời gian qua được giới phân tích cho rằng do tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi của VFS là thấp tỷ phú Phạm Nhật Vượng và công ty liên quan đang nắm giữ tới hơn 99% cổ phần và chỉ có khoảng 7,2 triệu cổ phiếu sẵn sàng giao dịch. Thông thường, các cổ phiếu có tỷ lệ free float nhỏ sẽ có chênh lệch giá mua - bán rộng, dễ xảy ra các biến động.

Cổ phiếu biến động, hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đứng vị trí thứ 6 thế giới - 1

Giá trị vốn hóa hãng xe điện Vinfast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn đứng vị trí thứ 6 trong danh sách những hãng xe lớn nhất thế giới

Trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9 đã có gần 7,4 triệu cổ phiếu VFS được các nhà đầu tư sang tay. Cổ phiếu VFS của Vinfast giảm điểm trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục có diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày 1/9. Theo đó, trong phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones Industrial Average (DJI) ghi nhận mức tăng 0,33% để đóng cửa ở mức giá 34.837,71 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,18% để đóng cửa ở mức 4.515,77 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite ghi nhận mức giảm nhẹ 0,02% để đóng cửa ở mức 14.031,81 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/9, giá trị vốn hóa của Vinfast giảm còn 68,49 tỷ USD. Với giá trị vốn hóa này, hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tụt 1 bậc xuống đứng vị trí thứ 6 trong danh sách những hãng xe ô tô có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới sau Tesla với giá trị vốn hóa 777,65 tỷ USD, trong phiên giao dịch ngày 1/9, thị giá của Tesla ghi nhận mức giảm 5,06%. Giá trị vốn hóa của Toyota đạt 233,47 tỷ USD, đứng thứ 3 là Porsche với giá trị vốn hóa đạt 97 tỷ USD, hãng xe BYD của Trung Quốc đứng vị trí thứ 4 với giá trị vốn hóa 96,20 tỷ USD và hãng xe Đức, Mercedes-Benz đứng vị trí thứ 5 với giá trị vốn hóa đạt 76,42 tỷ USD.

Ở phân khúc xe điện, giá trị vốn hóa của Vinfast vẫn đứng vị trí thứ 2 sau Tesla và vẫn còn khoảng cách lớn với các hãng xe phía sau là Li Auto với giá trị vốn hóa 42,16 tỷ USD, Rivian với giá trị vốn hóa 22,1 tỷ USD và NIO giá trị vốn hóa 20,33 tỷ USD,...

Một số chuyên gia cảnh báo, việc cổ phiếu VFS tăng giá mạnh trong thời gian vừa qua không hoàn toàn đến từ kỳ vọng hay kết quả kinh doanh của VinFast Auto mà đến từ tâm lý “mua đuổi” của các nhà đầu tư nhỏ lẻ - những người vốn ưa thích cổ phiếu các hãng xe điện như trường hợp đã từng xảy ra với cổ phiếu của hãng xe điện Tesla. Đồng thời, giới đầu cơ, đặc biệt là phe bán khống (short seller) cũng xuất hiện trong sự biến động của cổ phiếu VFS.

Dù thị giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán liên tục biến động, tuy nhiên hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang có những kế hoạch kinh doanh rõ ràng về việc sản xuất và phân phối xe điện trên toàn cầu, bao gồm việc vừa tiến hành khởi công xây dựng nhà máy sản xuất tại tiểu bang North Carolina (Mỹ) với vốn đầu tư lên tới 2 tỷ USD cho giai đoạn 1 và xây dựng nhà máy sản xuất pin trị giá 275 triệu USD tại Việt Nam. Dự kiến nhà máy này sẽ đi vào vận hành trong năm 2025.

Cùng với đó, VinFast được đánh giá cao khi nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vingroup - tập đoàn đa ngành hàng đầu ở Việt Nam. Tập đoàn Vingroup cũng đã cam kết cung cấp một nguồn tài chính lớn để VinFast phát triển trong thời gian tới.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm