
Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam quý II/2025, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) bất ngờ điều chỉnh giảm mạnh dự báo vùng điểm hợp lý của VN-Index vào cuối năm 2025 sẽ là 1.100 điểm. Đây là mức cắt giảm đáng kể so với dự báo đầu năm. Trước đó, KBSV dự báo VN-Index sẽ đạt mức 1.460 điểm trong năm 2025, tương ứng mức tăng trưởng EPS toàn thị trường 16,7%, và mức định giá P/E của VN-Index đi ngang so với thời điểm cuối 2024 ở mức 14,6 lần (thấp hơn mức bình quân 10 năm gần nhất là 16,6 lần).
Mức điểm 1.100 điểm của VN-Index như dự báo mới tương ứng mức tăng trưởng EPS toàn thị trường 5%, và mức định giá P/E của VN-Index giảm xuống 11,9, so với thời điểm cuối 2024 ở mức 14,6 lần.

Yếu tố chính khiến KBSV thận trọng và điều chỉnh giảm vùng định giá P/E của thị trường đến từ quan ngại chính sách thuế quan của ông Trump sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến triển vọng vĩ mô, môi trường đầu tư, mặt bằng lãi suất, xu hướng dòng vốn ngoại, cũng như tâm lý nhà đầu tư trong nước.

Mặc dù vậy, KBSV cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn những yếu tố nội tại tích cực giúp thị trường có cơ hội xuất hiện các nhịp hồi phục đan xen. Trong đó có thể kể đến như việc đưa vào hệ thống giao dịch KRX vào đầu tháng 5 và nâng hạng thị trường vào tháng 9, đầu tư công được đẩy mạnh khi đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, chính sách kích cầu tiêu dùng, mặt bằng lãi suất dù tăng trở lại nhưng vẫn ở mức thấp, trong khi các doanh nghiệp niêm yết vẫn ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ.
Với tình hình thế giới nhiều biến động, KBSV giữ quan điểm thận trọng hơn với tăng trưởng EPS toàn thị trường về mức 5% (điều chỉnh giảm so với trước đó do lo ngại rủi ro thuế quan). Mỹ đã áp mức thuế 46% đối với Việt Nam đem tới rủi ro đối với hoạt động xuất khẩu. Kinh tế Việt Nam vốn ảnh hưởng nhiều bởi xuất khẩu nên việc áp thuế quan sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng, đặc biệt là những ngành nghề như dệt may, thuỷ sản. Tuy nhiên, những chính sách và biện pháp kích thích của chính phủ vẫn sẽ là yếu tố tích cực giúp cải thiện tình hình kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và hướng tới mục tiêu cải thiện tăng trưởng GDP.
Chính sách thuế đối ứng với mức thuế 46% áp dụng cho Việt Nam có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng GDP 8% do sự suy giảm trong hoạt động xuất khẩu, khu vực đầu tư và tiêu dùng bị ảnh hưởng gián tiếp. Dù vậy, Chính phủ vẫn sẽ có những biện pháp nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng thông qua giải ngân đầu tư công và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu của Việt Nam. KBSV điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 xuống 5-6% (so với dự phóng 7% trước đó) sau khi đã cân nhắc ảnh hưởng từ chính sách thuế đối ứng.
KBSV cho rằng, đỉnh điểm của cuộc chiến thương mại có thể sẽ diễn ra trong Tháng 4/2025, sau khi Mỹ công bố chính sách Thuế quan và các Quốc gia khác đưa ra các biện pháp đáp trả/thương lượng. KBSV đánh giá những rủi ro của những chính sách Thuế quan có thể tác động đến nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Tuy nhiên, các tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán có thể được cân bằng trở lại vào cuối quý II/2025, do thị trường đã chiết khấu một phần để phản ánh những tác động tiêu cực, bên cạnh đó những rủi ro bất định có thể giảm xuống do các định hướng chính sách dần rõ ràng hơn.
Theo KBSV, áp lực tỷ giá gia tăng do nguồn cung ngoại tệ suy giảm mặc dù diễn biến của chỉ số DXY nhiều khả năng sẽ ít gây áp lực hơn so với 2024. Việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là một yếu tố "chưa được lường trước", vì vậy KBSV cho rằng NHNN có thể sẽ phải gia tăng mức độ chấp nhận về ngưỡng giảm giá của VNĐ lên mức 5% để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Lãi suất có thể tăng trở lại 1-1,5% khi tỷ giá quá căng thẳng nhưng vẫn ở vùng tương đối thấp so với đáy Covid-19.
Tuấn Hào