Xã hội

SẮP XẾP TỔ CHỨC QUÂN ĐỘI: Đề xuất chính sách phục viên đối với quân nhân

Tóm tắt:
  • Dự thảo Thông tư đề xuất chính sách phục viên cho quân nhân bị ảnh hưởng khi sắp xếp tổ chức bộ máy trong Quân đội.
  • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp có đủ điều kiện sẽ được hưởng trợ cấp phục viên và tìm việc làm.
  • Trợ cấp phục viên cho số tháng công tác được tính theo lương hiện hưởng, giảm từ 0,8 xuống 0,4 theo thời gian.
  • Dự thảo có 18 điều, tăng 6 điều, mở rộng đối tượng áp dụng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ.
  • Bộ Quốc phòng đang lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo trước khi ban hành chính thức.

Điều 10 Dự thảo Thông tư về chính sách, chế độ khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong Quân đội đề xuất cách tính hưởng chính sách phục viên đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp công tác tại các cơ quan, đơn vị chịu sự tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong Quân đội.

Điều kiện hưởng và cách tính trợ cấp phục viên

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này có tuổi đời từ đủ 2 năm trở lên so với hạn tuổi phục vụ cao nhất theo hướng dẫn tại điểm a khoản 5 Điều 5 Thông tư này, chưa đủ điều kiện nghỉ hưu và không đủ điều kiện hưởng chế độ nghỉ hưu trước tuổi quy định tại Điều 7 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP, khi được cấp có thẩm quyền quyết định phục viên thì được hưởng chính sách, chế độ quy định tại Điều 9 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP; trong đó, chế độ trợ cấp phục viên một lần cho số tháng công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, chế độ trợ cấp một lần cho số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và trợ cấp tìm việc làm được hướng dẫn thực hiện, như sau:

a) Trợ cấp phục viên một lần cho số tháng công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

- Phục viên trong thời hạn 12 tháng đầu tiên kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực:

Mức trợ cấp phục viên cho số tháng công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

=

Tiền lương tháng hiện hưởng hướng dẫn tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này

x 0,8 x

Số tháng để tính hưởng trợ cấp phục viên hướng dẫn tại khoản 3 Điều 5 Thông tư này

- Phục viên từ tháng thứ 13 trở đi kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực:

Mức trợ cấp phục viên cho số tháng công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

=

Tiền lương tháng hiện hưởng hướng dẫn tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này

x 0,4 x

Số tháng để tính hưởng trợ cấp phục viên hướng dẫn tại khoản 3 Điều 5 Thông tư này

b) Trợ cấp một lần cho số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Mức trợ cấp cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

=

Tiền lương tháng hiện hưởng hướng dẫn tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này

x 1,5 x

Số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hướng dẫn tại khoản 4 Điều 5 Thông tư này

c) Trợ cấp tìm việc làm

Tiền trợ cấp tìm việc làm

=

3 tháng x Tiền lương tháng hiện hướng dẫn tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này

Ví dụ 01: Đồng chí Lê Trung Dũng, sinh tháng 9-1994, nhập ngũ tháng 9-2014, cấp bậc Thượng úy, chức vụ Trung đội trưởng. Tháng 6-2025, đơn vị đồng chí Dũng sáp nhập với đơn vị khác.

Theo quy định hiện hành, đồng chí Dũng chưa đủ điều kiện nghỉ hưu và không đủ điều kiện hưởng chế độ nghỉ hưu trước hạn tuổi theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và hướng dẫn Điều 5 Thông tư này.

Tháng 11-2025, đồng chí Dũng được cấp có thẩm quyền quyết định phục viên (tính đến thời điểm phục viên tháng 11-2025 đồng chí Dũng có 11 năm 03 tháng công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc) và thuộc trường hợp phục viên trong thời hạn 12 tháng đầu tiên kể từ ngày quyết định sáp nhập của cấp có thẩm quyền có hiệu lực.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và hướng dẫn tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này thì thời gian hưởng trợ cấp phục viên cho số tháng công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của đồng chí Dũng là 60 tháng.

Giả sử tiền lương hiện hưởng trước thời điểm phục viên (tháng 10-2025) của đồng chí Dũng là 15.000.000 đồng; ngoài được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, đồng chí Dũng được hưởng các chế độ sau:

- Trợ cấp phục viên một lần cho số tháng công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là: 15.000.000 đồng x 0,8 tháng x 60 tháng = 720.000.000 đồng.

- Trợ cấp một lần cho số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là: 15.000.000 đồng x 1,5 tháng x 11,5 năm = 258.750.000 đồng.

- Trợ cấp tìm việc làm là: 3 tháng x 15.000.000 đồng = 45.000.000 đồng.

- Tổng số tiền trợ cấp phục viên đồng chí Dũng nhận là: 1.023.750.000 đồng.

Ví dụ 2: Cùng là đồng chí Lê Trung Dũng như nêu tại ví dụ 1. Tháng 11-2026, đồng chí Dũng được cấp có thẩm quyền quyết định phục viên (tính đến thời điểm phục viên tháng 11-2026 đồng chí Dũng có 12 năm 03 tháng công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc) và thuộc trường hợp phục viên từ tháng thứ 13 trở đi kể từ ngày quyết định sáp nhập của cấp có thẩm quyền có hiệu lực; thời gian hưởng trợ cấp phục viên cho số tháng công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của đồng chí Dũng là 60 tháng; ngoài được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, đồng chí Dũng được hưởng các chế độ sau:

- Trợ cấp phục viên một lần cho số tháng công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là: 15.000.000 đồng x 0,4 x 60 tháng = 360.000.000 đồng.

- Trợ cấp một lần cho số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là: 15.000.000 đồng x 1,5 tháng x 12,5 năm = 281.250.000 đồng.

- Trợ cấp tìm việc làm là: 3 tháng x 15.000.000 đồng = 45.000.000 đồng.

- Tổng số tiền trợ cấp phục viên đồng chí Dũng nhận là: 686.250.000 đồng.

Một số lưu ý:

Khoản 2 Điều 10 Dự thảo Thông tư nêu: Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này đã được hưởng trợ cấp phục viên theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP thì không hưởng chế độ trợ cấp phục viên quy định tại Nghị định số 21/2009/NĐ-CP ngày 23-2-2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam về chế độ, chính sách đối với sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ; sĩ quan tại ngũ hy sinh, từ trần; sĩ quan tại ngũ chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp hoặc công chức quốc phòng, được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 52/2025/NĐ-CP ngày 1-3-2025 của Chính phủ; Nghị định số 151/2016/NĐ-CP ngày 11-11- 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều về chế độ, chính sách của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.

Như đã đưa, Bộ Quốc phòng đang tổ chức lấy ý kiến dự thảo lần 2 Thông tư về chính sách, chế độ khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong Quân đội để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện văn bản.

Dự thảo Thông tư này có 18 điều, tăng 6 điều so với dự thảo thông tư trước đây; mở rộng thêm đối tượng áp dụng nhằm hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ; cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm hoặc đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm; cán bộ đang tham gia cấp ủy ở các đảng bộ phải kết thúc hoạt động theo quy định tại Điều 7, 8, 9, 10, 11 và 14 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP, các khoản 5, 6, 7, 8, 9, 10 và 11 Điều 1 Nghị định số 67/2025/NĐ-CP; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.

Các tin khác

Miền Bắc tăng nhiệt mạnh

Hôm nay (2/4), miền Bắc chỉ còn rét về đêm và sáng, trưa chiều hửng nắng, ấm áp, nhiệt độ cao nhất khoảng 24-27 độ. Trong hai ngày 3-4/4, nền nhiệt tiếp tục tăng ở miền Bắc. Các khu vực khác hôm nay ít mưa, riêng Nam Bộ có mưa dông trái mùa.

Dự án khu công nghiệp lớn nhất Cần Thơ hiện ra sao?

Dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ đang bị chậm tiến độ do gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt việc thiếu cát san lấp, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thi công khu tái định cư và hai tuyến đường kết nối.

Chứng khoán lao dốc

Áp lực bán ngày càng mạnh khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, nối dài mạch giảm phiên thứ tư liên tiếp và tiệm cận vùng tâm lý 1.300 điểm.

Dự báo vàng tăng lên 200 triệu đồng/lượng, điều gì xảy ra?

Giá vàng trong nước sáng nay (31/3) tăng lên trên mốc 101,5 triệu đồng/lượng, phá vỡ kỷ lục lập trước đó. Chuyên gia cho rằng, về dài hạn, nhiều dự báo vàng có thể lên đến 3.500 USD/ounce, thậm chí 4.000 USD/ounce. Với mức duy trì trong nước và thế giới chênh nhau từ 4-5 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước có thể lên tới 150-200 triệu đồng/lượng.

Đau đầu vì nút thắt tín dụng

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, việc gỡ nút thắt về vốn thông qua xây dựng chính sách và cơ chế bảo lãnh tín dụng cởi mở, thông thoáng hơn, thủ tục vay vốn đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện hơn, các kênh tiếp cận tài chính đa dạng hơn sẽ là giải pháp đặc biệt quan trọng với doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa để có thể hình thành các tập đoàn tư nhân lớn mạnh.

Cần giải pháp đột phá về thể chế

TP - Chia sẻ với PV Tiền Phong, PGS. TS Nguyễn Thường Lạng (ảnh), giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Kinh doanh, ĐH Kinh tế Quốc dân), cho rằng, kinh tế tư nhân so với năm đầu đổi mới đã tháo gỡ được rất nhiều khó khăn, rào cản. Tuy nhiên, hiện còn tồn tại một số rào cản khiến kinh tế tư nhân chưa phát triển được như mong muốn.