Sau sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh Quảng Ngãi dự kiến còn lại 56 đơn vị, gồm 6 phường, 49 xã và 1 đặc khu. So với trước khi sắp xếp, toàn tỉnh giảm 115 đơn vị, tương đương 67,65%.
Nhiều xã mới sau sắp xếp ở Quảng Ngãi đã giữ lại tên huyện hoặc lấy tên miền đất lịch sử, tên anh hùng liệt sĩ… vừa ý nghĩa vừa gây ấn tượng.
Những tên phường, xã gây ấn tượng
Đầu tiên phải kể đến là P.Cẩm Thành, được sắp xếp từ 4 phường hiện tại của TP.Quảng Ngãi, gồm: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Nghiêm, Chánh Lộ và Nghĩa Chánh. Dự kiến nơi đặt trụ sở làm việc P.Cẩm Thành ở P.Nguyễn Nghiêm hiện nay.

Cẩm Thành xưa
ẢNH: TƯ LIỆU CỦA TS NGUYỄN ĐĂNG VŨ
Cẩm Thành là cái tên thiêng liêng trong tâm thức người Quảng Ngãi, nhất là người xa quê. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Lê Hồng Khánh (TP.Quảng Ngãi), có thể tên "Cẩm Thành" xuất phát từ thành cổ Quảng Ngãi. Đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được ai đặt tên cho thành cổ Quảng Ngãi là Cẩm Thành.
Có ý kiến cho rằng, Nguyễn Cư Trinh (1716 - 1767) là người đưa tên Cẩm Thành ở Quảng Ngãi vào văn thơ. Trong thời gian giữ chức Tuần vũ Quảng Ngãi (khoảng năm 1750 - 1752), ông sáng tác Quảng Ngãi thập nhị cảnh (làm thơ về 12 cảnh đẹp của Quảng Ngãi), có đưa chữ Cẩm Thành vào thơ.
Năm 1815, phủ lỵ và thành Quảng Ngãi xây xong ở phía nam sông Trà Khúc, có tên gọi Cẩm Thành. Sau khi thành cổ (Cẩm Thành) không còn nữa nhưng người Quảng Ngãi luôn nhớ về nơi này như một phần ký ức quê hương, gắn liền với niềm tự hào về vùng đất địa linh nhân kiệt.
Chiều 20.4, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Ngô Văn Trọng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi, cho hay tên xã, phường ở TP.Quảng Ngãi sau sắp xếp được bà con cử tri đồng tình hơn 99%.
"Họ khen tên xã, phường có ý nghĩa, nhất là ấn tượng tên P.Cẩm Thành. Cái tên gọi không chỉ người ở TP.Quảng Ngãi mà cả tỉnh này, đi đâu ai cũng nhớ về", ông Trọng nói.
Sau sắp xếp, TP.Quảng Ngãi còn 3 phường, 2 xã, gồm: xã Tịnh Khê, xã An Phú, P.Cẩm Thành, P.Trương Quang Trọng và P.Nghĩa Lộ.

Đường Cẩm Thành ở TP.Quảng Ngãi, sau sắp xếp sẽ thuộc P.Cẩm Thành
ẢNH: PHẠM ANH
Còn ở H.Bình Sơn, xã Vạn Tường mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập từ 6 xã của H.Bình Sơn hiện nay, gồm: Bình Thuận, Bình Đông, Bình Trị, Bình Hải, Bình Hòa và Bình Phước, dự kiến trụ sở làm việc tại UBND xã Bình Trị.
Vạn Tường là địa danh nổi tiếng. Sự kiện gần nhất là trận Vạn Tường lịch sử của quân và dân Quảng Ngãi chiến đấu và giành thắng lợi có tính quy mô lớn đầu tiên với quân viễn chinh Mỹ ngày 18.8.1965. Vạn Tường còn là nơi vua Lê Thánh Tông luyện binh vào mùa xuân năm 1471 trong hành trình nam chinh.

Chợ Tổng Binh ở vùng đất Vạn Tường (xã Bình Hải, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi), sau sắp xếp thuộc xã Vạn Tường
ẢNH: HẢI PHONG
Cũng ở H.Bình Sơn có xã Bình Sơn sáp nhập từ các xã: Bình Thạnh, Bình Chánh, Bình Dương, Bình Nguyên, Bình Trung, Bình Long và TT.Châu Ổ của H.Bình Sơn hiện nay. Tên gọi Bình Sơn đã có từ năm Hồng Đức thứ 2 (1471).
Lãnh đạo UBND H.Bình Sơn cho biết, bà con nhân dân đồng tình với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và tên gọi của xã mới sau khi sắp xếp là từ 93,37 - 99%. Vì vậy, tên gọi mới mà huyện đưa ra là không phải điều chỉnh.

Tượng bác sĩ Đặng Thùy Trâm ở Bệnh xá Đặng Thùy Trâm (xã Phổ Cường, TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi)
ẢNH: PHẠM ANH
Đặc biệt, xã mới Đặng Thùy Trâm (ở H.Ba Tơ) là nơi nữ bác sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Thùy Trâm đã cống hiến thanh xuân và hy sinh vì đất nước. Xã Đặng Thùy Trâm được sáp nhập từ 2 xã Ba Trang và Ba Khâm, có diện tích hơn 199,4 km2, dân số gần 4.500 người, dự kiến trụ sở làm việc tại UBND xã Ba Trang hiện nay.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Giang Nam, Chủ tịch UBND H.Ba Tơ, cho biết huyện sắp xếp còn 8 xã: Ba Vì, Ba Dinh, Ba Tô, Ba Tơ, Ba Vinh, Ba Động, Ba Xa và Đặng Thùy Trâm. Đến chiều 20.4, qua lấy ý kiến thăm dò cử tri của cả huyện, tên gọi của 8 xã mới sau sắp xếp được người dân đồng tình ủng hộ.
Xã duy nhất không sắp xếp
Tại Quảng Ngãi có 1 xã không thực hiện sắp xếp là xã Ba Xa (H.Ba Tơ). Xã này thuộc vùng sâu, vùng xa, ở phía tây H.Ba Tơ, giáp với H.Kon Plông (Kon Tum) và H.KBang (Gia Lai).
Xã Ba Xa có diện tích tự nhiên 102,787 km2, dân số 5.452 người và đủ tiêu chuẩn là đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Ba Xa
ẢNH: PHẠM ANH
Tại TX.Đức Phổ, ông Đỗ Tâm Hiển, Bí thư Thị ủy Đức Phổ, cho biết tất cả cử tri đều đồng tình về việc sắp xếp hành chính cấp xã. Còn tên gọi các xã, phường mới sau sắp xếp, thị xã đưa ra nhiều phương án cho bà con lựa chọn, trong đó có địa danh về lịch sử, văn hóa, tên các bậc lão thành cách mạng...
Đến chiều 20.4, người dân đã đồng tình với các tên gọi như dự kiến. Như vậy, sau sắp xếp, TX.Đức Phổ có 3 phường: Trà Câu, Đức Phổ, Sa Huỳnh và 2 xã: Nguyễn Nghiêm, Khánh Cường.
H.Sơn Hà sau sắp xếp còn 5 xã: Sơn Hạ, Sơn Linh, Sơn Hà, Sơn Thủy và Sơn Kỳ. Đại diện lãnh đạo UBND H.Sơn Hà cho biết, gần 99,5% cử tri của huyện đồng ý tên gọi mới và đơn vị hành chính sau sắp xếp.
Ngoài các địa phương nêu trên, nhiều huyện khác của tỉnh Quảng Ngãi đang lấy ý kiến cử tri về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và đặt tên xã mới theo tên gọi huyện cũ kèm theo số thứ tự. Theo đó, H.Sơn Tịnh còn 4 xã, H.Mộ Đức 4 xã, H.Nghĩa Hành 4 xã, H.Trà Bồng 6 xã, H.Minh Long 2 xã, H.Sơn Tây 3 xã và 1 xã là đặc khu Lý Sơn.
Trong ngày 20.4, toàn tỉnh Quảng Ngãi lấy ý kiến người dân về tình hình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, sau khi lấy ý kiến người dân, UBND cấp xã báo cáo UBND cấp huyện trước 11 giờ ngày 21.4; UBND cấp huyện báo cáo UBND tỉnh Quảng Ngãi (thông qua Sở Nội vụ Quảng Ngãi) trước 17 giờ ngày 21.4.
Sau đó, Sở Nội vụ Quảng Ngãi tổng hợp, hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trình UBND tỉnh Quảng Ngãi để thông qua chủ trương sắp xếp trong ngày 22.4.
Dự kiến, các đơn vị hành chính cấp xã mới của Quảng Ngãi sẽ chính thức đi vào hoạt động từ đầu tháng 7.2025.