Lưu ý để an toàn tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội) cho biết, tiêm vắc xin cho trẻ từ 5-11 tuổi sẽ hoàn thành trong quý II/2022. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tìm kiếm nguồn vắc xin và đã tiếp nhận được lô vắc xin cho trẻ em về Việt Nam.
"Hiện nay, số lượng vắc xin đã về đang được kiểm nghiệm, trong tuần tới sẽ triển khai vắc xin cho nhóm trẻ từ 5-11 tuổi trên quy mô toàn quốc. Trước mắt vắc xin sẽ triển khai cho trẻ học lớp 6 sau đó mới giảm độ tuổi để theo dõi an toàn", bà Hồng thông tin.
Hai loại vắc xin được tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là: Pfizer và Moderna. Với 2 vắc xin này, khi triển khai ở một số nước đã gặp một số phản ứng tiêm chủng thường gặp như: đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt (tần suất cao với liều thứ 2), sưng tại vị trí tiêm.
Các phản ứng thường gặp nhất ở nhóm tuổi tứ 5-11 tuổi là sưng tại vị trí tiêm trên 80%, kiệt sức trên 50%, đau đầu trên 30%, tấy đỏ tại vị trí tiêm trên 20%, đau cơ và ớn lạnh trên 10%.
Một số phản ứng thường gặp: Buồn nôn, tấy đổ tại vị trí tiêm. Phản ứng ít gặp: nổi hạch, phản ứng quá mẫn (phát ban, ngứa, mề đay, phù, mạch), giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi đêm, đau chi, suy nhược, khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm.
Phản ứng nặng: Rất hiếm gặp tỷ lệ 1/10.000 viêm cơ tim, viêm màng tim. Tuy nhiên, luôn phải có tinh thần cảnh giác để tránh xảy ra sự đáng tiếc khi xảy ra phản ứng.
PGS.TS Dương Thị Hồng, ảnh Ngọc Minh.
Bà Hồng cũng lưu ý thêm để an toàn tiêm cho trẻ cần phải lưu ý:
- Trước khi tiêm chủng cần theo dõi ăn ngủ bình thường hay không, trẻ có vấn đề về viêm đường hô hấp (ho, chảy nước mũi…). Lưu ý các phụ huynh chỉ tiêm khi trẻ thực sự khoẻ mạnh.
- Đối với trẻ có đang có vần đề viêm đường hô hấp hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 không đưa trẻ tới điểm tiêm chủng.
- Tại điểm tiêm phụ huynh cần chia sẻ với bác sĩ về tình trạng dị ứng, bệnh mãn tính của trẻ để bác sĩ hướng dẫn trường hợp đó nên tiêm tại bệnh viện hay điểm tiêm tại trường.
- Trước khi tiêm chủng phụ huynh cần phải được biết con tiêm vắc xin gì và các phản ứng ra sao?
- Sau tiêm trẻ cần ở lại điểm tiêm 30 phút để theo dõi sát các phản ứng phản vệ. Liên tục theo dõi trẻ trong 3 ngày đầu sau tiêm.
"Sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 cần theo dõi các triệu chứng bất thường như: phát ban, li bì, sốt... Nếu các biểu hiện thông thường này ngày càng tăng lên cần đứa trẻ đi khám", bà Hồng nói.
8,2 triệu trẻ sẽ được tiêm chủng trong quý II
PGS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục y tế Dự phòng (Bộ Y tế) theo các số liệu báo cáo sẽ có khoảng 11,8 triệu trẻ trong độ tuổi từ 5-11 tuổi, trong đó ước tính có khoảng 8,2 triệu trẻ chưa mắc Covid-19 cần phải tiêm vắc xin.
Bộ Y tế họp báo cung cấp thông tin tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi, ảnh Ngọc Minh.
Trong đợt tiêm này sẽ tiêm ước tính Việt Nam cần tiêm 2 liều vắc xin cho 8,2 triệu trẻ chưa mắc Covid-19.
"Đối với trẻ mắc Covid-19 sẽ tiêm vắc xin phòng Covid-19 sau 3 tháng. Sau thời gian này miễn dịch suy giảm", ông Lân nói.
TS.BS. Lê Kiến Ngãi – Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện nhi Trung ương) để đảm bản an toàn tiêm chủng cho trẻ Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn rất bài bản và kịp thời. Trong đó, có hướng dẫn sàng lọc trẻ được tiêm tại trường và bệnh viện.
TS Ngãi cũng nhấn mạnh thêm: "Cần phải lưu ý mốc thời gian rất quan trọng cần phải theo dõi trẻ sau tiêm chủng là: 30 phút, 24 giờ sau tiêm, 3 ngày đầu sau tiêm, 7 ngày sau tiêm và 28 ngày sau tiêm. Trong đó, tôi cần phải lưu ý các phụ huynh trong 3 ngày đầu tránh cho trẻ vận động mạnh để tránh nhầm lẫn với các phản ứng sau tiêm".
Các chuyên gia khuyến cáo quá trình theo dõi trẻ sau tiêm khi thấy một trong các dấu hiệu sau hãy liên hệ với đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện:
1. Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi;
2. Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da;
3. Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;
4. Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;
5. Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;
6. Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;
7. Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;
8. Toàn thân:
- Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường
- Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn.
- Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt