Tháng 7/2021, cái tên Hỷ Hiểu Nguyên nổi tiếng khắp Trung Quốc khi bức ảnh anh lên nhận bằng tiến sĩ kỹ thuật máy tính Đại học Thanh Hoa (đại học danh giá nhất Trung Quốc) được chia sẻ trên mạng xã hội. Hình ảnh chàng trai gầy gò ngồi trên chiếc xe lăn, phía sau là người mẹ ngoài 50 tuổi đẩy con trai lên nhận bằng đã lấy nước mắt nhiều người.
"Thực sự là nghị lực phi thường. Con trai không những nỗ lực hết mình mà người mẹ cũng rất xuất sắc", hiệu trưởng Đại học Thanh Hoa nhận xét.
Hỷ Hiểu Nguyên sinh năm 1991 tại Ngọc Khuê, Vân Nam, Trung Quốc. Năm 6 tuổi cậu được chẩn đoán mắc chứng viêm khớp tự phát thiếu niên. Đến năm 11 tuổi, bác sĩ nói Hỷ phải ngồi xe lăn cả đời.
Thời điểm hai chân bị liệt, Hỷ hiểu giờ cuộc sống của cậu hoàn toàn dựa vào sự giúp đỡ từ người khác. Nghĩ tới bố mẹ, Hỷ quyết tâm phải sống cho tốt.
Cậu bắt đầu vào tiểu học năm 1999, nhưng do bệnh tình trở nặng nên phải dừng học, điều trị năm lớp 6. Nằm trong bệnh viện, Hỷ tự học và đọc thêm sách. Mỗi đợt bệnh tình thuyên giảm, cậu lại đòi đến lớp.
Tốt nghiệp cấp ba loại xuất sắc, Hiểu xếp thứ 16 trong cả ngàn hồ sơ đăng ký vào Khoa máy tính, Đại học Thanh Hoa. Cậu cũng là học sinh khuyết tật đầu tiên của tỉnh Vân Nam đỗ vào đại học danh tiếng này.
Thời điểm nhập học, mười khớp ngón tay của Hỷ đều đã biến dạng. Ngay việc quay đầu, giơ tay hay khom lưng cũng không thể thực hiện. Khó khăn hơn là áp lực tâm lý khi các bạn cùng lớp đều là những người xuất sắc, được nhiều giải thưởng quốc tế. Trong lớp, mình Hỷ phải bắt đầu từ con số 0.
"Lúc đó tôi chẳng còn đường lùi. Khó khăn đã chọn tôi, tôi phải chọn sự mạnh mẽ", Hỷ nói. Để thực hiện được điều này, ngoài nỗ lực của bản thân, cậu còn nhận được sự đồng hành của người mẹ Quách Quỳnh Phân.
Bà Quách vốn là giáo viên cấp hai, nhưng nghỉ hưu sớm từ năm 2012, giúp con trai thực hiện ước mơ lên đại học. Khi còn ở quê, ngày vài bận, bà đạp xe đưa con tới trường, cõng cậu lên xuống phòng học. Tiếp đó bốn năm đại học, thạc sỹ, tiến sỹ thêm năm năm nữa, bà Quách quen hết các giáo viên của Đại học Thanh Hoa, thuộc lòng vị trí phòng học của khoa máy tính. Ngày ngày, bà nấu ăn, tắm rửa cho con, đêm đến lại kiên trì xoa bóp cho Hỷ khỏi đau nhức.
"Mẹ là người tôi mang ơn nhất. Những năm tháng ở Bắc Kinh, mẹ luôn dậy trước, chuẩn bị mọi thứ và đẩy xe lăn cho tôi đến lớp. Buổi tối, đợi tôi đi ngủ, mẹ mới được nằm nghỉ", Hỷ nói.
Chín năm ở Đại học Thanh Hoa, Hỷ còn là người sáng lập Hiệp hội nghiên cứu máy tính cho sinh viên trong trường. Anh cũng tham gia đội hùng biện và tích cực trong các hoạt động phúc lợi công cộng. Dù đi đâu, làm gì, Hỷ luôn có mẹ đồng hành.
Sự chăm sóc của mẹ chính là động lực để chàng trai trẻ quyết tâm học tập. Từ thứ hạng 69 năm đầu tiên trong khoa, năm thứ hai anh nhảy lên vị trí thứ 31 và thứ 9 vào năm kế tiếp. Đến năm thứ tư, Hỷ Hiểu Nguyên nhận được học bổng đặc biệt của Đại học Thanh Hóa. Đây là vinh dự cao nhất của sinh viên trong trường bởi mỗi năm chỉ trao cho 10 sinh viên xuất sắc nhất.
Tháng 9/2021, sau chín năm học tập, Hỷ nhận bằng tiến sỹ kỹ thuật máy tính, đích thân hiệu trưởng cúi xuống chụp ảnh cùng anh. Trong bài phát biểu trước khi nhận bằng, chàng trai này nói: "Sự rực rỡ của cuộc sống không nằm ở sự hoàn chỉnh của cơ thể, mà là màu sắc của tâm trí".
Tháng tám năm ngoái, Hỷ Hiểu Nguyên vào làm nghiên cứu cho một công ty điện toán xã hội, thuộc Viện nghiên cứu cơ bản của Microsoft khu vực châu Á tại Bắc Kinh. Anh cho biết, đang tập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, cụ thể là về mặt ngôn ngữ.
"Tôi hy vọng kết quả nghiên cứu của mình sẽ giúp thúc đẩy việc xây dựng một xã hội không rào cản trong tương lai", Hỷ nói.
Gần đây, Hỷ Hiểu Nguyên đã được phẫu thuật thay thế hai khớp gối. Hiện anh có thể đứng dậy và tập đi vài bước ngắn. Ước mơ lớn nhất của chàng trai này là có thể tự đi trên đôi chân của mình, để mẹ được về quê đoàn tụ với bố.
(Theo sohu)