Phát biểu tại Hội nghị đối thoại giữa Lãnh đạo TP HCM và doanh nghiệp Hàn Quốc diễn ra chiều 16/8, ông Youn Chel Woon, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử Samsung CE Complex đã kiến nghị về khoản hoàn thuế giá trị gia tăng trị (VAT) giá tới 44 triệu USD.
Theo ông Youn Chel Woon, năm 2020, nhà máy Samsung SEHC đã xin phép chuyển đổi từ loại hình doanh nghiệp thông thường sang loại hình doanh nghiệp chế xuất (EPE).
Đến ngày 1/5/2021, nhà máy chính thức được phê duyệt trở thành doanh nghiệp chế xuất (EPE). Tuy nhiên, thời điểm trước và sau khi được chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp chế xuất đã phát sinh vấn đề hoàn thuế VAT.
Từ tháng 7/2022, Cục Thuế TP HCM cũng đã thực hiện việc kiểm tra trước hoàn thuế trong vòng hai tháng để đánh giá tính phù hợp của việc hoàn thuế và có hai lần gửi công văn báo cáo kết quả kiểm tra cho Tổng cục Thuế để kiến nghị hướng dẫn quyết định cuối cùng về việc hoàn thuế.
Ngày 3/7 vừa qua, Tổng cục Thuế đã chủ trì cuộc họp với sự tham gia của các bên liên quan, nhưng sau một tháng vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra để thi hành.
Đại diện Samsung cho biết, tính từ thời điểm bắt đầu phát sinh tiền thuế VAT chưa được hoàn đến nay đã hơn hai năm, công ty vẫn chưa được hoàn thuế VAT, tổng cộng khoảng 44 triệu USD (tương đương khoảng 1.000 tỷ đồng).
Đối với vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, cho biết vấn đề của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử Samsung CE Complex đã được Cục Thuế TP HCM rà soát và báo cáo với Tổng cục Thuế. Hiện nay, Bộ Tài chính đang xem xét để xác định việc thực hiện hoàn thuế từ cơ quan thuế hay cơ quan hải quan để tiến hành các thủ tục hoàn thuế cho doanh nghiệp.
Tại cuộc họp, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng nêu ra những khó khăn vướng mắc và kiến nghị về chính sách xuất nhập khẩu tại chỗ, các doanh nghiệp dệt may và doanh nghiệp sản xuất chế tạo Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hải quan liên quan đến “kế hoạch sửa đổi quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ”.
Liên quan đến dự thảo sửa đổi liên quan tới giấy phép lao động, Hiệp hội KOCHAM đã nghiên cứu nội dung dự thảo sửa đổi và nhận thấy rằng vẫn còn tồn tại hoặc phát sinh thêm những điều khoản làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp.
Hiệp hội KOCHAM hy vọng những điều khoản không cần thiết hoặc quá khó khăn liên quan đến giấy phép lao động sẽ được giảm bớt hoặc nới lỏng để mở rộng lực lượng lao động người nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đề xuất thành lập tổ công tác chung để giải quyết các vấn đề tồn đọng, vướng mắc và trong tháng 9 sẽ thống nhất và thảo luận các cơ hội hợp tác mới giữa TP HCM và các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Bên cạnh kiến tạo thể chế về môi trường đầu tư, giải quyết các vấn đề cụ thể về cộng đồng các nhà đầu tư, gia đình, chuyên gia, người lao động nước ngoài tại TP HCM cũng là vấn về đáng được quan tâm.
TP HCM mong có những góp ý và mong phối hợp, hợp tác để góp phần cải thiện môi trường đầu tư Hàn Quốc và TP cũng mong có sự hợp tác cụ thể phục vụ nhà đầu tư và cho sự phát triển của Thành phố, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho hay.