Ngày 4/8 vừa qua, tại khu vực thôn Phú Ninh, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn (Tp.Hà Nội), trận mưa lớn kèm với địa hình đồi núi có độ dốc nên lượng lớn đất đá bị xói mòn kéo theo đất, đá trôi xuống vùi lấp nhiều xe ôtô.
Nằm cách khu vực sạt lở không xa có 1 tuyến đường bê tông dài khoảng 600m, rộng 6,0m và có độ dốc rất lớn chạy từ đỉnh núi tiếp giáp đường phòng chữa cháy.
Đại diện UBND huyện Sóc Sơn cho biết, con đường bê tông dài hàng trăm mét chạy dọc lên lưng chừng đồi được người dân tự ý làm để đi lại cho thuận tiện.
Theo đó, trên địa bàn xã Minh Phú có 3 tuyến đường bê tông được người dân tự ý làm. Sau khi có quyết định cưỡng chế vào năm 2022, địa phương đã ra quân xử lý, phá dỡ 2 tuyến đường.
Căn nhà nằm ở lưng chừng đồi thuộc diện phải cưỡng chế từ năm 2021 vì 'mọc' trên đất rừng, cách khu vực sạt lở khoảng 40m.
Từ ngày 7/8, chính quyền sở tại đã huy động máy xúc cỡ lớn tiến hành phá dỡ đoạn đường bê tông từ chân đồi lên giữa đồi. Khu vực này cũng được cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm, cấm người ngoài vào bên trong.
Riêng tuyến đường xảy ra vụ đất đá vùi lấp ôtô thì chưa tiến hành cưỡng chế vì có hộ gia đình ở lưng chừng đồi có người nhà bị ốm.
Trước đó, tháng 10/2018, sau khi dư luận phản ánh tình trạng hàng loạt công trình mọc lên trên đất rừng phòng hộ ở huyện Sóc Sơn, Thanh tra Tp.Hà Nội đã quyết định thanh tra toàn diện quá trình sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, trong đó tập trung vào 'điểm nóng' vi phạm tại hai xã Minh Phú và Minh Trí.
Đến tháng 3/2019, Thanh tra Tp.Hà Nội ban hành 2 kết luận thanh tra về đất rừng Sóc Sơn. Trong đó nêu rõ hàng ngàn trường hợp vi phạm đất rừng. Chỉ riêng 2 xã Minh Phú và Minh Trí, cũng như khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng có 797 công trình vi phạm.
Năm 2019, Thanh tra Tp.Hà Nội chỉ ra nhiều công trình vi phạm ở ven hồ Đồng Đò. Tuy nhiên, năm 2020, Thanh tra Chính phủ đề nghị Hà Nội chưa xử lý những công trình này để chờ rà soát theo quy hoạch.
Sau kết luận thanh tra, huyện Sóc Sơn đã quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm. Cụ thể, với 76 công trình vi phạm nằm ở ven các hồ dưới chân núi thuộc địa bàn 2 xã Minh Trí và Minh Phú được nêu trong kết luận thanh tra, huyện Sóc Sơn đã xử lý 40 trường hợp.
Với 36 trường hợp còn lại nằm ở ven hồ, khi huyện Sóc Sơn đang xây dựng kế hoạch cưỡng chế thì trong năm 2020 Thanh tra Chính phủ đề nghị tạm dừng, giữ nguyên hiện trạng, chờ điều chỉnh quy hoạch rừng. Khi điều chỉnh quy hoạch xong, công trình nào phù hợp thì giữ lại còn không sẽ bị cưỡng chế.
Thực tế, sau khi có kết luận của Thanh tra Thành phố, hàng loạt công trình vẫn tiếp tục mọc lên.
Đại diện UBND huyện Sóc Sơn cũng cho biết, 6 tháng đầu năm 2023 đến nay, đã phát hiện 187 trường hợp vi phạm, trong đó xử lý được 124 trường hợp. Trong năm 2022, có 245 trường hợp bị xử lý, còn năm 2021, xử lý hơn 300 trường hợp.
Qua đó, đại diện UBND huyện Sóc Sơn khẳng định, thời gian vừa qua, huyện rất kiên quyết trong công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Tháng 6 vừa qua, huyện đã tạm đình chỉ 3 Phó Chủ tịch UBND xã Minh Trí, Nam Sơn, Mai Đình để tập trung vào công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Trước đó, đã có 2 chủ tịch xã bị kỷ luật vì để địa bàn xảy ra nhiều vi phạm.
“Vẫn còn một số trường hợp vi phạm nhưng xã “giấu”, ở trên huyện không biết được. Huyện đang làm hết sức nhưng việc này hết sức phức tạp, cần làm dần từng bước”, đại diện UBND huyện Sóc Sơn thông tin thêm.
Ngoài ra, kể từ sau thời điểm Thanh tra Thành phố ban hành kết luận năm 2019 đến nay, lực lượng chức năng của huyện này vẫn tiếp tục phát hiện nhiều công trình vi phạm ở khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí).