"Các lệnh cấm kể từ tháng 10 năm ngoái đã phơi bày ý định thực sự của Mỹ, đó là khiến Trung Quốc phải sản xuất chip trên tiến trình 28 nm trở lên, kém ít nhất 5 thế hệ so với lợi thế dẫn đầu về chip từ 3 nm đến 14 nm của Mỹ", Gerald Yin Zhiyao, Chủ tịch kiêm CEO của Advanced Micro-Fabrication Equipment (AMEC), phát biểu tại Hội nghị thường niên về thiết bị bán dẫn Trung Quốc - CSEAC 2023 ở Vô Tích ngày 10/8. "Chúng tôi không chấp nhận điều này".
Theo ông Zhiyao, các lệnh hạn chế xuất khẩu công nghệ nhắm đến Trung Quốc mà Mỹ thực hiện thời gian qua, trong đó có lệnh hành pháp được Tổng thống Joe Biden ký ngày 9/8, là một trong những nước đi nguy hiểm đối với lĩnh vực bán dẫn Trung Quốc.
Từ tháng 10/2022, Mỹ ban hành một loạt quy định nhằm kìm hãm khả năng sản xuất chip của Trung Quốc ở cấp độ 14 nm trở xuống, DRAM 18 nm trở xuống và chip nhớ NAND 3D từ 128 lớp trở lên với lý do "đe dọa an ninh quốc gia" và có thể bị Trung Quốc sử dụng cho mục đích quân sự.
Ông Zhiyao, với hơn 20 năm kinh nghiệm sản xuất chip và từng làm việc cho Applied Materials - tập đoàn Mỹ chuyên cung cấp thiết bị, dịch vụ và phần mềm để sản xuất bán dẫn, thừa nhận Trung Quốc còn phụ thuộc Mỹ và điều này khó thay đổi trong tương lai gần. Ông ví dụ, việc mua thiết bị bán dẫn từ các công ty Trung Quốc chỉ chiếm 15%, trong khi 85% máy móc còn lại đến từ Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản.
"Đó là lý do Mỹ cần Nhật Bản và Hà Lan cùng tham gia hạn chế sự phát triển của chúng tôi", ông nói.
Trung Quốc đi sau
Các chuyên gia tham dự CSEAC 2023 nhận định doanh nghiệp bán dẫn Trung Quốc đang tụt hậu so khá xa so với các công ty cùng ngành trên toàn cầu về cả thị phần và mức độ tinh vi công nghệ. Trung Quốc hầu như không có sự hiện diện ở quy mô thế giới trong một số phân khúc như in thạch bản.
"Bắt kịp lĩnh vực này là một cuộc chiến khó nhằn với các công ty Trung Quốc, nhất là trong một môi trường địa chính trị ngày càng căng thẳng", một chuyên gia nói với SCMP.
Li Jinxiang, Phó tổng thư ký của tổ chức bán dẫn China Electronic Production Equipment Industry (CEPEI), cho rằng một số thiết bị do Trung Quốc sản xuất không đáp ứng được nhu cầu và sự hiệu quả của các xưởng đúc chip. "Thật lãng phí khi một máy in thạch bản do ASML sản xuất giá một tỷ nhân dân tệ lại phải chờ đợi các cỗ máy chuyên phủ tấm wafer được sản xuất trong nước bắt kịp tốc độ", Jinxiang nói.
Ông giải thích, một cỗ máy của ASML có khả năng xử lý 350 tấm wafer kích thước 12 inch mỗi giờ, trong khi máy chuyên phủ wafer của Trung Quốc không theo kịp sản lượng này.
Trong khi đó, ông Zhiyao cho rằng Trung Quốc có thể phát triển thành công các thiết bị đúc chip có khả năng cạnh tranh với sản phẩm toàn cầu vài năm tới, khi nhiều chuyên gia Trung Quốc được đào tạo ở Mỹ đang trở về nước. "Khi đó, sử dụng thiết bị sản xuất chip để kìm hãm sự tiến bộ của Trung Quốc sẽ không còn mang lại kết quả tốt", ông cho hay.
Giới đầu tư Mỹ thận trọng
Lệnh hành pháp do ông Biden ký ngày 9/8 sẽ có hiệu lực từ đầu năm tới. Trong thời gian này, Nhà Trắng sẽ yêu cầu các doanh nghiệp trong nước thông báo cho chính phủ về khoản đầu tư vào Trung Quốc ở ba lĩnh vực gồm chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Theo Reuters, động thái trên sẽ khiến nhiều doanh nghiệp chọn đứng ngoài cuộc vì lo sợ các biện pháp cứng rắn hơn nữa đang đợi ở phía trước. "Một số nhà đầu tư Mỹ chỉ có thể chờ xem quy tắc mới sẽ được thực thi thế nào trước khi đưa ra quyết định", Weiheng Chen của công ty luật Wilson Sonsini nói.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Pan Yuan tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng cách tốt nhất để chống lại các hạn chế của Mỹ là tập trung vào việc cải thiện năng lực công nghệ trong nước.
Một số nhà phân tích cũng dự đoán Trung Quốc sẽ không trả đũa trực diện sau lệnh hành pháp mới. "Phản ứng của Trung Quốc là ngăn các nước khác làm theo Mỹ", Derek Scissors, chuyên gia Viện Doanh nghiệp Mỹ (American Enterprise Institute), nói. "Trung Quốc sẽ không hành động theo kiểu có đi có lại. Việc họ leo thang căng thẳng có thể chỉ khiến đống đổ nát chất thành núi".
(theo SCMP, Reuters)