Khánh cho biết cuộc gọi xuất phát từ một đầu số lạ, gọi đến và nói "thuê bao của bạn sẽ tạm dừng sau hai giờ nữa, để biết thêm chi tiết vui lòng bấm phím 0".
"Thấy giọng nói trong điện thoại giống hệt các thông báo của tổng đài, tôi tưởng thật nên làm theo", Khánh kể. Anh được kết nối tới một người tự xưng là nhân viên nhà mạng, nói với giọng điệu đe dọa. Nhớ đến các chiêu lừa qua điện thoại trước đây, đồng thời số gọi đến là một đầu số nước ngoài, anh bắt đầu nghi ngờ là lừa đảo nên không làm theo. Khi gọi tới tổng đài nhà mạng, anh mới biết thuê bao của mình hoàn toàn bình thường và không hề bị khóa.
Tương tự, Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết cô suýt trở thành nạn nhân của chiêu lừa. "Họ nói phát hiện thuê bao của tôi phát tán tin nhắn lừa đảo hàng loạt, vì vậy sẽ khóa sau sau hai giờ". Hà kể.
Dù giải thích mình không hề làm chuyện đó, đầu bên kia khẳng định họ có bằng chứng và tiếp tục dọa khóa thuê bao. Lấy lý do hỗ trợ khách hàng, người này đề nghị Hà gọi tới số "của đại diện cơ quan pháp luật". Lo lắng vì đây là số điện thoại quan trọng và phải sử dụng thường xuyên, cô làm theo.
Ở cuộc gọi thứ hai, đầu dây bên kia xưng là công an, yêu cầu cô xác minh danh tính bằng cách khai báo đầy đủ thông tin cá nhân như tên tuổi, số căn cước công dân, ngày cấp... để kiểm tra trên hệ thống. "Thấy tôi đọc thông tin cá nhân qua điện thoại, đồng nghiệp ngồi bên cạnh tỏ ý nghi ngờ và đề nghị tôi tắt máy. Đến lúc đó tôi vẫn không nghĩ mình bị lừa", Hà nói. Chỉ đến khi nhờ tra số, cô mới biết đó không phải số của cơ quan pháp luật nào cả. Hai giờ sau, điện thoại của Hà vẫn hoạt động bình thường chứ không bị ngừng hoạt động như lời đe dọa.
Ngô Minh Hiếu, kỹ sư bảo mật tại Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia (NCSC), đánh giá đây thực chất là chiêu lừa đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng.
"Sau những lời dọa như vậy, nhiều người nhẹ dạ sẽ vô tình cung cấp thông tin cá nhân. Điều này dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, từ dữ liệu cá nhân cho tới tài sản có thể bị đánh cắp", chuyên gia này nhận định.
Ông Hiếu cũng cho biết, các chiêu này thực tế đã có từ lâu, nhưng liên tục được thay đổi kịch bản khiến người dùng không lường trước. Ví dụ trước đó, kịch bản phổ biến là "thông báo người dùng gây tai nạn ở Đà Nẵng", hay "đang bị điều tra vì liên quan đến vụ án nghiêm trọng". Thời gian gần đây, một số kẻ xấu dùng chiêu dọa khóa thuê bao, vì thuê bao điện thoại hiện nay cũng là một trong những tài sản quan trọng của người dùng. Các cuộc gọi thường được thực hiện bởi một đầu số từ nước ngoài, thay vì +84 của Việt Nam.
Đại diện một nhà mạng khẳng định các sự việc như trên thực chất là mạo danh, bởi đó không phải là cách làm của nhà mạng. Các thuê bao đã đăng ký đầy đủ thông tin, nộp cước đúng quy định sẽ không có chuyện bị khóa hai chiều. Trước đây, nhiều người cũng từng mạo danh nhà mạng và dùng chiêu "đổi sim 4G" để dụ người dùng cung cấp thông tin hoặc soạn tin nhắn theo cú pháp, nhằm chiếm số thuê bao của họ.
Chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu khuyến cáo người dùng không nên công khai thông tin cá nhân trên mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến khác, đồng thời không nên làm theo yêu cầu của người lạ như: tải đường dẫn về cài đặt, đăng nhập thông tin, tài khoản ngân hàng... nhằm tránh bị tội phạm lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo thống kê của Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông tính đến tháng 9/2021, các nhà mạng tại Việt Nam đã ngăn chặn hàng chục triệu cuộc gọi giả mạo. Mỗi tháng, số lượng cuộc gọi được phát hiện giả mạo lên tới hàng triệu.
Cơ quan này lưu ý mã điện thoại của Việt Nam là 84, vì vậy nếu người dùng nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn từ số điện thoại có đầu là dấu "+" hoặc "00", nhưng hai số tiếp theo không phải "84" thì có thể là số quốc tế. Người dùng chỉ nên gọi lại hoặc làm theo khi biết chắc chắn đó là số của người thân ở nước ngoài.