Sáng 24/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác khảo sát thực địa sân bay Vinh, khu vực quy hoạch xây dựng cảng nước sâu Cửa Lò và một số dự án khác.
Cảng hàng không quốc tế Vinh hiện có công suất 2 triệu khách/năm, nhu cầu vận tải hành khách tăng nhanh (lượng khách qua cảng năm 2015 là 1,376 triệu, năm 2020 là 2 triệu, tăng 45,5%).
Hiện, UBND tỉnh Nghệ An đề xuất đầu tư nhiều hạng mục quan trọng trong Cảng hàng không quốc tế Vinh bằng nguồn vốn hợp tác công tư. Tỉnh cũng đề xuất là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án trọng điểm này.
Đồng thời, UBND tỉnh đề xuất Chính phủ cho điều chỉnh quy hoạch công suất Cảng hàng không quốc tế Vinh từ khoảng 8 triệu lên khoảng 12 triệu hành khách/năm vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 có công suất khoảng 15 triệu hành khách/năm.
Về khó khăn, UBND tỉnh Nghệ An cho biết việc mở rộng sân bay, nâng công suất đang vướng phải một số vấn đề về mặt bằng và đặc biệt là phần đất quốc phòng.
Về vấn đề này, Thủ tướng đề nghị giải quyết theo hướng khai thác sân bay lưỡng dụng cả dân sự và quân sự, sớm bố trí đất quốc phòng ở vị trí phù hợp tạo thuận lợi nhất cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng khi cần thiết, đồng thời đồng ý chủ trương giao UBND tỉnh là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với các dự án cải tạo, nâng cấp sân bay, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án cảng nước sâu Cửa Lò được quy hoạch tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc. Tỉnh Nghệ An xác định đây là dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, cùng với các tuyến đường kết nối bảo đảm đồng bộ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics.
Cảng Cửa Lò nằm ở vị trí tốt của khu vực Bắc Trung bộ, thuận lợi cho giao dịch thông thương hàng hóa quốc tế, đặc biệt là trung chuyển hàng cho nước bạn Lào và Đông Bắc Thái Lan.
Dự án xây dựng cảng nước sâu Cửa Lò là một hạng mục chính trong Trung tâm Dịch vụ logistics vùng Bắc Trung Bộ tại Nghệ An. Việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Cửa Lò cũng là một trọng tâm trong đề án phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.
Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng đồng ý giao UBND tỉnh Nghệ An là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai, tìm nhà đầu tư dự án theo quy định của pháp luật. Bộ Giao thông vận tải tập trung làm tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước, hướng dẫn địa phương. Thủ tướng cũng yêu cầu làm tốt công tác bảo vệ môi trường.