Ra mắt nhóm các nhà khoa học nghiên cứu vật lý thiên văn SAGI - Ảnh: LÂM THIÊN
Đây là chuỗi sự kiện thuộc chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ 18 - năm 2022, do Hội Gặp gỡ Việt Nam, ICISE phối hợp Ban tổ chức quốc tế (Viện nghiên cứu Flatiron, Đại học California Santa Cruz, Mỹ; Viện Nghiên cứu vật lý thiên văn Pháp; Tổ chức nghiên cứu RIKEN, Nhật Bản...) tổ chức, với sự tham gia của hơn 30 nhà khoa học trong và ngoài nước cùng 50 học sinh tiêu biểu của các tỉnh Bình Định, Phú Yên.
Chuỗi sự kiện gồm hội thảo khoa học quốc tế "Vũ trụ vàng: Vật lý thiên văn hạt nhân và tia vũ trụ trong kỷ nguyên đa thông tin" và "Vật lý thiên văn SAGI 2022 - Những hướng nghiên cứu tiên phong của vật lý thiên văn trong kỷ nguyên vàng của phân cực bụi" 2022.
Tại hội thảo, các chuyên gia trình bày báo cáo khoa học về vật lý thiên văn đa thông tin, tia vũ trụ năng lượng cực cao, tia vũ trụ và sự sống, thiên văn học neutrino, vật chất trên sao Neutron, các tương tác giữa tia vũ trụ với bầu khí quyển của Trái đất tạo ra "mưa vũ trụ"; hàm ý của dữ liệu hạt nhân và các mô hình tương tác hadronic; hạt nhân nặng và các tia vũ trụ.
Giáo sư Trần Thanh Vân phát biểu khai mạc chuỗi sự kiện - Ảnh: LÂM THIÊN
Giáo sư Trần Thanh Vân cho biết vật lý thiên văn là một trong vài ngành khoa học đang phát triển mạnh và có nhiều tiềm năng khám phá quan trọng trong tương lai gần. Việt Nam đang có hai nhóm nghiên cứu thiên văn và neutrino có năng lực và kinh nghiệm, nhận được sự hỗ trợ thực tế của cộng đồng khoa học quốc tế.
"Tôi rất mong, qua hội thảo lần này, Bộ Khoa học và công nghệ sẽ cùng đồng hành, hỗ trợ để hai nhóm nghiên cứu khoa học phát triển, đóng góp để hình ảnh khoa học Việt Nam lan tỏa trong cộng đồng khoa học thế giới", giáo sư Vân chia sẻ.
Theo ông Huỳnh Thành Đạt, bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, chuỗi hai sự kiện hội thảo khoa học rất có ý nghĩa khi năm 2022 đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chọn là Năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững.
"Hiện nay, Việt Nam đang từng bước tạo lập được môi trường học thuật tiên tiến trong nước, thu hút nhiều nhà khoa học trẻ ở nước ngoài về nước tiếp tục phát triển các trường phái nghiên cứu tiên phong, hình thành được các tập thể khoa học mạnh có trình độ quốc tế.
Năm 2021, Việt Nam vươn lên vị trí 45, vào top 50 thế giới với hơn 18.000 bài báo được công bố. Qua sự kiện này, việc nghiên cứu khoa học trong các bạn trẻ và ở Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết thêm.
Tại hội thảo, nhóm Vật lý thiên văn SAGI - nhóm nghiên cứu khoa học vật lý thiên văn đầu tiên tại Việt Nam - cũng đã ra mắt. Nhóm gồm TS Nguyễn Trọng Hiền, TS Nguyễn Lương Quang (đang công tác tại Pháp), TS Hoàng Chí Thiêm (đang công tác tại Hàn Quốc)…
"SAGI sẽ tổ chức các hội thảo, trường mùa hè, hợp tác phân tích các dữ liệu khoa học và hỗ trợ các nhà khoa học trẻ trong nước, bao gồm các chuyên viên, nghiên cứu sinh, tiến sĩ cùng nhau nghiên cứu", TS Hiền cho hay.