Bất động sản

Quảng Nam rà soát các dự án chậm tiến độ

Mới đây, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký công văn số 6783/UBND-KTN về việc kiểm tra, xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất trên địa bàn.

Quảng Nam rà soát các dự án chậm tiến độ  - Ảnh 1.

Vẫn còn nhiều chủ đầu tư các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được giao đất nhưng chưa triển khai thi công.

Trong đó, lãnh đạo địa phương này đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, lập danh sách, hồ sơ quản lý đối với các dự án, công trình đã được giao đất, cho thuê đất để thực hiện mà không sử dụng đất 12 tháng liên tục hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng 24 tháng theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Đăng công khai các dự án, công trình vi phạm về sử dụng đất trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và gửi thông tin để đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai.

“Tổng hợp các vướng mắc, bất cập trong việc xử lý các dự án chậm tiến độ đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng theo các quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về đất đai hiện hành. Tham mưu UBND tỉnh báo cáo Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp”, văn bản do ông Trần Văn Tân ký nêu rõ.

Cùng với đó, tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị liên quan tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất, gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/11 hàng năm theo yêu cầu và báo cáo UBND tỉnh.

Sở Tài nguyên Môi trường và Thanh tra tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo về các dự án chậm tiến độ trên địa bàn. Sở này cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến các dự án chậm tiến độ là bởi vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, một số địa phương chưa chủ động lập quy hoạch, xây dựng kế hoạch, đề xuất các nguồn vốn để triển khai đầu tư xây dựng các khu dân cư, chuẩn bị quỹ đất để kịp thời bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng,...

Trong quá trình xác định phạm vi, ranh giới triển khai dự án, một số nhà đầu tư chưa nghiên cứu kỹ mức độ tác động đến các khu dân cư hiện hữu, đánh giá hiện trạng các yếu tố hạ tầng, kỹ thuật nên chưa tính toán phương án giải quyết ngay từ đầu, đến khi triển khai thực hiện dự án thì gặp vướng mắc dẫn đến bị động trong xử lý, làm chậm tiến độ thực hiện dự án.

Quảng Nam rà soát các dự án chậm tiến độ  - Ảnh 2.

“Có trường hợp trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và hoàn thiện thủ tục pháp lý thì nhà đầu tư vẫn đảm bảo năng lực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, do tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn (nhà đầu tư đang kinh doanh ở các lĩnh vực khác) dẫn đến không đảm bảo nguồn vốn để tiếp tục thực hiện dự án làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án”, báo cáo của Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Quảng Nam nêu.

Ngoài ra, đa số các dự án nhà ở điều chỉnh gia hạn trên 12 tháng, có nhiều dự án điều chỉnh nhiều lần, có dự án đã triển khai 03-05 năm nhưng chỉ mới hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng, phương án giải phóng mặt bằng vẫn chưa được duyệt để chỉ trả đền bù, thu hồi đất, giao đất triển khai thi công. Một số dự án nhà ở điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng nhiều lần dẫn đến dự án phải điều chỉnh tiến độ và kéo dài thời gian thực hiện.

“Hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư... vẫn còn một số nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện. Nội dung giữa các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới và các quy hoạch chuyên ngành khác thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn không thống nhất, khó thực hiện”, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam cho hay.

Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất

Trong thời gian qua tại các địa phương, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố lớn còn tồn tại nhiều dự án, công trình đã được Nhà nước giao, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư mà không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm nhưng chưa được kiểm tra, rà soát, xử lý theo quy định của pháp luật (điểm i khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai năm 2013), gây lãng phí đất đai, bức xúc trong dư luận xã hội.

Để tiếp tục, tăng cường xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất, kiên quyết thu hồi đất của các dự án vi phạm nhằm đẩy nhanh việc đưa đất vào sử dụng có hiệu quả cho công cuộc phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và cả nước, tránh lãng phí đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện rà soát, lập danh sách, hồ sơ quản lý đối với các dự án, công trình đã được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án mà không sử dụng đất 12 tháng liên tục hoặc tiến độ đưa đất vào sử dụng chậm 24 tháng theo quy định (điểm i khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai năm 2013) của pháp luật đất đai.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn bộ các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm. Xử lý nghiêm, triệt để, đúng pháp luật đối với các dự án, công trình có vi phạm, kiên quyết thu hồi đất đối với các dự án, công trình đã chấm dứt dự án đầu tư, đã hết thời hạn cho gia hạn sử dụng đất nhưng vẫn chưa hoàn thành đầu tư đưa đất vào sử dụng.

Tổng hợp, lập danh sách các dự án, công trình có vi phạm để đăng công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh và gửi thông tin để đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục quản lý đất đai.

Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 tháng 11 hàng năm để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.



Cùng chuyên mục

Đọc thêm