Chị Hồng Phúc rón rén vén mùng bước ra vì sợ đứa con út 9 tháng tuổi thức giấc. Chị tiến lại ôm tạm biệt con gái Thu Trang và xoa cái đầu trọc lóc của cô bé động viên: "Con phải ráng ngoan, đi chữa khỏi bệnh để về sớm với mẹ và các chị em". Cô bé tay dụi mắt muốn khóc, chân bước theo bố và người bác dâu ra xe đò lên thành phố.
Thu Trang là con thứ ba của anh Tuấn (37 tuổi) và chị Phúc (34 tuổi). Hai người sinh được bốn con nhưng ba đứa đều mắc những bệnh hiểm nghèo khác nhau. Con gái đầu mắc ung thư máu, con thứ hai bị bệnh Down và Trang bị ung thư thận.
Chị Phúc kể, chiều 30/5, khi Trang đang học ở lớp mẫu giáo thì than đau bụng dữ dội nên cô giáo phải gọi mẹ đến đón sớm. Mua thuốc cho con uống nhưng không bớt, hôm sau chị Phúc dẫn con đi bệnh viện tỉnh. Ở đây, bác sĩ phát hiện Trang có khối u trong bụng, nghi ngờ ung thư, cần phải chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) để làm thêm các xét nghiệm.
"Xưa nay tôi chỉ nghe người lớn mắc ung thư, không nghĩ con nít cũng bị bệnh này", chị Phúc nói.
Một tuần sau anh Tuấn đưa con lên viện tái khám, được bác sĩ thông báo khối u đã di căn đến phổi, cần phẫu thuật rồi hóa trị. Vậy là Trang được nhập viện. Đi cùng em hôm đó ngoài bố còn có bác dâu. Trong khi anh Tuấn lo chạy thủ tục giấy tờ thì Trang được người bác chăm sóc. Sau khi bác về quê, ông bố 4 con ngày thường chỉ lo đi làm thợ hồ, giờ bắt đầu luống cuống. Cho con ăn xong, anh Tuấn lao vào giặt và phơi đồ. Tranh thủ đi mua cháo cho con, anh cũng ráng xếp hàng chờ xin cơm từ thiện cho chính mình.
"Các bé ở đây hầu hết đều đi cùng mẹ, chỉ có bé Trang là đi cùng bố. Tôi ngày thường ít chăm con nên lúc đầu làm chưa tốt lắm", anh Tuấn tâm sự. Nhưng vì đứa con út còn bú mẹ, đứa con thứ hai, 9 tuổi thì bị bệnh Down mọi sinh hoạt đều phải một tay chị Phúc lo liệu.
11 năm trước, sau khi sinh con gái đầu lòng được chưa tròn tháng thì anh Tuấn phát hiện con bị u máu. Suốt hai năm đầu đời, tháng nào chị Phúc cùng bồng con từ Vũng Tàu lên bệnh viện Nhi Đồng 1 để điều trị bằng laser. Con vừa hết đi viện thì chị cấn thai đứa thứ hai, khi thai lớn mới phát hiện bị bệnh Down, không thể can thiệp được nữa.
Suốt nhiều năm, vì các con bệnh tật nên chị Phúc không thể đi làm. Ngày thường, chị ở nhà chăm con, chăm mẹ chồng đã ngoài 80 tuổi và nuôi đàn gà, trồng vài sào tiêu kiếm tiền đi chợ. Gánh nặng kinh tế đè lên vai anh Tuấn với đồng lương thợ hồ ngày nào có việc mới được hơn 300 nghìn đồng.
Khi bé Trang mắc ung thư, vợ chồng anh Tuấn không còn cách nào khác ngoài vay mượn họ hàng để trang trải.
"Tiền thuốc của bé có bảo hiểm và chương trình Mặt trời Hy Vọng hỗ trợ nên không quá tốn kém. Tuy nhiên, cứ cách tuần bé phải lên viện hóa trị, tính cả tiền ăn, tiền xe đi lại cũng hết hơn 3 triệu đồng. Tôi về nhà cùng con được một tuần lo đi làm cũng chỉ vừa đủ tiền đi Sài Gòn chữa bệnh", anh Tuấn kể.
Nhớ ngày thuyết phục con đi mổ khối u, anh nói rằng mình không thể ở bên cạnh con trong lúc mổ mà chỉ có con với bác sĩ. Anh dặn con phải ngoan, không được cự lại bác sĩ vì chỉ có cắt khối u trong người đi thì con mới có thể khỏe lại. Nghe lời bố, cô bé 5 tuổi nằm ngoan trên băng ca để bác sĩ đẩy vào phòng mổ. Dù thường khóc vì nhớ mẹ, những lúc bác sĩ truyền thuốc vào tĩnh mạch, Trang đều chủ động đưa tay để bác sĩ làm, đau cũng ráng chịu. "Con không muốn chết đâu", Trang nói.
Đêm xuống, trên chiếc giường bệnh ngắn ngủn dành cho bệnh nhi, cha con anh Tuấn phải nằm chung. Co ro nên mỏi người, ông bố thức giấc rồi chẳng thể chợp mắt tiếp, anh ôm con thao thức đến sáng. Anh kể, nhiều đêm nằm thức trắng mà nghĩ mãi một điều "Vì sao số phận cứ thử thách những đứa con bé nhỏ của tôi đến thế?".