Dạy thêm, học thêm những ngày gần đây đang "nóng" hơn bao giờ hết khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29). Thông tư 29 được xem là một bước tiến quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, hạn chế các tiêu cực trong hoạt động dạy thêm học thêm. Hiện tượng giáo viên tổ chức dạy thêm trái phép hoặc ép buộc học sinh học thêm sẽ được hạn chế.
Học sinh sẽ có thời gian tham gia các hoạt động sinh hoạt gia đình, cộng đồng, đồng thời giảm áp lực học tập. Các thầy cô sẽ được hướng đến một môi trường dạy thêm, học thêm đàng hoàng, đảm bảo sự công khai. Hầu hết phụ huynh đều đồng tình với những quy định mới này.
Tuy nhiên, mới đây, một phụ huynh đã gây "bão" khi chia sẻ loạt quan điểm ủng hộ việc dạy thêm, học thêm. Người này đưa ra dẫn chứng từ chính trường hợp của gia đình mình và cho rằng những người phản đối dạy thêm đang "muốn dẹp bỏ đi nguồn tri thức của rất nhiều cháu khác".
"Đa số phụ huynh không ủng hộ việc dạy/học thêm có con em ở mức trung bình, yếu, thậm chí là cá biệt"
Người này cho biết, mình là phụ huynh của 2 cháu, một cháu lớp 7 và một cháu lớp 11. Cả 2 học tập đều ở mức khá giỏi trở lên và cũng thật may mắn là các cháu cũng biết phân chia thời gian học sao cho hợp lý.
Ngoài giờ học ở trên trường thì 2 cháu cũng đi học thêm một số môn, cháu lớn ở trong đội tuyển HSG Toán nên cũng phải học nhiều hơn cháu nhỏ. Nhưng các cháu vẫn có thời gian cho gia đình, có thời gian vui chơi bên ngoài, thậm chí cháu lớn có bạn gái và 2 đứa vẫn thường xuyên đi học, đi chơi chung.
"Tôi thực sự không hiểu một số phụ huynh lấy lý do rằng đi học thêm làm các cháu không có thời gian vận động, không có thời gian nghỉ ngơi hoàn toàn là do ý thức chủ quan và một phần tôi cảm thấy là từ sự sợ hãi con mình sẽ thua kém các bạn.
Các cháu nhà tôi đi học thêm từ nhỏ, tôi hoàn toàn ủng hộ vì ngoài có thêm kiến thức dù ít dù nhiều, tôi cũng có thể chắc chắn hơn về việc các cháu ở trong một môi trường có người trông coi, có cô giáo để mắt tới. Và các cháu cũng không hề đi học thêm tất cả các môn ở trường, tự các cháu thấy mình còn yếu kém hay muốn nâng cao năng lực ở môn nào thì các cháu xin tôi học thêm môn đó, tôi cũng không hề ép buộc con mình phải học thật nhiều thật lắm", người này chia sẻ.
Đặc biệt, người này gây "sốc" khi khẳng định: Anh nhận thấy rằng đa số phụ huynh không ủng hộ việc dạy/học thêm có con em ở mức trung bình, yếu, thậm chí là cá biệt. Một số phụ huynh không ủng hộ vì biết con mình giỏi, muốn con có lợi thế hơn hẳn so với các bạn khác nên không muốn mở các lớp dạy thêm.
Nhiều phụ huynh khác không muốn cho con đi học vì sợ tốn kém, tốn thêm chi phí ngoài luồng nên cũng ủng hộ. Bên cạnh đó thì cũng có nhiều phụ huynh thấy con mình đi học không tiến bộ thì đổ lỗi cho giáo viên là tư lợi, dạy thêm để kiếm tiền chứ không có hiệu quả, không đi học thêm sẽ bị "đì đọt",...
Theo anh, phụ huynh phải tự nhìn nhận lại xem con mình liệu đã có nền tảng tốt chưa? Có khả năng tự học không? Có ý thức ở nhà và cả trên trường hay không? Học lực có ổn định không? Nếu đủ tất cả những điều ấy mà điểm vẫn thấp hơn các bạn thì phụ huynh có quyền nghi ngờ giáo viên "đì đọt" con em mình.
"Vì thiểu số mà làm ảnh hưởng đến bao nhiêu người khác"
Người này khẳng định, có rất nhiều đứa trẻ hư, quậy phá, học hành chểnh mảng, đã vậy lại còn vô lễ với giáo viên và có thái độ hống hách, coi thường người khác vì cha mẹ hậu thuẫn phía sau.
Những phụ huynh có con như vậy thường rất hay đổ lỗi cho những điều mà vốn dĩ xuất phát từ chính đứa trẻ ấy. Con học dở thì bảo do cô không biết dạy; con hư đốn thì bênh vực con bất chấp, con lười học ham chơi thì không bảo ban được con. Dần dà thấy con đi học thêm ngoài giờ không hiệu quả lại nảy ra những suy nghĩ như là cô thu tư lợi cá nhân, không học thêm thì bị "đì đọt",...
" Những đứa trẻ khác có nhu cầu học tập thêm, có nhu cầu phát triển bản thân hơn vì nó ý thức được giá trị của việc học thì giờ lại phải tìm đến những trung tâm dạy học với cái giá cao, đánh thẳng vào tài chính của các bậc phụ huynh như tôi, thay vì có thể được học với chính giáo viên dạy ở trên trường trên lớp", người này nói tiếp.
Phụ huynh này khẳng định, mình không ủng hộ những việc lợi dụng dạy học thêm để "đì" các em không học, anh cũng không ủng hộ việc đi học thêm để "mua điểm" trên trường. Nhưng giáo viên cũng bán thời gian, bán chất xám để kiếm tiền chứ không đi xin, không đi nài nỉ, có cầu thì ắt phải có cung, có người muốn học thì mới có người dạy.
"Thật đáng buồn thay, vì thiểu số mà làm ảnh hưởng đến bao nhiêu người khác. Thay vì tố cáo cái sai trái thì các phụ huynh đây lại muốn dẹp bỏ đi nguồn tri thức của rất nhiều cháu khác; muốn một sự công bằng vốn dĩ không tồn tại về cho con mình; muốn người khác phải mất thêm chi phí và muốn triệt hạ luôn nguồn thu nhập bổ sung của người khác nhưng lại nhận được rất nhiều sự đồng thuận", anh gay gắt.
Các giáo viên phải phấn đấu để làm sao học sinh tự tìm đến mình, một cách tự nguyện
Phản hồi lại những quan điểm của phụ huynh này, một số người cho rằng, Thông tư 29 không cấm việc dạy thêm học thêm - chỉ giới hạn việc giáo viên dạy lớp nào thì không dạy thêm học sinh chính mình dạy trên lớp. Mặc dù không có phương án nào hoàn hảo nhưng trên tổng thể để đảm bảo tính khách quan thì họ ủng hộ phương án này.
"Các giáo viên phải phấn đấu để làm sao học sinh tự tìm đến mình, một cách tự nguyện - đó là sân chơi văn minh cho cả người dạy và người học. Và chắc hẳn các bạn/bố mẹ đều sẽ có quyền tìm giáo viên mà họ tin tưởng sẽ giúp con học tốt lên", một người nói.
Trên thực tế, tiêu cực trong dạy thêm, học thêm là vấn đề được nói đến rất nhiều từ trước đến nay, như: Giáo viên tìm cách ép học sinh học thêm; nếu học sinh không học thêm sẽ bị trù dập...
Nhiều người cũng nhìn nhận, việc học thêm là nhu cầu chính đáng của mỗi gia đình, khi họ cần bổ trợ thêm kiến thức cho con cái. Tuy nhiên, cũng không nên quá phụ thuộc vào việc học thêm và tránh tư duy có đi học thêm mới giỏi. Giáo viên sẽ luôn là người chủ động, tạo ra nhiều phương pháp học để các em có thể tiếp thu ngay kiến thức ở trên lớp, với các học sinh còn chậm trong việc tiếp nhận kiến thức thì việc tham gia học thêm cũng là điều tốt.
Điều quan trọng là làm sao nâng cao chất lượng dạy thật, học thật ở ngay tại các lớp, các nhà trường, từ đó để học sinh có đủ kiến thức, tham gia lớp học tiếp theo và trải qua các kỳ thi mà không cần học thêm.
"Ai ủng hộ học thêm thì cứ ủng hộ, ai không ủng hộ thì tiếp tục. Đó là quan điểm cá nhân, bạn đừng lấy cá nhân bạn đại diện cho cộng đồng thích học thêm hay gì và ngược lại, cũng đừng so đo con nhà người ta giỏi nên không muốn con nhà người khác giỏi hơn.
Đây là suy nghĩ buồn cười và phân biệt đối xử từ ngay trong tiềm thức. Thay vì ủng hộ học thêm kiểu ép buộc hãy tạo cơ chế nâng lương cho giáo viên, đào thải những người không có tố chất và kiến thức thì đời sống giáo viên sẽ được nâng cao, đừng chỉ nhăm nhăm dạy trên lớp cho có rồi kêu thời gian chỉ có vậy, sau đó lại đầu tư ở lớp học thêm thật nhiều...", một người góp ý.