Thời sự

Ông Mai Tiến Dũng: "Tôi không mặc cả gì với Nguyễn Cao Trí"

Chiều 16/1, ông Mai Tiến Dũng là người cuối cùng trong số các bị cáo bị HĐXX TAND Hà Nội thẩm vấn để làm rõ cáo buộc Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. 5 phút trước khi bị xét hỏi, ông Dũng được một người xốc nách, dìu vào tòa. Giọng yếu, tay run, ông được chủ tọa cho ngồi tại chỗ để cầm micro khai báo.

Ông Dũng nói quen bị cáo Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh, từ cuối năm 2019 khi cùng tháp tùng Thủ tướng đi công tác nước ngoài. Ông Trí lần đó tham gia với tư cách đoàn của doanh nghiệp.

Ông Mai Tiến Dũng trình bày tại phần thủ tục, sáng 16/1. (Ảnh: Danh Lam).

Giai đoạn năm 2020-2021, ông Dũng khai ông Trí "liên tục qua lại" Văn phòng Chính phủ do có nhiều hoạt động liên quan tài trợ máy thở chống dịch Covid-19. Ngày 4/10/2020, Trí cầm theo đơn kiến nghị đến phòng làm việc của ông nhờ chuyển giúp.

Nội dung đơn không nằm trong lĩnh vực phụ trách song ông Dũng vẫn chuyển giúp, bút phê "chuyển vụ I". Mỗi ngày, ông thường chuyển 50-70 dạng đơn như vậy.

"Khi đó Trí nói Trợ lý Phó thủ tướng dặn rằng anh em cứ chuyển đơn giúp. Nhưng tôi bảo với bị cáo Trần Bích Ngọc (khi đó là Vụ trưởng Vụ I Văn phòng Chính phủ) đó là do Trí nói, em phải kiểm tra lại xem đúng không, không là anh em mình ăn đòn đó", ông Dũng khai và thừa nhận tại cuộc gặp này đã nhận 200 triệu đồng của ông Trí.

Lần thứ hai gặp mặt, ông Dũng khai vào 6/1/2021, tại nhà khách Hùng Vương. Hôm đó, ông Trí không mang theo đơn mà đến trình bày với ông Dũng rằng đang mua lại dự án Sài Gòn Đại Ninh ở Lâm Đồng. Trí nhờ chuyển tiếp giúp đơn và nhờ tác động "chỗ nọ, chỗ kia".

"Đến đúng hôm đấy tôi mới biết là Trí mua lại dự án. Tuy nhiên tôi cũng chỉ "ờ ờ cho qua" chứ không nhờ vả, tác động gì với ai", ông Dũng khai tại phiên tòa.

Khi chủ tọa hỏi về nhận thức liên quan các sai phạm, ông Dũng thừa nhận hành vi của mình là sai, xin nhận trách nhiệm trước lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và nhân dân. Ông nói "không mặc cả hay thỏa thuận gì" và 200 triệu đồng do ông Trí "tự cho".

Cuối phần xét hỏi chiều nay, ông trình bày: "Tôi đi bộ đội thiếu sinh quân từ năm 14 tuổi và cũng chưa bị kỷ luật lần nào. Đến thời điểm bị bắt chỉ còn 3 tháng nữa là tròn 50 năm công tác. Bố là thương binh già yếu, bản thân tôi cũng yếu lắm rồi nên mong tòa xem xét cho được hưởng khoan hồng".

Ông Mai Tiến Dũng đội mũ, đeo khẩu trang được người thân dìu, che chắn rời tòa. (Ảnh: Phạm Dự).

VKS cáo buộc ông Trí mua lại 100% cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh, chủ đầu tư siêu dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh ở huyện Đức Trọng, khi Thanh tra Chính phủ đã có kết luận 929 chỉ ra nhiều vi phạm, kiến nghị tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất.

Sau khi được Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh (đã chết) hướng dẫn cách tháo gỡ, ông Trí đã lo lót từ trung ương đến địa phương để đạt được mục đích.

Ông Trí hai lần đại diện cho Sài Gòn Đại Ninh cầm đơn ra gặp trực tiếp ông Mai Tiến Dũng để trình bày. Ông Trí đề xuất, thông qua Văn phòng Chính phủ báo cáo xin ý kiến Phó thủ tướng Thường trực chỉ đạo mạnh mẽ hơn; giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát, giải quyết.

Ngày 25/1/2021, Văn phòng Chính phủ chuyển đơn của ông Trí đến Thanh tra Chính phủ, truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Thường trực. Sau lần chỉ đạo thứ hai này, ông Minh ký quyết định thành lập tổ công tác giải quyết kiến nghị của Công ty Sài Gòn Đại Ninh không đúng pháp luật. Hành vi này đã tạo tiền đề cho hàng loạt sai phạm trong việc điều chỉnh, sửa đổi kết luận thanh tra, cho dự án Đại Ninh được gia hạn, giãn tiến độ trái pháp luật.

Quá trình gặp gỡ, ông Trí gửi quà cảm ơn 200 triệu đồng cho ông Dũng và hỗ trợ 380 triệu đồng tiền mua quà lưu niệm là bộ ấm chén cho lễ kỷ niệm của Văn phòng Chính phủ. Bị can Dũng đã phối hợp với gia đình nộp 580 triệu đồng để khắc phục.

Cựu vụ trưởng nhận 50 triệu đồng vì nghĩ "chỉ là một món quà"

Tại phiên tòa chiều nay, bà Trần Bích Ngọc khai, Công ty Sài Gòn Đại Ninh có tất cả 7 đơn kiến nghị gửi đến Văn phòng Chính phủ. Trong đó 3 đơn đầu Văn phòng Chính phủ đã chuyển sang Thanh tra Chính phủ theo thẩm quyền. Hai đơn sau trùng nội dung nên lưu lại. Đơn thứ 6, 7 do có bút phê của ông Mai Tiến Dũng nên đã trình Phó thủ tướng trước khi chuyển sang Thanh tra.

"Tại sao hai đơn cuối không chuyển thẳng qua Thanh tra Chính phủ như trước mà lại phải báo cáo Phó thủ tướng?", chủ tọa truy vấn. Bà Ngọc không trả lời trực tiếp vào câu hỏi mà đáp mỗi năm Văn phòng Chính phủ nhận 20.000 - 22.000 đơn nên thông thường sẽ phân loại để chuyển theo thẩm quyền để xử lý.

Phó thủ tướng là người chỉ đạo kết luận thanh tra số 929 và theo dõi, chỉ đạo xử lý sau thanh tra. Vì liên quan kết luận thanh tra, bà mới báo cáo Phó thủ tướng trước khi chuyển đơn.

Hồi tháng 10/2024, ông Dũng dặn bà để ý xử lý đơn kiến nghị của Sài Gòn Đại Ninh. Ông Dũng còn chỉ đạo "nhớ trình Phó thủ tướng" trước khi chuyển đơn nên bà làm theo.

Cựu Vụ trưởng Trần Bích Ngọc tại tòa. (Ảnh: Danh Lam).

Suốt quá trình này, ông Trí nhiều lần gọi điện thoại giục bà Ngọc xử lý sớm đơn kiến nghị. Trong một lần gặp mặt trực tiếp hồi tháng 6/2021, bà được ông Trí đưa 50 triệu đồng. "Khi đó tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng đây là một món quà song sau này làm việc với cơ quan điều tra mới biết đó là sai phạm. Sai lầm này nó đã giày vò tôi rất nhiều. Tôi ân hận, thấy rằng nếu mình làm cẩn thận hơn đã không xảy ra", bà Ngọc phân trần.

Bà mong HĐXX xem xét thêm về bối cảnh phạm tội đang là giai đoạn giao thoa của hai Luật Thanh tra năm 2010 và 2020. Đến khi Luật Thanh tra 2020 có hiệu lực thì mới có quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục xử lý các kiến nghị, khiếu nại của tổ chức liên quan kết luận thanh tra.

Theo cáo trạng, bà Ngọc đã tham mưu, xin ý kiến và truyền đạt ý kiến của lãnh đạo Chính phủ về việc chuyển đơn, giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, giải quyết phản ánh của Sài Gòn Đại Ninh. Bà liên quan hai phiếu trình, hai văn bản của Văn phòng Chính phủ trái quy định, tạo tiền đề cho thanh tra lập tổ công tác xác minh.

Bà Ngọc bị cáo buộc còn tham mưu, đề xuất lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Chính phủ đồng thuận với kết luận thanh tra sửa đổi để cho gia hạn, giãn tiến độ dự án trái pháp luật.

Ông Dũng, bà Ngọc cùng ông Nguyễn Hồng Giang, cựu Cục trưởng Cục II Thanh tra Chính phủ, bị TAND Hà Nội xét xử với cáo buộc Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cùng vụ án, 6 người bị truy tố tội Nhận hối lộ gồm: cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp; Lê Quốc Khanh, cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 (Cục II), Thanh tra Chính phủ; Hoàng Văn Xuân, Nguyễn Nho Định, cựu Thanh tra viên chính Cục II; Nguyễn Ngọc Ánh, cựu Chánh thanh tra tỉnh Lâm Đồng.

Ông Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh, là người duy nhất trong vụ án bị truy tố về tội Đưa hối lộ.

Phiên tòa đang tiếp tục làm việc.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm