Ảnh phối cảnh vùng núi lửa băng trên sao Diêm Vương - Ảnh: NASA/AFP
Một địa hình mấp mô kỳ lạ trên Sao Diêm Vương cho thấy các núi lửa băng đã hoạt động trong thời gian khá gần đây trên hành tinh lùn này. Đây là phát hiện mới được các nhà khoa học công bố ngày 29-3.
Theo một nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Nature Communications, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận trên sau khi phân tích các hình ảnh do tàu vũ trụ New Horizons của Cơ quan vũ trụ Mỹ NASA chụp được, cho thấy phần bên trong của Sao Diêm Vương nóng hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây của giới khoa học.
Bà Kelsi Singer, một tác giả của nghiên cứu và là nhà khoa học hành tinh tại Viện nghiên cứu Tây Nam thuộc bang Colorado của Mỹ, cho biết thay vì phun dung nham lên không trung, núi lửa băng trào ra hỗn hợp sệt gồm băng và nước hoặc thậm chí có thể là một dòng chất rắn như sông băng.
Theo bà Singer, những núi lửa băng đã được phát hiện tồn tại trên một số mặt trăng giá lạnh trong Hệ Mặt Trời, tuy nhiên núi lửa băng trên Sao Diêm Vương có vẻ ngoài khác tất cả những núi lửa băng khác được nhìn thấy từ trước đến nay.
Điểm đặc biệt trên Sao Diêm Vương là một dải duy nhất rộng lớn gồm những núi lửa băng rất lớn và chúng có kết cấu độc đáo với địa hình mấp mô.
Bà Singer cho biết khó xác định chính xác những núi lửa băng này được hình thành thời điểm nào, tuy nhiên các nhà khoa học tin rằng có thể vài trăm triệu năm hoặc ít hơn. Không giống như phần lớn Sao Diêm Vương, khu vực này không có những hố va chạm, nghĩa là không loại trừ khả năng nó vẫn trong quá trình hình thành thậm chí ngày nay.
Bà Lynnae Quick, một nhà khoa học hành tinh tại Trung tâm bay vũ trụ Goddard của NASA chuyên nghiên cứu núi lửa băng, nhấn mạnh những phát hiện mới này vô cùng quan trọng. Chúng cho thấy những thiên thể nhỏ như Sao Diêm Vương, lẽ ra đã mất phần lớn nhiệt bên trong từ lâu, vẫn có thể giữ đủ năng lượng để tạo ra hoạt động địa chất trên diện rộng khá muộn trong lịch sử của thiên thể.
Bà cho rằng các phát hiện này sẽ khiến các nhà khoa học phải đánh giá lại những khả năng giữ nước lỏng trên những hành tinh nhỏ băng giá cách xa Mặt Trời.