Miền Nam có đợt mưa chuyển mùa kéo dài, hôm nay dự báo mưa còn tiếp diễn - Ảnh: LÊ PHAN
Đây là đợt mưa chuyển mùa trước đợt nắng gắt sau đó miền Nam sẽ vào mùa mưa. Miền Tây là nơi có mưa lớn nhất đêm qua. Lượng mưa đo được tại Sa Đéc là 62mm, Đức Hòa (Long An) 60,4mm, U Minh (Cà Mau) 54mm, Ô Môn (Cần Thơ) 38,8mm, các tỉnh ven biển có lượng mưa dao động 30-40mm.
Khu vực Đông Nam Bộ mưa đo được tại Long Thành (Đồng Nai) 28mm, Kà Tum (Tây Ninh) 17,8mm. Tại TP.HCM mưa lớn nhưng không kéo dài, lượng mưa đo được tại An Phú 16,4mm, Bình Chánh 17,8mm, riêng khu vực Củ Chi có mưa lớn hơn 50mm.
Do mưa nên sáng sớm tại TP.HCM trời âm u, nhiều khu vực có sương mù, trời se mát. Dự báo trong hôm nay mưa tiếp tục diễn ra vào chiều tối, một số nơi có thể có mưa sớm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Đình Quyết, phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết những cơn mưa vừa qua xảy ra ở các tỉnh miền Tây cũng bổ sung một lượng nước ngọt đáng kể cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Có những cơn mưa lên đến gần 90mm giúp cho tình trạng hạn mặn đỡ gay gắt hơn.
Những cơn "mưa vàng" này nhìn tổng thể rất tốt cho mùa màng. Người dân chỉ cần chú ý một số thời điểm như gieo hạt, cây non mới cần lên tránh những trận mưa lớn sẽ gây ảnh hưởng. Ngoài ra nhiều công trình thủy lợi ngăn mặn cũng vừa được đưa vào hoạt động giúp người dân có thể chủ động hơn trong canh tác mùa vụ.
Ông Quyết đánh giá đến giữa tháng 5 năm này, bão hoặc áp thấp nhiệt đới ít có khả năng hoạt động trên khu vực Biển Đông. Từ nửa cuối tháng 5 đến tháng 7 có khả năng xuất hiện những chủ yếu bão đầu mùa sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Miền Bắc nước ta, còn miền Nam thì xác suất ảnh hưởng thấp.
Tuy nhiên người dân Nam Bộ cần đề phòng dông, lốc, sét, mưa đá… xuất hiện nhiều với cường độ mạnh vào giai đoạn mưa chuyển mùa và đầu mùa mưa.
Sáng 29-3, thời tiết tại TP.HCM âm u, có sương mù, trời dịu mát - Ảnh: LÊ PHAN