Cỏ biển đại dương đã thải ra lượng đường tương đương 32 tỉ lon nước ngọt Coke - Ảnh: WINGS ENVIRONMENTAL
Cỏ biển tạo thành những đồng cỏ xanh mướt ở dưới đáy nhiều vùng nước ven biển trên thế giới, và là một trong những nguồn hấp thụ carbon toàn cầu hiệu quả nhất trên hành tinh.
Một km2 cỏ biển lưu trữ carbon gần như gấp đôi và nhanh gấp 35 lần so với rừng trên đất liền, theo trang SciTech Daily.
Loại đường dễ tiêu hóa và tràn đầy năng lượng
Các nhà khoa học từ Viện Vi sinh vật biển Max Planck ở thành phố Bremen (Đức) đã phát hiện cỏ biển thải ra một lượng lớn đường trong vùng sinh quyển của chúng. Nồng độ đường bên dưới cỏ biển cao hơn ít nhất 80 lần so với môi trường biển.
Tiến sĩ Manuel Liebeke, người đứng đầu nhóm nghiên cứu tại Viện Max Planck, giải thích: "Chúng tôi ước tính trên toàn thế giới có khoảng 0,6-1,3 triệu tấn đường, chủ yếu ở dạng sacaroza, trong thân rễ cỏ biển. Con số đó gần như có thể so sánh với lượng đường trong 32 tỉ lon nước ngọt Coke".
Dễ tiêu hóa và tràn đầy năng lượng, vậy tại sao đường sacaroza lại không được cộng đồng vi khuẩn khổng lồ trong sinh quyển cỏ biển tiêu thụ?
Tác giả Maggie Sogin cho biết những gì các nhà nghiên cứu nhận ra là cỏ biển giống như nhiều loài thực vật khác, chúng giải phóng các hợp chất phenolic vào trầm tích của chúng.
Rượu vang đỏ, cà phê và trái cây chứa nhiều phenol và được nhiều người xem là chất bồi bổ sức khỏe. Ít ai biết được phenol là chất kháng khuẩn và ức chế sự trao đổi chất của hầu hết các vi sinh vật.
Trong thí nghiệm của mình, các nhà nghiên cứu đã thêm phenol được phân lập từ cỏ biển vào các vi sinh vật trong thân rễ cỏ biển - và thực sự, lượng đường sacaroza được tiêu thụ ít hơn nhiều so với khi không có phenol.
Tại sao cỏ biển tạo ra một lượng lớn đường như vậy, sau đó chỉ thải vào sinh quyển của chúng?
Bà Nicole Dubilier, giám đốc Viện Max Planck, chuyên gia về vi sinh vật biển, giải thích: "Cỏ biển tạo ra đường trong quá trình quang hợp. Trong điều kiện ánh sáng trung bình, những cây này sử dụng hầu hết đường để tự tăng trưởng. Tuy nhiên, trong điều kiện ánh sáng cao, chẳng hạn như vào giữa trưa hoặc trong mùa hè, cây sản xuất nhiều đường hơn mức chúng có thể sử dụng hoặc dự trữ. Sau đó, chúng giải phóng lượng sacaroza dư thừa vào thân rễ. Hãy coi hoạt động này như một van xả tràn".
Môi trường sống nguy cấp
Đồng cỏ biển dưới đại dương là một trong những môi trường sống bị đe dọa nghiêm trọng nhất trên hành tinh của chúng ta.
Tiến sĩ Liebeke và các đồng nghiệp tính toán nếu đường sacaroza trong thân rễ cỏ biển bị vi khuẩn phân hủy, ít nhất 1,54 triệu tấn CO2 sẽ được thải vào khí quyển trên toàn thế giới. Con số đó gần tương đương với lượng CO2 thải ra từ 330.000 chiếc ô tô trong một năm.
Cỏ biển đang suy giảm nhanh chóng ở tất cả các đại dương. Thiệt hại hằng năm ước tính lên tới 7% tại một số địa điểm, tương đương với sự mất mát của các rạn san hô và rừng mưa nhiệt đới.
Có đến 1/3 cỏ biển trên thế giới đã biến mất.