Chứng khoán

Cổ đông hỏi tại sao cổ phiếu BCG xuống thấp mà lãnh đạo không mua, Chủ tịch Nguyễn Hồ Nam nói: Hiện Công ty có đến 37.000 cổ đông và chúng tôi cũng không phải trader!

Sáng ngày 6/5, CTCP Bamboo Capital (BCG) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 bằng hình thức trực tuyến.

Đáng chú ý, Đại hội đã thống nhất đổi tên công ty thành CTCP Tập đoàn Bamboo Capital. Mục đích nhằm tạo thuận lợi cho quá trình kết nối với đối tác, khách hàng khi giao dịch và kinh doanh theo định hướng phát triển của Công ty trong giai đoạn mới.

Ghi nhận sau hơn 10 năm thành lập, BCG đã trở thành tập đoàn đa ngành với 78 công ty thành viên và công ty liên kết, hơn 2.000 nhân sự. Tập đoàn hiện kinh doanh trên 7 lĩnh vực chính gồm: Năng lượng tái tạo, Xây dựng - Hạ tầng, Bất động sản, Sản xuất - Thương mại, Tài chính - Bảo hiểm, Dịch vụ quản lý và phân phối bất động sản, và Dược phẩm.

Về kinh doanh, BCG đã thống nhất kế hoạch doanh thu năm 2022 vào mức 7.250 tỷ đồng, tăng 280% so với thực hiện 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 220%. Ngoài ra, Công ty cũng thông qua việc trả cổ tức 2021 tỷ lệ 10%, gồm 5% tiền mặt và 5% cổ tức.

Nhằm huy động vốn cho hoạt động, Công ty còn lên kế hoạch phát hành hơn 266 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1 với giá 10.000 đồng/cp. Ngoài ra, BCG cũng lần đầu tiên phát hành cổ phiếu theo hình thức bán đấu giá 250 triệu cổ phần ra công chúng. Giá chào bán khởi điểm bằng tối thiểu 70% giá tham chiếu bình quân của 60 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán của cổ phiếu BCG tính đến ngày công ty ra nghị quyết chào bán.

Cùng với 25,3 triệu cổ phiếu trả cổ tức và 5 triệu cổ phiếu ESOP, tổng giá trị cổ phần BCG dự kiến phát hành trong năm 2022 tính theo mệnh giá là 5.183 tỷ đồng. Như vậy, sau khi hoàn tất các đợt phát hành, vốn điều lệ của BCG sẽ tăng từ 5.033 tỷ đồng lên khoảng 10.500 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo BCG, nếu thực hiện tốt việc huy động vốn trong năm 2022, BCG sẽ có thêm nguồn lực để tạo ra doanh thu và lợi nhuận cao hơn, tạo ra giá trị lớn hơn cho cổ đông. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 năm tới mà HĐQT BCG đã xây dựng. Theo kế hoạch này, BCG sẽ đạt mức lợi nhuận sau thuế hơn 10.000 tỷ đồng vào năm 2026.

Sau khi tăng vốn thành công, BCG sẽ góp 5.000 tỷ đồng vào BCG Financial nhằm tăng vốn cho Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA, chuẩn bị nguồn lực cho Bảo hiểm AAA tăng tốc trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, phát triển thêm các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nhằm mang về doanh thu đột phá, hướng đến mục tiêu niêm yết trong 3 năm tới.

Thông qua BCG Financial, BCG cũng sẽ đầu tư thêm mảng fintech của Công ty Bamboo ID để phát triển ứng dụng ngân hàng số, đầu tư dài hạn vào mảng ngân hàng và M&A các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính.

Về nhân sự, Đại hội đã thông qua đơn miễn nhiệm thành viên HĐQT của ông Khuất Tuấn Anh và bầu bổ sung ông Nguyễn Tùng Lâm vào HĐQT BCG nhiệm kỳ 2022-2026.

Thảo luận tại Đại hội

1. Chính sách ESOP của BCG hiện nay là 10% trên tổng lợi nhuận sau thuế, như vậy có quá cao hay không?

Ông Nguyễn Hồ Nam: Để hài hòa quyền lợi của cổ đông, tập đoàn và cán bộ đang làm việc tập đoàn, hàng năm HĐQT có xin trích thưởng cho các cán bộ lãnh đạo có đóng góp lớn cho tập đoàn bằng hình thức ESOP. Chúng tôi rất cân nhắc khi thực hiện. Năm 2019, chúng tôi xin trích thưởng 10% và được duyệt nhưng qua năm 2020 chúng tôi không phát hành.

Năm ngoái đại hội cũng thông qua tờ trình xin trích thưởng với với tỷ lệ tuyệt đối, căn cứ theo đó có thể trích thưởng 10% cho cán bộ chủ chốt để gắn kết cán bộ với tập đoàn. Tuy nhiên, khi HĐQT bàn bạc thấy rằng tập đoàn cần nguồn vốn triển khai các hoạt động sắp tới nên chúng tôi chỉ xin trích thưởng 5%. Đây là chính sách giúp tạo động lực cho cán bộ nhân viên gắn bó với công ty, đưa công ty phát triển hơn.

2. Đòn bẩy tài chính của công ty đang khá cao, có tới 9.000 tỷ là nợ trái phiếu, điều này có gây ra rủi ro hay không?

Ông Nguyễn Hồ Nam: BCG cũng phát hành trái phiếu trung và dài hạn để triển khai các dự án năng lượng và bất động sản, chúng tôi sử dụng đơn vị tư vấn là các công ty chứng khoán uy tín để đảm bảo công tác phát hành tuân thủ các quy định pháp luật. Nợ trái phiếu của BCG là 9.000 tỷ nhưng tổng tài sản hơn 40 ngàn tỷ, vốn tự có hơn 8.000 tỷ đồng, đây là cơ cấu tài chính an toàn với số lượng trái phiếu này.

Ý thức trong thời gian vừa qua BCG phát triển rất nhanh, nên chúng ta huy động vốn mọi kênh trong nước để thực hiện dự án và đang cố gắng cải thiện cơ cấu tài chính, giảm tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu. Trong năm 2021, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu đã giảm xuống còn 3,51 lần, và đến tại thời điểm cuối quý 1/2022 đã giảm xuống còn 2,72 lần. Trong năm nay, công ty sẽ nỗ lực giảm tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu về dưới 2 và tương lai gần là về dưới 1.Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cũng được BCG giảm liên tục vào thời gian qua. Hiện nay tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 2,75 và sẽ còn giảm xuống dưới 2 trong năm 2022. Khi một doanh nghiệp có tổng tài sản ngày càng cao thì số nợ cũng sẽ tăng theo. Nguyên tác quản trị tài chính là không thể chỉ nhìn vào con số nợ tuyệt đối để đánh giá mà phải nhìn vào đòn cân nợ, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu có hợp lý và an toàn hay không.

3. Những quy định và dự thảo sửa đổi mới về doanh nghiệp phát hành và người mua trái phiếu có ảnh hưởng thế nào đến hoạt động của công ty khi hiện tại đây đang là kênh huy động khá nhiều vốn cho công ty?

Ông Nguyễn Hồ Nam: Trong thời gian qua có rất nhiều thông tin trái phiếu về thị trường trái phiếu gây nhiều hoang hoang cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong buổi hội thảo của Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp và các bộ, ngành mới đây thì những quan điểm và thông điệp về thị trường trái phiếu đã gần như rất rõ ràng.

Việt Nam đang là nền kinh tế đang phát triển, do đó cần phải có bệ đỡ một thị trường tài chính ổn định, vững mạnh. Thị trường tài chính bao gồm thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Tuy nhiên, thời gian qua khung pháp lý chưa được ổn định nên có trường hợp "con sâu làm rầu nồi canh" cho nên sắp tới không phải là siết hay "hủy diệt" thị trường trái phiếu mà tạo ra khung pháp lý để thị trường trái phiếu được phát triển an toàn và lành mạnh hơn.

Với BCG, trong thời gian qua công ty vẫn phát hành trái phiếu trung và dài hạn để huy động nguồn vốn. Trong đó, 90% nguồn vốn huy động để sử dụng cho các dự án năng lượng, còn lại là bất động sản. Như vậy, khi phát hành công ty đã thuê các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.

Thời gian tới, nếu khung pháp lý về thị trường trái phiếu được ban hành, thì việc phát hành của các doanh nghiệp trong đó có BCG phải tuân thủ theo quy định mới. và đây là kênh hiệu quả được khuyến khích để huy động nguồn vốn nhàn rỗi.

4. Công ty có thể giảm số lượng phát hành đấu giá xuống hoặc nâng giá lên được không? 

Ông Nguyễn Hồ Nam: Công ty quyết định tăng vốn để đảm bảo tính an toàn, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng với đó đảm bảo lợi ích cho cổ đông. Doanh nghiệp cũng lo ngại rằng nhiều người sẽ không có điều kiện để thực hiện quyền mua cổ phiếu trong đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu nên công ty đã đưa thêm phương án phát hành đấu giá. Việc đấu giá có thể thu hút cả cổ đông hiệu hữu lẫn cổ đông mới. Trong quá trình triển khai tập đoàn sẽ cân nhắc chọn thời điểm để hiệu quả mang lại nhiều nhất cho các bên. Mức giá sẽ phụ thuộc vào giá thị trường nên HĐQT sẽ triển khai vào thời điểm thích hợp nhất với giá tốt nhất.

Bamboo Capital chưa xác định sẽ đấu bán số cổ phiếu trên cho ai nhưng công ty sẽ làm việc với một số nhà đầu tư chiến lược, giới thiệu cho họ để có được mức giá tốt nhất.

5. Việc hai dự án dự án điện gió Khai Long 2&3 có một số bài báo nói chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, việc này có ảnh hưởng gì đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của mảng năng lượng tái tạo không?

Ông Phạm Minh Tuấn: Do năm 2021 dịch bệnh kéo dài nên thủ tục đầu tư đã bị kéo dài hơn dự kiến. Công ty đang làm việc với các cơ quan chức năng và chính quyền tỉnh Cà Mau thực hiện xin chấp thuận đầu tư. Việc này sẽ không ảnh hưởng đến tiến độ như công ty dự tính. Đối với dự án này Bamboo Capital đang thương thảo hợp đồng EPC để triển khai đóng cọc đại trà.

6. Dự án Malibu Hội An liên tục bị lùi thời hạn bàn giao, liệu công ty có thể bàn giao dự án này trong năm nay không?

Ông Nguyễn Hồ Nam: Công ty triển khai dự án này khi mà dịch bệnh Covid-19 bùng phát, công trường bị đóng lại, công nhân không làm việc gây phát sinh nhiều chi phí. Đó là những ảnh chung trên toàn đất nước. Công ty đã chấp nhận tăng chi phí, tăng cường nhân lực để triển khai dự án nhanh chóng. Khối khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng Bamboo Capital đã bán hàng xong nên doanh số không bị ảnh hưởng. Tiến độ bị chậm hơn 9 tháng do tính khách quan và doanh nghiệp phải bổ sung nguồn vốn để tăng tốc về đích. Cuối tháng 8 năm nay khối khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng có thể đưa vào vận hành. Phần biệt thự đã ngừng công tác bán hàng và đang được thục đẩy lại việc xây dựng và có thể hoàn thành trong quý I năm sau. Tuy nhiên biệt thự bây giờ giá đang lên cao nên doanh thu từ đây có thể bù đắp lại những tổn thất đã xảy ra.

7. Bamboo Capital giảm sở hữu tại BCG Land xuống, vậy bên nào là bên nhận số cổ phần còn lại? 

Ông Nguyễn Hồ Nam: Sau khi IPO thì tập đoàn chỉ còn nắm 51% BCG Land, những đơn vị tham gia mua cổ phiếu BCG Land trong thời gian tới sẽ là cổ đông mới sau khi niêm yết.

8. Tại sao tập đoàn lại chuyển nhượng dự án Malibu Hội An cho BCG Land? 

Ông Nguyễn Hồ Nam: Malibu Hội An được triển khai xây dựng khi chưa có BCG Land, sau khi cấu trúc lại thì tập đoàn đã giao mảng bất động sản cho BCG Land quản lý nên cũng chuyển dự án trên cho đơn vị này. Trong tương lai quyền lợi tại Malibu Hội An sẽ được chia sẻ thêm cho các cổ đông khi công ty con quản lý mảng bất động sản của tập đoàn IPO.

9. Dự án Amor Garden chuyển nhượng cho R&H Vinahud thì liệu có xảy ra xung đột lợi ích hay không?

Ông Nguyễn Hồ Nam: Đây là dự án gần với Malibu. Trước đây BCG Land tham gia với tỷ lệ 51%., đối tác R&H nắm 49%. Tại Hội An công ty đã có 3 dự án, nên tập đoàn đã quyết định thoái vốn đầu tư vào dự án Hội An Dor - một cơ hội tốt hơn. Bamboo Capital vẫn hỗ trợ công tác quản lý, xây dựng, pháp lý cho dự án nên Vinahud muốn mời tập đoàn tham gia góp vốn. Vì vậy ông Nam đã tham gia 10% vào R&H để thể hiện thiện chí hỗ trợ dự án Amor Hội An. Đây cũng là cơ hội cho Tracodi - đơn vị thành viên của Bamboo Capital, nhờ hợp tác với R&H mà Tracodi trở thành tổng thầu nhiều dự án của Vinahud tại khu vực miền Bắc và miền Trung.

10. Công ty đã công bố sở hữu 90% cổ phần tại Tipharco vậy tại sao trong báo cáo hợp nhất quý I lại không thấy ghi nhận doanh thu lợi nhuận của đơn vị này?

Ông Nguyễn Hồ Nam: Trải qua đại dịch, y tế của chúng ta đã bộ lộ nhiều hạn chế. Vì vậy, công ty thấy đây là cơ hội lớn vì nhu cầu lớn của thị trường trong lớn nên đã có những mối quan tâm nhất định. Tuy nhiên, Bamboo Capital chưa có nhiều hiểu biết về ngành này nên đầu tư lớn sẽ mang lại rất nhiều rủi ro. Vì vậy, công ty sẽ tham gia với mức độ an toàn với Tipharco. Ông Nam đã tham gia M&A vào Tipharco trước đây khi có một cổ đông lớn của công ty dược này đã thoái vốn với mức giá hợp lý nên tập đoàn đã quyết định mua lại hơn 20% tại đây với rất giá hợp lý. Ông Nam cùng Bamboo Capital và nhóm cổ đông đang nắm giữ 90% cổ phần Tipharco sẽ từng bước phát triển đơn vị này khi có đủ nguồn lực và kiến thức.

11. Thị trường trái phiếu bất động sản đang bị siết chặt, điều này có gì ảnh hưởng đến Bamboo Capital không? 

Ông Phạm Minh Tuấn: Siết chặt trái phiếu bất động sản không có gì đáng ngại với tập đoàn vì việc này đang làm trong sạch thị trường, làm giảm rủi ro các nhà đầu tư. Đối với Bamboo Capital, công ty luôn tuân thủ theo pháp luật, các dự án phát hành trái phiếu thì toàn là những dự án có lợi nhuận cao và có phương án trả nợ rõ ràng nên vẫn sẽ hấp dẫn với nhà đầu tư. Việc siết chặt trái phiếu bất động sản chỉ gia tăng tính minh bạch, hỗ trợ tập đoàn phân định những nhà phát hành, phương án phát hành không rõ ràng để mang lại hiệu quả tối đa.

12. Kế hoạch lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ trong các năm tới là bao nhiêu? 

Ông Phạm Minh Tuấn: Năm 2022 sẽ rơi vào khoảng 1.300 tỷ đồng, năm 2023 là 1.600 tỷ đồng, năm 2024 là 2.300 tỷ đồng, năm 2025 sẽ là 3.500 tỷ đồng và 2026 sẽ đạt mức 5.100 tỷ đồng. Tập đoàn phát triển các dự án trên phương án là M&A. Khi mà phát triển nhanh chóng công ty muốn có những đối tác chiến lược. Doanh nghiệp khi M&A đều sẽ đứng ra nắm chi phối dự án, các đối tác sẽ cùng quản lý hoặc sử dụng nguồn lực của có sẵn của họ để đóng góp. Nếu Bamboo Capital được chấp thuận tăng vốn hơn nữa thì có thể tự triển khai được các dự án lớn mà không cần đối tác.

13. Kế hoạch tăng vốn hàng năm của Bamboo Capital sẽ như thế nào? 

Ông Nguyễn Hồ Nam: Công ty sẽ huy động vốn từ nhiều nguồn trong giai đoạn 2022-2026. Dự kiến vốn chủ sở hữu trong năm 2023 sẽ là 29.000 tỷ đồng, 2024 sẽ là 40.000 tỷ đồng, 2025 là 47.000 tỷ đồng và 2026 là 56.000 tỷ đồng. Vào năm 2026, tổng tài sản công ty sẽ rơi vào khoảng 128.000 tỷ đồng. Trong các năm tới, công ty sẽ ưu tiên vốn chủ sỡ hữu sẽ tăng lên bằng cách giữ lại lợi nhuận để thực hiện sản xuất kinh doanh hơn là phát hành mới.

14. Tại sao cổ phiếu xuống thấp mà lãnh đạo công ty không mua thêm vào?

Ông Nguyễn Hồ Nam: Hiện tại công ty là đơn vị đại chúng, có khoảng 37.000 cổ đông. Những người sáng lập đều đang là thành viên HĐQT công ty, đều đang nắm số lượng cổ phần lớn nên luôn cam kết đi cùng Bamboo Capital trên chặng đường dài nên việc mua bán cổ phiếu sẽ không phải ưu tiên, chúng tôi không phải là trader trên thị trường chứng khoán. Các thành viên HĐQT sẽ tập trung điều hành, quản trị rủi ro và tìm ra những giải pháp để phát triển tập đoàn để đưa tập đoàn đi lên.

Cổ đông hỏi tại sao cổ phiếu BCG xuống thấp mà lãnh đạo không mua, Chủ tịch Nguyễn Hồ Nam nói: Hiện Công ty có đến 37.000 cổ đông và chúng tôi cũng không phải trader! - Ảnh 1.

15. Khoản mục phải thu ngắn và dài hạn của công ty là rất lớn, đặc biệt là khoản thu khác. Việc những khoảng phải thu lớn này có làm tăng rủi ro, hình thành nợ xấu, mất thanh khoản khiến công ty phải tăng trích lập dự phòng hay không?

Ông Nguyễn Hồ Nam: Đây là câu hỏi rất hay, nhân cơ hội này tôi xin trả lời rõ, do đặc thù riêng kinh doanh riêng của của Tập đoàn nên khoản phải thu rất lớn. Các khoản này đến từ 3 mảng:

Thứ nhất là mảng bất động sản, giá trị bán hàng của chúng ta rất lớn nhưng theo nguyên tắc kế toán, chỉ khi xây dựng xong và bàn giao thì khoản mục này mới được ghi nhận vào doanh thu. Tài sản chúng ta đang nắm giữ là các căn hộ, các bất động sản chúng ta đang nắm giữ nên nếu sau khi hoàn thành xây dựng mà khách hàng không tiếp tục thanh toán hết thì ta có thể thanh lý hợp đồng và bán cho khách hàng khác, không phải lo mất thanh khoản.

Mảng thứ 2 phải thu là do công ty có khối lượng xây dựng rất lớn, đặc biệt là mảng bất động sản trong các dự án năng lượng có quy mô lớn, công ty phải ứng trước 30-40% nên phải hoạch toán là khoản phải thu. Khi mà các dự án đi vào hoạt động, nghiệm thu xong rồi thì khoản phải thu này sẽ chuyển thành tài sản, đó không còn là các khoản phải thu nữa.

Mảng thứ 3 phải thu là do hoạt động M&A, khi mua các dự án, Chúng ta đang nắm quyền sở hữu dự án đó nhưng chỉ mới trả 50-70% tiền dự án, chờ đối tác hoàn thiện thủ tục pháp lý chúng ta mới thanh toán phần còn lại. Khi nào xong thủ tục pháp lý, chúng ta sẽ thanh toán tất cả tiền mua dự án cho đối tác và các khoản phải thu này sẽ duoc hoạch toán vào doanh thu, vào tài sản công ty.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm