Thông tin nêu bởi ông Lê Ngọc Sơn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại khai mạc sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Techconnect and Innovation Viet Nam 2023.
Với chủ đề "Đổi mới công nghệ, chuyển dịch năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước", ông Sơn nêu lên tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong bối cảnh ngành công nghiệp 4.0 cùng chiến lược thực tế tại Petrovietnam.
Ông Ngọc Sơn nhấn mạnh, toàn cầu hiện đối mặt với nhiều thách thức lớn về biến đổi khí hậu, đến từ tác động tiêu cực của việc sử dụng năng lượng hóa thạch. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế năm 2023, nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng 4% so với năm 2019; nhưng năng lượng hóa thạch chỉ đáp ứng được 55% nhu cầu, trong khi năng lượng tái tạo và hạt nhân sẽ chiếm 45%. Điều này có nghĩa, các công ty dầu khí sẽ phải đối mặt với sự suy giảm nguồn cung, giảm giá dầu mỏ, gia tăng áp lực để giảm thiểu tác động môi trường.
Trong bối cảnh đó, các công ty dầu khí trên thế giới đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ để thích ứng và phát triển bền vững, tập trung vào hai giải pháp chính: đổi mới công nghệ, chuyển dịch năng lượng.
Còn với công ty dầu khí quốc gia ở các nước đang phát triển, chưa đủ nguồn lực, năng lực cũng như cơ hội như công ty quốc tế, làm sao để tồn tại và phát triển trong môi trường đầy thách thức? Lời giải mà ông Sơn đưa ra, vẫn là đổi mới công nghệ và chuyển dịch năng lượng. "Giải pháp này không chỉ khả thi, mà còn có lợi cho các công ty dầu khí quốc gia. Tuy nhiên, lại không hề dễ dàng thực hiện, và đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực cũng như đầu tư", ông nói.
Đối với Petrovietnam, trong vai trò công ty dầu khí quốc gia luôn đặt mục tiêu phát triển gắn liền với mục tiêu chung của quốc gia. Tập đoàn đưa ra kế hoạch: tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15-20% vào năm 2030 và 25-30% vào năm 2045; giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng đạt 15% năm 2030 và 20% năm 2045; năng lực nhập khẩu LNG đạt 8 tỷ m3 năm 2030 và 15 tỷ m3 năm 2045...
Để thực hiện được các mục tiêu này, đơn vị xây dựng chiến lược tổng thể phát triển bền vững đến năm 2045. Chiến lược chú trọng vào đổi mới công nghệ và chuyển dịch năng lượng qua năm giải pháp.
Đầu tiên, Petrovietnam tăng cường thăm dò khai thác và phát triển mỏ nhằm tận dụng lợi thế về thời gian để tận thu tối đa nguồn năng lượng hóa thạch. Tiếp theo, hoạt động sản xuất kinh doanh tối ưu hóa nhằm phát triển liên kết bền vững, kết nối các lĩnh vực, đơn vị thành viên. Đơn vị tận dụng thế mạnh về năng lực, công nghệ và hạ tầng nhằm triển khai dự án chuyển dịch năng lượng, đem lại hiệu quả toàn chuỗi, nâng cao nội lực từ đó phát triển ngành năng lượng.
Quỹ phát triển khoa học công nghệ được sử dụng hiệu quả nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và ứng dụng thực tiễn của các dạng năng lượng mới, năng lượng sạch. Quy trình sản xuất áp dụng chuyển đổi số để cải thiện hiệu quả hoạt động, giảm chi phí, tiến gần mục tiêu giảm phát thải môi trường.
Petrovietnam cũng đa dạng hóa hoạt động kinh doanh thông qua đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng sạch như: năng lượng tái tạo - điện gió ngoài khơi; nhiên liệu sạch hydro, ammonia; công nghệ thu hồi, vận chuyển, lưu trữ và sử dụng carbon.
Cuối cùng, đơn vị xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cao, nắm bắt xu thế chuyển dịch năng lượng để dẫn dắt, định hướng, triển khai dự án về chuyển dịch năng lượng. Song song, tập đoàn tập trung vào việc nâng cao năng lực quản trị và quản lý doanh nghiệp, quản trị các yếu tố biến động, rủi ro, đảm bảo hoàn thành kế hoạch dài hạn gắn liền với mục tiêu, cam kết quốc gia về biến đổi khí hậu - phát triển bền vững.
Khép lại phần trình bày, ông Sơn phân tích, đổi mới công nghệ và chuyển dịch năng lượng không chỉ là yêu cầu bắt buộc, mà còn trở thành cơ hội cho các công ty dầu khí tồn tại, phát triển trong môi trường nhiều thách thức ngày nay.
"Tôi tin rằng với tầm nhìn, chiến lược dài hạn, cùng với các gói giải pháp, Petrovietnam có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững thông qua đổi mới công nghệ, chuyển dịch năng lượng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước", ông nhấn mạnh, khép lại phần trình bày.
Sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam diễn ra trong hai ngày 29-30/9 tại Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Chương trình được thiết kế với 7 hoạt động gồm các diễn đàn, hội nghị trao đổi thông tin về chủ đề kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo, trình diễn sản phẩm và tiêu điểm công nghệ, kết nối thúc đẩy hợp tác đầu tư, nghiên cứu. Sự kiện có sự tham gia của gần 200 gian hàng của các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.