Sau những nhịp điều chỉnh mạnh, VN-Index đã giảm mạnh về vùng đáy 3 tháng, định giá thị trường cũng hạ nhiệt đáng kể khi cả P/E và P/B đều thấp hơn mức trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh vĩ mô chưa thực sự khởi sắc, diễn biến tiếp theo của thị trường chứng khoán vẫn là một ẩn số. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT để làm rõ hơn về vấn đề này.
Sau nhiều đợt giảm mạnh, VN -Index mất xấp xỉ 10% so với đỉnh ngắn hạn, mức giảm sâu nhất kể từ đầu năm đến nay. Ông nhìn nhận như thế nào về diễn biến này?
Thị trường đã giảm tương đối mạnh kể từ đỉnh, trong đó nhiều cổ phiếu beta cao đã ghi nhận mức giảm từ 30-40%. Nguyên nhân thị trường trồi sụt đến từ bối cảnh ngoại lai khi các điều kiện kinh tế toàn cầu ủng hộ sự mạnh lên của DXY và xu hướng thắt chặt tiền tệ mạnh của Fed trong giai đoạn sắp tới. Hiện tại, các chỉ số DXY và lợi suất trái phiếu 10 năm đều tiệm cận vùng đỉnh ở các cuộc khủng hoảng tài chính nên các biến động được đẩy lên cao.
Điều này hình thành nên hai yếu tố mà nhà đầu tư quan ngại nhất là giảm lượng cung tiền và động thái hút vốn của khối ngoại. Về cung tiền, NHNN đã liên tục hút tiền về để tránh đầu cơ tỷ giá. SBV dự kiến sẽ phải tiếp tục phòng ngừa áp lực tăng từ tỷ giá trong ngắn hạn, cho đến khi có diễn biến khiến xu hướng “USD – lợi suất TPCP Mỹ dài hạn” hạ nhiệt. Bên cạnh đó, việc khối ngoại cũng liên tục rút ròng mạnh tay trong thời gian gần đây cũng tác động đến tâm lý thị trường.
Tuy nhiên, bối cảnh vĩ mô tác động không quá lớn, thị trường điều chỉnh chủ yếu do áp lực chốt lời. VN-Index đã đi lên ròng rã 6 tháng nhờ kỳ vọng, khi có những điểm xoay chiều đà bán sẽ bị kích hoạt trên diện rộng. Bên cạnh đó, hệ quả từ việc "call margin" tại một số nhóm cổ phiếu nóng cũng là nguyên nhân dẫn đến hiệu ứng domino giảm liên tiếp của thị trường chứng khoán.
Áp lực tỷ giá nếu tiếp tục gia tăng có thể gây sức ép lên chính sách tiền tệ tại Việt Nam không, thưa ông ?
Có. Trong kịch bản kém phần tích cực, nếu tỷ giá tiếp tục leo thang và tiệm cận lại đỉnh cũ thì có khả năng NHNN sẽ phải đảo chiều tăng nhẹ lãi suất thêm một lần nữa. Tuy nhiên, kể cả NHNN tăng lãi suất áp lực cũng không lớn như năm 2022. Đặc biệt, tình thế vĩ mô cũng đã đảo ngược khi FDI, thặng dư xuất khẩu, thương mại sản xuất,… khá tốt. Tuy nhiên, các xu hướng vĩ mô chính yếu vẫn đang trong quá trình xây đà, tạo động lực phát triển kinh tế bền vững giai đoạn dài hơi hơn 2024 – 2025.
Tỷ giá vẫn đang trên đà tăng mạnh
Với việc SBV đã hút ròng khoảng 100 nghìn tỷ trong vòng 10 phiên, tốc độ hút và khối lượng hút thông qua tín phiếu NHNN được dự đoán sẽ giảm nhẹ, rơi vào 10.000 – 20.000 tỷ /phiên, dư địa hút rơi vào 30.000 – 50.000 tỷ ở những thời điểm áp lực tỷ giá tăng mạnh.
Kể từ nửa cuối tháng 10, trong kịch bản USD tạo đỉnh xung quanh vùng 106 (tương ứng lợi suất TPCP ở mức đỉnh 4,6%) và đi xuống, theo kỳ vọng SBV sẽ hoàn trả lại phần lớn thanh khoản về hệ thống ngân hàng, thông qua thị trường mở. Dự kiến, thanh khoản trả về lớn hơn 100 nghìn tỷ đồng.
Với nền lãi suất được dự kiến sẽ thấp bền vững trong ngắn hạn 1 – 2 năm tới, cùng thời điểm kích tín dụng đầu tư – tiêu dùng của cả hệ thống ngân hàng sắp tới, tôi kỳ vọng xu hướng đầu tư mới giai đoạn kinh tế phục hồi – chi tiêu tiêu dùng ở khu vực tư nhân sẽ tăng tốc từ nền quý 3.
Liên tục lao dốc thủng loạt ngưỡng hỗ trợ, VN-Index đã gãy trend tăng trung và dài hạn?
Tôi cho rằng VN-Index chưa gãy trend tăng trung dài hạn. Đà tăng của chỉ số được hình thành trên nền lãi suất rẻ và cung tiền nhiều. Đà giảm của thị trường trong ngắn hạn có phần phản ứng thái quá về mặt tâm lý, song điều này không quá đáng ngại. Thị trường vẫn còn yếu tố tích cực dẫn dắt đà tăng trong thời gian tới:
(1) Chính sách đầu tư công đẩy mạnh trong những tháng cuối năm. Với mục tiêu hỗ trợ kinh tế tối đa được cam kết xuyên suốt trong chỉ đạo của Chính phủ, có thể thấy dư địa tài khóa là rất lớn với ý chí quyết tâm cao của thượng tầng. Trọng điểm về giải ngân đầu tư công sẽ được tập trung trong các tháng cuối năm.
(2) Kỳ vọng chính sách tiền tệ nới lỏng – lãi suất rẻ thẩm thấu tối đa. Trong quý 4, tôi kỳ vọng một lượng lớn tiền gửi với mức lãi suất cao (từ giai đoạn căng thẳng thanh khoản 4Q2022) từ cả 2 khu vực tiền gửi ngân hàng – trái phiếu doanh nghiệp sẽ được hoàn trả về hệ thống thanh khoản với mức lãi suất thấp hơn, góp phần thúc đẩy xu hướng lãi suất tiền gửi – cho vay giảm bền vững trong ngắn hạn – trung hạn.
(3) Thẩm thấu vào hoạt động các doanh nghiệp. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy một vài chỉ số vĩ mô đang có manh nha dấu hiệu phục hồi, sang đến quý 4/2023 sẽ có sự hồi phục rõ ràng hơn.
Tôi cho rằng đây sẽ là những yếu tố giữ dòng tiền nhà đầu tư ở lại thị trường. Thêm vào đó, trong thời điểm hiện tại, dòng tiền rút ra khỏi chứng khoán cũng không biết để vào đâu khi kênh bất động sản, tiền gửi vẫn ảm đạm.
Trong ngắn hạn, nhiều nhận định cho rằng thị trường đang rơi vào trạng thái “cưa chân bàn”. Đâu là vùng cân bằng của chỉ số?
Thị trường cần chiết khẩu khoảng 3-4% nữa để tìm lại vùng cân bằng. Thị trường có thể bật lên tại vùng P/E quanh mức 13 lần, kỳ vọng tại ngưỡng 1.080 điểm.
VN-Index đã mất xấp xỉ 10% so với đỉnh ngắn hạn
Nhiều ý kiến cho rằng t hời điểm thị trường hoảng loạn là cơ hội mua vào tốt nhất. Nhà đầu tư có nên “tham lam khi người khác sợ”?
Thị trường vào giai đoạn ảm đạm, tâm lý nhà đầu tư hoang mang khá rõ và vô tình quên mất bản chất trọng yếu của TTCK, (1) TTCK ko phải là nơi sinh ra tiền, (2) Tiền kiếm được từ TTCK chính là dựa vào sự biến động của nó (3) TTCK là thị trường của sự kì vọng chứ ko phải của sự thoả mãn.
Tôi cho rằng thời điểm này nhà đầu tư đã có thể chọn lọc cơ hội, bởi thị trường đã xuất hiện những cổ phiếu có định giá hợp lý, P/B nhiều mã cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, ngân hàng đã về 1 lần, thậm chí dưới 1 lần.
Tuy nhiên, cần lưu ý thời "mua gì cũng thắng" đã qua đi, nhà đầu tư cần “làm bài tập nhiều hơn” vì thị trường thời gian tới sẽ vận động theo xu hướng phân hoá thay vì tăng mạnh mẽ như những tháng đầu năm.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!