Thời sự

Ớn lạnh ôtô lấn làn đường xe máy ở TP.HCM

Từ 6 - 8 giờ, 11 - 13 giờ, 17 - 19 giờ là khung giờ cấm xe tải trên 2,5 tấn, xe khách trên 25 chỗ... đi vào làn hỗn hợp.

Nguy cơ tai nạn rình rập

Cứ khoảng 17 giờ hằng ngày, dày đặc xe máy của công nhân đổ ra từ KCX Linh Trung lưu thông trên Quốc lộ 1, đoạn qua phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP HCM. Dù vậy, nhiều tài xế xe tải, xe container và cả xe khách trên 25 chỗ sẵn sàng bẻ lái tràn vào làn đường dành cho xe máy.

Bị một tiếng còi lớn dội thẳng từ phía sau, ông Nguyễn Hữu An (chạy xe ôm, ngụ TP Thủ Đức) giật mình ngoặt vội xe máy vào vệ cỏ. Chưa định thần, ông lại bị giáng thêm tiếng còi chói tai trước khi nhìn thấy bánh của xe container lừng lững tiến qua.

Thở dài, ông An cho biết làn đường dành cho xe máy vốn đã nhỏ, chỉ cần một chiếc ôtô chạy qua là chiếm hết diện tích, lúc này dòng xe 2 bánh bị đẩy vào thế "đi nhờ chạy ké" rất nguy hiểm. "Không những xe lớn lấn làn mà còn chạy rất ẩu, xem thường tính mạng người đi đường. Mỗi lần chạy xe qua đây đều thót tim, chỉ cần sơ sẩy té ngã là không biết chuyện gì sẽ đến. Cực chẳng đã tôi mới phải nhận khách chạy trên Quốc lộ 1 vào khung giờ này" - ông An nói.

Ông Nguyễn Văn Truyền (ngụ TP Thủ Đức) cũng luôn trong tâm trạng bất an mỗi khi phải chen cùng ôtô trên chính làn đường dành cho xe 2 bánh. "Rất khiếp sợ! Tôi luôn dặn mấy đứa con phải thật cẩn thận khi di chuyển trên Quốc lộ 1, phải nhìn trước ngó sau vì xe trên đường này đông, lại toàn loại lớn" - ông Truyền cảm thán.

Đoạn Quốc lộ 13 nối Quốc lộ 1 và đại lộ Phạm Văn Đồng cũng trong tình cảnh tương tự. Đây là đường 2 chiều, mỗi chiều có 3 làn xe. Làn thứ nhất dành cho xe tải, làn thứ 2 dành cho xe tải, xe dưới 25 chỗ, xe máy và làn thứ 3 dành riêng xe máy. Thế nhưng, trái với biển báo chỉ dẫn, nhiều thời điểm người đi xe máy phải vất vả chen chúc với vô số phương tiện lớn.

Ớn lạnh ôtô lấn làn đường xe máy ở TP.HCM - 1

Làn đường cho xe máy bị thu hẹp vì ôtô trên Quốc lộ 1, đoạn qua quận 12, TP HCM Ảnh: Tuyết Trinh

Chị Phạm Khánh Ngân (ngụ quận 12, TP HCM), thường xuyên di chuyển trên Quốc lộ 13 đến công ty, kể không ít lần thót tim khi đi đúng làn xe máy mà vẫn bị tiếng còi xe tải gắt gỏng phía sau vì muốn giành đường hoặc thậm chí xe tải chạy vèo qua rồi mới biết. "Đoạn Quốc lộ 13 tôi đi chỉ dài khoảng 5 km nhưng rất chật vật vì lượng xe cộ dày đặc, đường hẹp mà các tài xế xe lớn ngang nhiên chen lấn. Đi trên đoạn đường ngắn mà thấy dài bất tận vì vừa lo làm sao để không trễ giờ đón con vừa phập phồng sợ tai nạn" - chị Ngân ngao ngán.

Nhiều KCX, KCN lớn của TP HCM nằm ven trục Quốc lộ 1 hoặc cặp bên Quốc lộ 13 trong khi lượng phương tiện vận tải di chuyển qua đây rất nhiều, ngoài xe container, xe tải còn có lượng lớn xe khách, ôtô 4 chỗ... Việc những xe này không tuân thủ quy định về làn đường đã để lại nhiều hệ lụy cả về tính mạng, tài sản, trật tự giao thông lẫn văn minh đô thị.

Đáng nói, tại những nơi này cũng rất phổ biến tình trạng ôtô dừng dọc đường bốc hàng, bắt khách, che chắn tầm nhìn phía trước của nhiều dòng phương tiện, gây nguy cơ tiềm ẩn nhiều tai nạn.

Cần chế tài mạnh, xử phạt nghiêm

Ngoài ra, qua thực tế ghi nhận, tại TP HCM hầu hết các tuyến đường, phương tiện đều di chuyển trong làn hỗn hợp, rất ít tuyến tách xe máy khỏi các phương tiện ôtô, xe chuyên chở hàng hóa, nên nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông rất cao… Ở những tuyến đường được phân làn rõ ràng cho các loại phương tiện, không chỉ xe tải, xe container, xe khách đi vào làn đường xe 2 bánh mà nhiều người điều khiển xe 2 bánh cũng cố len lỏi, giành đường với xe lớn, nhất là khi xảy ra ùn ứ, kẹt xe.

Theo Ban An toàn Giao thông TP HCM, việc tách làn riêng cho xe máy và các phương tiện tải nặng khác tại TP HCM và các địa phương trong cả nước trên tất cả các tuyến đường vẫn chưa thể thực hiện do thiếu quỹ đất làm đường và thiếu vốn. Trước mắt, với tuyến quốc lộ mật độ lưu thông đông, có xe trọng tải lớn, cần giải pháp hiệu quả tại những đoạn đường phức tạp. Thời gian tới, ngành giao thông sẽ nghiên cứu giải pháp phòng ngừa tai nạn ở các làn đường hỗn hợp. Bên cạnh đó, ngành sẽ tiếp tục khảo sát, xem xét lên phương án tổ chức giao thông an toàn, những vị trí, những đoạn tuyến có thể bố trí, phân tách giữa làn ôtô, xe máy để giảm tai nạn giao thông.

"Hành vi lấn làn tạo nguy cơ tai nạn giao thông rất cao khi ôtô chèn ép xe máy, nhất là giờ tan làm, tan học, học sinh, phụ huynh chở con trên đường đông. Để hạn chế nguy cơ tai nạn giao thông do xe tải thường xuyên chạy vào làn hỗn hợp trong những khung giờ cấm, lực lượng CSGT cần tăng cường xử phạt các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, các hiệp hội vận tải cần tuyên truyền nâng cao ý thức của tài xế, bảo đảm tuân thủ Luật Giao thông đường bộ" - đại diện Ban An toàn Giao thông TP HCM cho biết.

Quan sát tình hình trật tự an toàn giao thông hiện nay, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhận định ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân chưa cao. Dẫn chứng dễ thấy nhất là không ít lần xảy ra tình trạng hàng trăm phương tiện chen nhau trong làn cứu hộ khiến 2-3 chiếc xe cấp cứu không đi được.

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, ở các nước phát triển, trong những trường hợp kẹt xe, tài xế thường bình tĩnh chờ đến lượt mình di chuyển nên dù luồng xe ken dày mà vẫn lưu thông chứ không đến mức không nhúc nhích nổi. Bất cứ ai nếu tùy tiện đi sai làn đường đều sẽ bị phạt rất nặng. "Mới đây, một người bạn của tôi ở Mỹ vì tranh thủ để không trễ giờ làm, chạy lấn vào làn cứu hộ, ngoài mức phạt rất "rát", người này buộc phải học luật 1 tuần và đi quét xa lộ 2 tuần, treo bằng lái 6 tháng. Tôi nghĩ ở Việt Nam nên có những chế tài mạnh như vậy. Trong quản lý giao thông đô thị, có những lỗi chỉ cần nhắc nhở nhưng có những lỗi như say rượu lái xe, lấn làn… thì phải xử lý thật nghiêm" - ông Sơn nói.

Cũng theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, ở thời đại hiện nay, những lỗi như phương tiện đi sai làn, lấn tuyến… không khó giải quyết bởi có thể sử dụng camera để phạt nguội. Vậy nên, tại những khu vực thường xuyên xảy ra vi phạm, cơ quan chức năng có thể gắn thông báo và đặt camera để phạt nguội. Đây cũng là giải pháp mà những nước phát triển áp dụng và đạt hiệu quả cao.

"Vấn đề xử lý vi phạm giao thông nói khó nhưng không khó. Quan trọng là có camera và có phạt hay không?" - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.

Những vụ tai nạn gần đây

Khoảng 9 giờ ngày 15-4, nam thanh niên khoảng 25 tuổi lái xe máy chở cô gái trên Quốc lộ 1, hướng quận Bình Tân về TP Thủ Đức. Khi đến đoạn qua phường Thạnh Xuân (quận 12), xe máy va chạm với xe tải chạy cùng chiều khiến đôi nam nữ văng qua dải phân cách vào làn ôtô, bị thương nặng.

Trước đó, khoảng 16 giờ 30 phút ngày 1-3, xe tải lưu thông trên Quốc lộ 13 hướng từ Bình Dương đi TP HCM. Khi vừa qua trạm thu phí tại phường Lái Thiêu, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương rẽ vào hướng đi cầu Phú Long qua TP HCM, xe tải đã va chạm với xe máy khiến một người đàn ông tử vong.

Đã có hệ thống camera giám sát ở Quốc lộ 1

Ngày 16-4, Công an TP HCM đã tiếp nhận và đưa vào vận hành hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên Quốc lộ 1.

Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm này được Cục CSGT đầu tư, trang bị camera hiện đại, có độ phân giải tốt, khả năng giám sát phương tiện hoạt động trên tuyến và các hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện với độ chính xác cao. Hình ảnh ghi nhận qua hệ thống bảo đảm các yếu tố pháp lý và nghiệp vụ làm căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, phòng ngừa, răn đe người vi phạm.

Vị trí lắp đặt hệ thống "mắt thần" tuyến Quốc lộ 1 thuộc địa bàn quản lý của các đơn vị: Đội CSGT Rạch Chiếc, Bình Triệu, An Sương, Phú Lâm, An Lạc và Trạm CSGT Tân Túc. Trung tâm giám sát được đặt tại trụ sở Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm