Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã công bố báo cáo tài chính quý I với lợi nhuận trước thuế đạt 9.950 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ. Với con số lợi nhuận này, Vietcombank đã để tuột vị trí "quán quân" lợi nhuận ngân hàng vào tay của của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (11.146 tỷ đồng) trong quý I.
Nhìn vào báo cáo tài chính quý I của Vietcombank có thể nhận thấy, nhiều mảng kinh doanh của ngân hàng ghi nhận sụt giảm. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm hơn 21% mang về hơn 2.710 tỷ đồng, lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh giảm gần 80% mang về 16,5 tỷ đồng, mảng chứng khoán đầu tư lỗ nhẹ còn mảng hoạt động kinh doanh khác giảm 52%.
Tuy vậy, nhờ thu nhập lãi thuần, nguồn thu chính của ngân hàng, tăng 18,8% đạt 11.976 tỷ đồng và mảng kinh doanh ngoại hối tăng 46% trong kỳ nên lợi nhuận thuần từ kinh doanh của Vietcombank vẫn tăng trưởng hơn 12%.
Tính đến 31/3/2022, tăng trưởng cho vay của Vietcombank đạt 7,1% vượt 1 triệu tỷ đồng, trong đó dự phòng rủi ro tăng mạnh 20% lên 31.192 tỷ đồng. Tổng tài sản của ngân hàng tăng 3,4% đạt hơn 1,46 triệu tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng 3,9%.
Cùng với tăng trưởng tín dụng, số dư nợ xấu của Vietcombank đã tăng mạnh trong quý đầu năm thêm 36,8% với 8.372 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu lên 0,81%.
Trong cơ cấu nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của ngân hàng chiếm tỷ trọng cao nhất 62,3% với 5.220 tỷ đồng.
Trong năm 2022, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% so với năm 2021, tổng tài sản tăng 8% và huy động vốn thị trường 1 phù hợp với tăng trưởng cho vay. Lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm trước tức thấp nhất khoảng 30.660 tỷ đồng.
Ngân hàng dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 trong năm nay, đồng thời sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém.