CTCP thực phẩm Quảng Thanh đến Shark Tank Việt Nam cùng đại diện là nhà sáng lập Nguyễn Ngọc Hương. Mang đến sản phẩm Orama - Organic rau má, bà Ngọc Hương muốn gọi vốn 5 tỷ đồng cho 10 % cổ phần.
Startup đặt mục tiêu doanh số 15 tỷ đồng trong năm nay, và 3 năm tới sẽ đặt mục tiêu doanh số 25 tỷ đồng, tham vọng trở thành doanh nghiệp nông sản triệu đô.
Theo nhà sáng lập Orama, rau má là loại ra nhiều chất dinh dưỡng, uống vào ngày hè rất mát. Để tránh cho người dùng mất nhiều thời gian và công sức chế biến, cũng như đoán trước xu hướng tiêu dùng thực phẩm tương lai, năm 2015, bà Nguyễn Ngọc Hương về Củ Chi mở trang trại trồng rau má.
Bà Ngọc Hương cho biết mình đã nghiên cứu quy trình trồng, sau đó ứng dụng công nghệ chế biến bột rau đã học từ người Nhật và người Ấn để tạo ra bột rau má dùng thay cho rau má tươi.
Bà Ngọc Hương cho biết Orama đã phân phối ở Châu Âu, bán mạnh nhất ở Anh, Đức, Hà Lan, đồng thời được hội đồng khoa học đề cử đạt công nhận OCOP 5 sao. Hiện nay Orama đang phân phối sản phẩm này qua các kênh online. Do có được công nhận OCOP nên sản phẩm có những đặc quyền để phân phối vào hai hệ thống phân phối lớn đó là Satra và Co.op.
CEO Quảng Thanh tiết lộ mỗi năm doanh thu tăng trưởng bình quân 20%, trong giai đoạn 2019 – 2020, Orama đã tăng gấp 10 lần doanh số.
Startup cho biết thêm Orama có vùng nguyên liệu ở 2 nơi đó là Củ Chi (TP HCM), do startup sở hữu và vùng đồng bằng sông Cửu Long, kết hợp với các nông hội ở đó.
Đáng chú ý, bà Ngọc Hương nói với hội đồng đầu tư rằng tổng đầu tư đến thời điểm này là gần 20 tỷ đồng, trong đó máy móc cơ sở thiết bị khoảng 10 tỷ đồng và 8 tỷ đồng đầu tư vào bất động sản, còn lại 2 tỷ là vốn lưu động.
Startup cho biết công ty có tổng tài sản là 12 tỷ đồng. Quảng Thanh hiện đang vay vốn với chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của bên phía Thành Đoàn TP HCM.
Tuy nhiên, ở phần cơ cấu sở hữu, startup bắt đầu phơi bày ra nhiều điểm bất thường. Theo đó, Quảng Thanh hiện có 3 cổ đông với vốn thực góp là 1 tỷ đồng, trong đó bà Ngọc Hương là cổ đông chính với 500 triệu đồng, một cổ đông 75 triệu đồng và một cổ đông 25 triệu đồng.
Shark Phú bắt đầu thắc mắc về con số 12 tỷ đồng tài sản mà startup đã đề cập trước đó, bà Ngọc Hương cho biết số tiền đó nằm trong nguồn lực sản xuất thuộc công ty cung ứng và chị có phần vốn góp trong công ty cung ứng đó.
Chính ở thời điểm này, các cá mập đã nhận ra startup đang không phân biệt được các khái niệm và có vấn đề loằng ngoằng về sở hữu. “Thế công ty kia [Quảng Thanh] gọi vốn là cái gì?”, Shark Liên đặt câu hỏi.
Startup giải thích rằng tài sản công ty đang là 12 tỷ đồng, trong đó 8 tỷ đồng dành cho nhà xưởng, 2 tỷ đồng là vật tư trang thiết bị và 2 tỷ đồng vốn lưu động. Khi các Shark hỏi sâu hơn, bà Ngọc Hương cho biết đó là nguồn lực của công ty sản xuất, là một công ty khác của chồng chị. Đến đây, hội đồng đầu tư mới vỡ lẽ.
Bà Ngọc Hương cho biết thêm công ty của chồng chịu trách nhiệm cung ứng hàng hóa, trong khi Quảng Thanh chịu trách nhiệm phân phối và làm thương hiệu về hàng hóa. Và bà gọi vốn vào công ty phân phối do mình sở hữu.
Các Shark đồng loạt cho rằng startup không rõ ràng. Shark Hưng cho rằng khi gọi vốn cho công ty mình mà startup lại liệt kê tài sản công ty của chồng là gây hiểu lầm. Ông cho rằng cơ cấu sở hữu loằng ngoằng, tài sản thực tế không có, nhập nhằng về vốn và chuyển giá là những thứ ông không thể kiểm soát. Vì vậy, Shark Hưng từ chối đầu tư.
Shark Bình cho startup lời khuyên với cơ cấu như thế thì bà Ngọc Hương sẽ chẳng gọi được vốn từ ai bởi vì có nguy cơ chuyển giá và sự không minh bạch trong việc tái cơ cấu từ đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp. Shark Bình cũng từ chối đầu tư.
Shark Liên cũng cho biết startup chưa phân định được rõ ràng, nên bà cũng không đầu tư. Shark Linh là người tiếp theo từ chối đầu tư. Bà cho rằng bản thân sản phẩm rất quan trọng.
Do không thể sáp nhập hai công ty và chỉ muốn gọi vốn cho công ty phân phối là Quảng Thanh, startup đã không thể thuyết phục được Shark Phú. Như vậy, bà Nguyễn Ngọc Hương đã ra về tay trắng tại Shark Tank.