Trong tập 7 “Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ”, 2 người đồng sáng lập startup “Hộp háo hức” là Nguyễn Minh Trang và Đức Thành kêu gọi 8 tỷ đồng cho 10% cổ phần. “Hộp háo hức” là một startup về mô hình hộp sách, đồ chơi giáo dục được giao định kỳ hàng tháng. Theo chị Minh Trang, những sản phẩm của “Hộp háo hức” đều được thiết kế phù hợp với từng nhóm độ tuổi là từ 0 đến 3 tuổi, 3 đến 6 tuổi và 6 đến 10 tuổi.
Trong khi đó, phụ huynh cũng có thể lựa chọn các gói dịch vụ có độ dài linh hoạt khác nhau như 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng. Bằng cách này, người dùng chỉ cần đặt một lần vào sau đó “Hộp háo hức” sẽ giao hàng định kỳ hàng tháng tới mỗi gia đình.
Đến thời điểm hiện tại, “Hộp háo hức” đã vận hành được 3 năm với doanh thu 44,5 tỷ đồng và lợi nhuận 15%. Mỗi tháng, “Hộp háo hức” đang cho ra thị trường khoảng 7.000 hộp sản phẩm. “Hộp háo hức” kỳ vọng biên lợi nhuận của năm 2022 sẽ là 22%. “Hộp háo hức” cho biết hiện tại 100% hoạt động bán hàng được thực hiện trên kênh trực tuyến. Trong đó, kênh Facebook chiếm tỷ trọng 80%.
Anh Đức Thành chia sẻ chi phí để có một khách hàng của “Hộp háo hức” là từ 30.000 đồng đến 45.000 đồng. Hiện tại, 65% khách hàng của “Hộp háo hức” được xếp vào nhóm khách hàng quay lại mua hàng (returning customer), trong khi đó tỷ lệ huỷ đăng ký sản phẩm cũng khá thấp, chỉ khoảng 2,5%.
Đến đây, Shark Bình đặt ra câu hỏi về việc liệu “Hộp háo hức” đã tính toán giá trị vòng đời khách hàng (customer lifetime value – CLV). Sau khi nghe trình bày, các Shark kết luận “Hộp háo hức” chưa có các tính toán chỉ số CLV hợp lý. Shark Bình cho rằng một startup có chỉ số CLV ổn định sẽ cực kỳ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Anh Đức Thành chia sẻ khó khăn lớn nhất của “Hộp háo hức” lúc này là khách hàng chỉ tập trung vào các thành phố lớn. Theo anh Thành, anh đang vận hành một mô hình “Làng háo hức” và nhận ra rằng với nhiều bậc phụ huynh, họ không ưu tiên việc đầu tư 200.000 đồng để có sách cho con mình.
Tuy nhiên, Shark Bình phản đối quan đối quan điểm này. Ông khẳng định bố mẹ không tiếc những khoản đầu tư cho con cái, đặc biệt là đối với bố mẹ Việt Nam. Shark Bình cho rằng có thể “Hộp háo hức” đang nhắm đến sai đối tượng. Ở mặt hàng này, bố mẹ là người chi tiền song người quyết định mua hàng lại là trẻ em. Shark Bình khuyên “Hộp háo hức” nên xây dựng các kênh marketing nhắm đến trẻ em ví dụ như thông qua YouTube và xây dựng các cộng đồng trẻ em.
Đến đây, chị Minh Trang đồng ý với quan điểm của Shark Bình và cũng chia sẻ rằng bản thân đã xây dụng được một cộng đồng về giáo dục đầu đời cùng nhiều bậc phụ huynh khác trước cả khi sáng lập “Hộp háo hức”. Tuy nhiên, chị đồng thời cho biết vì độ tuổi mà “Hộp háo hức” hướng đến là từ 0 đến 6 tuổi, “Hộp háo hức” hiện tập trung vào việc hướng đến phụ huynh và khuyến khích phụ huynh dành thêm thời gian với con mình.
Shark Hưng cũng không đồng tình với Shark Bình ở gợi ý tập trung vào quảng cáo trên YouTube với mục tiêu là kéo trẻ em tránh xa khỏi màn hình điện tử. Shark Bình đồng ý với điều này song ông khẳng định không thể phủ nhận thực tế rằng phần lớn thời gian của trẻ em đang gắn với các thiết bị điện tử dưới góc nhìn của một người kinh doanh.
Shark Linh tỏ ra hứng thú với mô hình của “Hộp háo hức”. Bà cũng cho rằng thị trường thành thị là đủ hấp dẫn để “Hộp háo hức” chinh phục trước khi mở rộng ra các tệp khách hàng khác. Shark Linh đề nghị đầu tư 8 tỷ đồng đổi lấy 40% cổ phần.
Shark Liên muốn biết lý do “Hộp háo hức” cần gọi vốn. Anh Đức Thành chia sẻ có 4 lý do cho quyết định này là nâng cao trải nghiệm khách hàng, tìm kiếm các kênh bán hàng lớn, cấp vốn cho chi phí sản xuất và đầu tư cho marketing, truyền thông. Khi được hỏi về các nội dung trong “Hộp háo hức”, chị Minh Trang cho biết 50% sách được mua bản quyền từ nước ngoài và 50% còn lại được hợp tác với các tác giả trong nước. Điều này khiến “Hộp háo hức” còn hoạt động như một đơn vị xuất bản. Anh Đức Thành dự kiến doanh thu năm 2022 của “Hộp háo hức” là 25 tỷ và lợi nhuận đạt khoảng 5,5 tỷ đồng.
Sau phần trình bày, Shark Liên đề nghị đầu tư 8 tỷ đổi lấy 49% cổ phần. Shark Hưng cho biết ông rất thích mô hình kinh doanh của “Hộp háo hức” song mức định giá của công ty không đủ hấp dẫn đối với ông. Bên cạnh đó, để tránh mâu thuẫn lợi ích với các sản phẩm mà Shark Hưng sẽ ra mắt trong tương lai, ông quyết định không đầu tư. Shark Phú cũng không đầu tư do cho rằng “Hộp háo hức” khó tăng quy mô nhanh.
Shark Bình đưa ra đề nghị đầu tư 8 tỷ cho 35% cổ phần với thế mạnh từ hệ sinh thái bán hàng online có thể phát triển ra Đông Nam Á. Shark Bình muốn “Hộp háo hức” nhìn nhận anh như một người đồng sáng lập “đến muộn” của startup này.
Sau khi Shark Bình “ra deal”, Shark Linh điều chỉnh đề nghị 8 tỷ đồng cho 30% cổ phần. Shark Linh cho biết một năm bà không đầu tư vào nhiều startup nên có thể dành nhiều thời gian cho các startup trong danh mục của mình. Đồng thời, bà cũng có thể kết nối “Hộp háo hức” với các quỹ khác cho các vòng gọi vốn sau.