Theo CW (CommonWealth Magazine), khi lạm phát trở thành chủ đề nóng nhất kể từ đầu năm 2022, giá trị tài sản ròng của Buffett vẫn tăng 7,2% trong năm nay, trong khi Tesla của Musk và Bezos của Amazon đã mất hơn 15% so với cùng kỳ.
Theo Forbes, tài sản của tỷ phú này đã tăng đáng kể trong liên tục 2 năm, từ năm 2020 ở mức 67,5 tỷ USD lên tới 118 tỷ USD ở thời điểm hiện tại năm 2022.
Cho dù giữa thời kỳ nền kinh tế Hoa Kỳ khủng hoảng nhất sau Thế chiến thứ hai, lạm phát là 14% và tỷ lệ thế chấp bất động sản cao tới 20%, nhưng ông vẫn "đứng trên thị trường" với lời nói và việc làm của mình.
Tổng hợp từ nhiều bài phát biểu, phỏng vấn trước đây của ông, người ta rút ra 6 tuyệt chiêu giúp Warren Buffett vẫn "vững như bàn thạch" giữa thời lạm phát như sau:
Sở hữu doanh nghiệp tốt có nhu cầu vốn thấp
Từ lâu, tỷ phú giàu thứ 5 thế giới (theo bảng xếp hạng Billionaires 2022 của Forbes vào ngày 06/04) đã ủng hộ việc sở hữu những doanh nghiệp kiếm được lợi nhuận cao trên số vốn đầu tư vào việc kinh doanh.
Những đơn vị này sẽ hoạt động tốt trong môi trường lạm phát khi có nhu cầu vốn thấp và có khả năng duy trì lợi nhuận. Trong khi đó, những đơn vị có nhu cầu vốn cao thường phải dành rất nhiều tiền với lãi suất ngày càng tăng chỉ để duy trì vị thế.
Theo Bankrate cho biết, tỷ phú 91 tuổi từng ví thách thức lạm phát gây ra như việc phải "chạy ngược chiều một chiếc thang máy đang đi xuống".
Warren Buffett, Chủ tịch kiêm CEO Berkshire Hathaway. (Ảnh: Bloomberg).
Tìm kiếm doanh nghiệp có thể tăng giá bán
Năm 2010, phát biểu trước Ủy ban Điều tra Khủng hoảng Tài chính, Warren Buffett đã nói: "Quyết định quan trọng nhất trong việc đánh giá doanh nghiệp là quyền định giá. Doanh nghiệp rất tốt là một doanh nghiệp không mất thị phần vào tay đối thủ mà vẫn có thể nâng giá sản phẩm.”
Trong giai đoạn lạm phát, khi mà chi phí leo thang, khả năng tăng giá chính là lợi thế lớn để bù đắp lại những phí tổn. Khi bạn có một cây cầu đã xây xong, thu phí không bị kiểm soát, đây sẽ là một tài sản lý tưởng để sở hữu trong thế giới lạm phát.
Đầu tư vào bản thân và thành người giỏi nhất trong lĩnh vực
Để chống lại lạm phát, điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm là trau dồi kỹ năng và làm việc để trở thành người đứng đầu trong lĩnh vực của mình. Hãy làm việc để trở thành người đứng đầu trong lĩnh vực của mình, điều này đã được Warren Buffett cho biết tại cuộc họp cổ đông thường niên của Berkshire Hathaway năm 2009, khi cuộc Đại suy thoái kết thúc.
"Nếu bạn là luật sư hàng đầu, là bác sĩ phẫu thuật tốt nhất, là giáo viên giỏi nhất, bạn sẽ có cổ phần trong nền kinh tế quốc gia, mặc cho tiền tệ có diễn biến thế nào đi nữa," vị tỷ phú nói.
Nói cách khác, khi bạn đủ giỏi, mọi công lao của bạn đều sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng, bất kể điều gì có xảy ra với giá trị của đồng nội tệ.
Trở thành một phần của "một doanh nghiệp tuyệt vời"
Cho dù thời buổi lạm phát, có một số doanh nghiệp tuyệt vời vẫn “bình yên” phát triển vì mọi người vẫn có nhu cầu với sản phẩm của họ. Ông đã dẫn chứng về một trong những khoản đầu tư của mình và khẳng định luôn nhận được 1 phần thù lao nhất định vì kể cả 20 hay 50 năm nữa, xu hướng của mọi người là vẫn sẽ trả tiền cho sản phẩm họ thích.
Năm 2017, Buffett cũng từng khuyên mọi người nên đầu tư vào quỹ giá thấp trong rổ S&P 500. "Cứ kiên định mua chứng khoán tốt rồi trung thành với nó, nó sẽ cùng bạn vượt qua cả lúc thuận lợi lẫn khó khăn", vị tỷ phú chia sẻ.
Tôn trọng “vòng tròn năng lực” của chính mình
Ông chủ Berkshire từng viết rằng: “Những gì một nhà đầu tư cần là khả năng đánh giá chính xác một số công ty chọn lọc. Quan trọng là ‘chọn lọc’. Không ai có thể là chuyên gia về mọi công ty, mọi lĩnh vực. Do đó, bạn chỉ cần có khả năng đánh giá những công ty trong vòng tròn năng lực của mình.”
Vị tỷ phú cũng nhắc nhở rằng, kích thước của vòng tròn đó không quan trọng, mà quan trọng là biết được ranh giới của nó.
Trong thư gửi cổ đông Berkshire năm 1992, điều này được đề cập một lần nữa khi ông khẳng định: “Chúng ta gắn chặt vào những công ty mà mình tin tưởng và hiểu rõ, đồng nghĩa với bản chất của công ty đơn giản và ổn định. Nếu một doanh nghiệp kinh doanh quá phức tạp hoặc liên tục thay đổi, chúng tôi không đủ thông minh để dự báo dòng tiền tương lai của họ.”
Vị tỷ phú viết: “Do đó, hãy dành thời gian để xác định điều mà bạn thực sự hiểu rõ và điều gì không. Thông qua việc đọc, tích lũy, học tập, bạn có thể mở rộng vòng tròn năng lực của mình. Nhưng mục tiêu là để không đầu tư vượt ra ngoài vòng tròn đó”.
Hạn chế những ham muốn
Charlie Munger, người bạn lâu năm của Warren Buffett kiêm Phó Chủ tịch Berkshire Hathaway, thì chia sẻ với cổ đông Berkshire Hathaway năm 2004 rằng: "Một trong những biện pháp bảo vệ chúng ta khỏi những lo lắng xung quanh lạm phát chính là không có nhiều nhu cầu ngớ ngẩn trong cuộc đời.”
Ông viết: “Khi mà bạn không tự tạo ra cho bản thân những nhu cầu giả tạo, không nhấn chìm chính mình trong hàng tiêu dùng thì bạn sẽ có được sự bảo vệ vững chắc, chống lại thăng trầm của cuộc sống".
(*Theo CW)