Nhắc đến RMIT , người ta sẽ nhớ ngay đến những giai thoại về trường như bãi đậu xe toàn siêu xe đắt tiền, học sinh đi học bằng Rolls-Royce, học phí toàn tính bằng mốc trăm triệu trở lên... Tuy nhiên, "cực phẩm" RMIT cũng nhiều bạn trẻ học giỏi, tài năng nữa đấy!
Nổi bật trong số đó là cô nàng Phạm Nữ Thanh Tú, đang học bằng thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh tại đại học RMIT. Cô nàng cũng đang là founder của một trung tâm tiếng Anh có tiếng.
Phạm Nữ Thanh Tú hiện đang học Thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh tại trường ĐH RMIT
Thanh Tú từng học chuyên Anh tại trường THPT chuyên Nguyễn Du. Cô nàng từng hai lần giành giải Nhì cấp tỉnh khi thi Anh, đạt 8.0 IELTS.
Sau đó, Tú theo học trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Đi làm được một thời gian, cô quyết định học tiếp ngành Quản trị Kinh doanh tại đại học RMIT - một ngành học không hề liên quan đến những dự định ban đầu.
Thanh Tú chia sẻ về điều này: "Nhiều người cũng thắc mắc tại sao lại học 2 ngành trái ngược như thế. Với một người không có nền tảng Kinh doanh như mình thì khi mới đi học cũng vất vả lắm.
Mình chuyển hướng vì thời đi làm, mình thấy nhiều trung tâm tiếng Anh mở ra nhưng không thực sự đặt chất lượng học sinh lên hàng đầu. Họ giỏi Kinh doanh nhưng không phải giáo viên tiếng Anh nên đặt quá nhiều yếu tố kinh doanh vào, không có kĩ năng sư phạm. Nên mình định học thạc sĩ Quản trị Kinh doanh để lập trung tâm có đặc điểm riêng cho mình".
Thanh Tú từng đạt 8.0 IELTS và giành giải Nhì trong kì thi HSG cấp tỉnh
Cô bạn cho hay khi học thạc sĩ Kinh doanh tại RMIT, các bạn sẽ không được "cầm tay chỉ bài" quá nhiều do giảng viên mặc định sinh viên đều đã có nền tảng sẵn rồi. Do vậy khi mới học, Thanh Tú phải tự học lại từ những thứ cơ bản nhất như viết báo cáo tài chính, hiểu được các khái niệm trong kinh doanh...
Song song với việc học thạc sĩ RMIT, ở cùng thời điểm đó, Tú cũng tự mở trung tâm tiếng Anh riêng. Vừa làm TikTok, vừa đi học lại mở trung tâm, Tú cũng phải hi sinh sức khoẻ để làm được hết công việc.
Cô bạn tâm sự: "Khi chọn công việc thì mình phải hi sinh thời gian vui chơi. Mỗi sáng mình sẽ tập thể dục cùng PT kèm riêng ở nhà. Sau đó sẽ đi làm việc và đi học. Mình thường phải thức khuya đến 3-4h sáng".
Hiện tại, Thanh Tú thường ngủ khuya đến 3-4h sáng để hoàn thành hết chuyện học và làm việc
Cô bạn học theo thói quen này từ bố - một người xuất thân là bác sĩ sau đó trở thành giám đốc bệnh viện. Tú từng thấy bố nhiều lần phải thức đêm làm việc, hình ảnh đó làm cô bạn cũng tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Gen Z tâm sự: "Mình đang đánh đổi sức khoẻ cho công việc nhưng hi vọng tương lai có thể thay đổi được. Vì thời gian đầu luôn khó khăn, bản thân mình mở trung tâm khi còn trẻ nữa.
Trong công việc mình luôn cố gắng tập trung làm việc. Mình là kiểu người phải hoàn thành hết mục tiêu trong ngày thì mới đi ngủ được. Mình biết thức khuya rất hại, song mình cũng cố gắng giữ gìn sức khoẻ bằng việc ăn uống điều độ, tập thể dục mỗi ngày".
Thanh Tú cũng tâm sự khi học tiếng Anh, có 2 thứ cần quan tâm là phải chuẩn bị tâm lý tốt và học theo phương pháp.
Cô bạn chia sẻ: "Học tốt tiếng Anh tuỳ thuộc với độ tuổi. Như hồi nhỏ, nếu mình học ngôn ngữ sớm thì dễ tiếp thu vào hơn. Nhưng thường các bạn học tiếng Anh khi đã lớn rồi.
Mình nghĩ điều quan trọng nhất khi học ngoại ngữ là cần chăm chỉ và đừng nản chí. Mọi người thường ngại nói vì có tư tưởng ‘nói là phải hay, còn nếu không hay sẽ bị chế giễu’. Nhưng bạn phải dũng cảm vượt qua áp lực đó, không quan tâm điều người khác hỏi. Hãy luôn nhớ rằng bây giờ phải tranh thủ luyện tập, trong tương lai học đúng phương pháp sẽ cải thiện được thôi. Sau đó cần phải học chắc grammar, bảng phiên âm quốc tế... thì mới nói tiếng Anh đúng được".
Mục tiêu gần trong thời gian tới của Tú là cố gắng tốt nghiệp đại học RMIT với thành tích tốt nhất.
Nguồn: Nhân vật cung cấp