Doanh nhân

Những người chạy đua với giá vàng

Tóm tắt:
  • Người tham gia mua vàng tăng mạnh do giá liên tục lập đỉnh.
  • Đa số vay mượn hoặc dành dụm để mua vàng, bất chấp rủi ro.
  • Tâm lý FOMO khiến nhiều người lo lắng bỏ lỡ cơ hội.
  • Thị trường vàng Hà Nội hết vàng, khách xếp hàng chờ mua.
  • Chuyên gia khuyên cân nhắc mục tiêu đầu tư, phân bổ tài sản hợp lý.

Bốn tháng nay, Nguyệt, 28 tuổi, ở Hà Nội thường xuyên vay mượn kiểu này để "mua vàng với bất cứ giá nào". Trước đó cô rất thờ ơ với vàng vì coi đây là cách giữ tiền của người già.

Mọi thứ thay đổi khi giá vàng liên tục lập đỉnh, tăng hơn 100 triệu đồng mỗi lượng sau một năm. Bạn bè Nguyệt chuyển hướng từ tích lũy mua nhà, mua xe sang gom góp mua vàng. Cô cũng cuốn theo. Biến động giá vàng hàng ngày ảnh hưởng đến tâm trạng Nguyệt. Giá xuống, cô tìm cách gom tiền mua. Giá tăng, cô lo không đủ tiền, sợ lỡ nhịp làm giàu.

Từ đầu năm, Nguyệt đặt mục tiêu mỗi tháng mua một chỉ. Ban đầu cô "rình" những lúc giá hạ để mua, còn nay "cứ nhận lương là tôi đi mua, thiếu lại vay thêm".

Cô tin rằng "đỉnh hôm nay có thể là đáy của ngày mai", sẵn sàng nhận rủi ro.

Nhu cầu mua vàng miếng, nhẫn trơn tăng cao, nhiều cửa hàng tại Hà Nội phải giới hạn số lượng mua. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Nhu cầu mua vàng miếng, nhẫn trơn tăng cao, nhiều cửa hàng tại Hà Nội phải giới hạn số lượng mua. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Hoàn cảnh vợ chồng anh Nguyễn Tuấn, 35 tuổi, ở Hải Phòng không khá hơn. Ba năm trước, anh vay 200 triệu đồng sửa nhà. Nay đến hạn trả nợ, hai cây vàng tích lũy nhiều năm vẫn cất trong két. Họ không dám bán vàng vì e ngại giá còn tăng, bán ngay sợ lỗ.

"Sợ thiệt vì giá vàng cứ liên tục tăng", vợ chồng Tuấn xin khất nợ, đề nghị trả một triệu đồng mỗi tháng thay cho tiền lãi. Anh tính toán, trả một triệu tiền lãi vẫn tốt hơn bán vàng khi giá đang sốt, bởi nếu giá tăng vọt sẽ không có tiền mua lại. Tuy nhiên, chủ nợ chỉ đồng ý cho khất thêm hai tháng.

Áp lực trả nợ cùng mong muốn mua thêm vàng khiến cuộc sống gia đình thêm eo hẹp. Thu nhập 20 triệu đồng mỗi tháng, họ chia đôi, 10 triệu dành cho học phí hai con và sinh hoạt phí tối thiểu, 10 triệu còn lại cố gắng mua thêm vàng, dù chỉ được vài phân. Mọi hoạt động vui chơi, mua sắm đều cắt giảm.

"Lãi suất ngân hàng thấp, lương không tăng kịp lạm phát, đầu tư kênh khác thì thiếu vốn và kinh nghiệm. Vàng dễ mua bán, lại đang tăng", anh Tuấn kể.

Câu chuyện của Ánh Nguyệt và vợ chồng anh Tuấn không phải là cá biệt. Nhiều người đang bị cuốn vào vòng xoáy nghịch lý của giá vàng, càng tăng càng muốn mua thêm.

PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường - Giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng hiện tượng này có sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Với những người ít có kênh đầu tư, vàng trở thành kênh gia tăng tài sản tiềm năng khi các nguồn thu nhập khác không theo kịp lạm phát.

Theo ông Long, hội chứng FOMO (sợ bỏ lỡ) này thể hiện rõ qua tâm trạng mâu thuẫn của nhiều người. "Không ít người cảm thấy tiếc nuối vì đã không mua vàng sớm hơn và lao vào mua ở thời điểm hiện tại, bất chấp rủi ro nếu giá đảo chiều", ông phân tích.

Sự giằng xé tâm lý xảy ra với những người đang nắm giữ vàng. Ông Long mô tả nhóm đang giữ vàng cũng đứng ngồi không yên. Họ vừa muốn chờ giá lên cao hơn nữa để tối đa lợi nhuận, lại vừa thấp thỏm lo sợ giá giảm khiến công sức tích cóp "bốc hơi".

Chuyên gia cho rằng, bên cạnh hội chứng tâm lý đám đông, lãi suất tiết kiệm thấp trong giai đoạn hiện tại khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn như một kênh trú ẩn và sinh lời tiềm năng. Và cuối cùng do thiếu kiến thức tài chính cũng khiến nhiều người dễ hành động theo tin đồn, kỳ vọng mơ hồ thay vì phân tích vững chắc.

Thực tế này dẫn đến cảnh tượng người dân xếp hàng dài tại các cửa hàng vàng lớn. Khảo sát của VnExpress tại một số cơ sở kinh doanh vàng lớn ở Hà Nội, hầu hết thông báo hết vàng miếng SJC và vàng nhẫn trơn vào buổi chiều. Người muốn mua phải hẹn sang hôm sau đến sớm xếp hàng lấy số và bị giới hạn số lượng. Nhiều người chấp nhận chờ đợi hàng giờ đồng hồ chỉ để mua được một, hai chỉ vàng. Một số cửa hàng thậm chí treo biển "hết vàng tích trữ".

Một cửa hàng vàng trên "phố vàng" Trần Nhân Tông (Hà Nội) thông báo "tạm hết hàng" vàng tích trữ khi giá lập đỉnh 118 triệu đồng/lượng, chiều 17/4. Ảnh: Nga Thanh

Một cửa hàng vàng trên "phố vàng" Trần Nhân Tông (Hà Nội) thông báo "tạm hết hàng" vàng tích trữ khi giá lập đỉnh 118 triệu đồng/lượng, chiều 17/4. Ảnh: Nga Thanh

Chạy theo cơn sốt vàng khiến cuộc sống của Ánh Nguyệt nhiều tháng nay chìm trong nợ nần và túng quẫn. Thừa nhận rủi ro, cô vẫn tin "vàng để càng lâu càng có giá" và dự định vay tiền bố mẹ để mua nếu giá tiếp tục tăng.

Vợ chồng anh Tuấn từng có những cuộc tranh cãi nảy lửa vì tiếc nuối đã không mua vàng sớm hơn. Giờ đây, họ bằng mọi cách cố gắng mua thêm, dù chỉ là vài phân mỗi tháng. "Nhìn bạn bè khoe lãi cả trăm triệu khi mua vàng giá thấp mà ham quá, tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội này", anh Tuấn nói.

Để kiểm soát tâm lý FOMO và tránh rủi ro khi "đu đỉnh" vàng, các chuyên gia khuyên người dân cần xác định rõ mục tiêu mua vàng: tích trữ dài hạn, phòng ngừa rủi ro hay chỉ lướt sóng ngắn hạn. Việc này giúp tránh các quyết định vội vàng, cảm tính.

Bên cạnh đó, cần hạn chế tiếp nhận thông tin nhiễu loạn, đặc biệt là việc theo dõi giá vàng liên tục trên mạng xã hội hay các diễn đàn không chính thống, dễ làm gia tăng lo âu.

Về chiến lược đầu tư, PGS. TS Ngô Trí Long khuyên người dân không nên "dồn hết trứng vào một giỏ". Cần phân bổ tài sản hợp lý: giữ một phần vàng (khoảng 5-10% tổng tài sản) để phòng ngừa lạm phát; duy trì tiền gửi tiết kiệm vì tính an toàn và thanh khoản; cân nhắc các kênh đầu tư khác nếu có hiểu biết.

Đặc biệt, nên theo dõi sát sao chính sách điều hành thị trường vàng của Nhà nước, tránh mua theo đám đông, tiềm ẩn rủi ro thay đổi chính sách.

Bài học "đu đỉnh vàng" của chị Hoàng Mai ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, là ví dụ. Người phụ nữ 40 tuổi vẫn còn nhớ cảm giác "điêu đứng" khi gia đình dồn tiền mua 10 cây vàng lúc giá gần 90 triệu đồng một lượng giữa năm ngoái.

"Ngay sau đó giá tụt xuống chỉ còn 75-76 triệu đồng mỗi lượng, cả nhà mất ăn mất ngủ. Lúc đó chỉ mong giá hồi lên 80 triệu để bán cắt lỗ", chị Mai kể.

Dù hiện tại giá vàng đã vượt xa mốc đó, trải nghiệm thua lỗ vì "đu đỉnh" khiến chị quyết định đứng ngoài cơn sốt lần này. "Thà bỏ lỡ cơ hội còn hơn lặp lại bài học đau đớn bởi không am hiểu thị trường", chị Mai nói.

Các tin khác

Hệ tiêu hóa ảnh hưởng đề kháng thế nào?

TS.BS Phạm Lê Duy, Giảng viên bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh - Miễn dịch, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, hệ tiêu hóa khỏe góp phần xây dựng hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, trong đó có virus cúm.

Tham vọng doanh thu cao kỷ lục - Các dự án Sunshine Group đang chạy đua với thời gian ra sao?

Giữa lúc thị trường đang bước vào chu kỳ hồi phục, một ông lớn trong làng bất động sản là Sunshine Group đã chọn cách “chơi lớn” với kế hoạch bàn giao khoảng 4000 căn thấp tầng cùng gần 20 tòa cao tầng trong 2025 - 2026, với tổng mức đầu tư vượt 70 nghìn tỷ đồng và doanh thu dự kiến trên 200 nghìn tỷ đồng.

Amway là doanh nghiệp FDI xuất sắc về dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe chủ động

Thương hiệu hàng đầu về chăm sóc sức khỏe, vinh dự được trao tặng giải thưởng Rồng Vàng 2025, hạng mục 'Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất sắc về dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe chủ động'. Đây cũng là lần thứ 9 Amway Việt Nam được vinh danh tại giải thưởng uy tín này, khẳng định vị thế tiên phong và những đóng góp tích cực của công ty trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người Việt.

Không triệu chứng, khối u hiểm âm thầm phát triển nhanh khiến cô gái đối mặt nguy cơ ung thư

Trung tâm Gan Mật Tụy (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) vừa điều trị thành công một trường hợp u nang tụy lớn bằng phương pháp phẫu thuật nội soi. Bệnh nhân là chị N.T.N, 26 tuổi, quê ở Nam Định. Điều đáng chú ý là khối u được phát hiện hoàn toàn ngẫu nhiên trong một lần kiểm tra sức khỏe định kỳ, khi chị không hề có bất kỳ triệu chứng bất thường nào.

Thành lập Binh đoàn 19

Thành lập Binh đoàn 19 trên cơ sở Tổng Công ty Đông Bắc, với nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng lực lượng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; bảo đảm chiến đấu, bảo đảm công binh chiến lược khi có tình huống xảy ra; thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, kết hợp kinh tế với quốc phòng.