Khối u có đường kính lên tới 6cm, nằm ở phần thân và đuôi tụy. Qua hình ảnh chẩn đoán, các bác sĩ nghi ngờ đây là u nhầy trong ống tụy (IPMN) – một loại tổn thương có khả năng tiến triển thành ung thư nếu không được xử lý kịp thời. Vì vậy, thay vì thực hiện sinh thiết – vốn tiềm ẩn nguy cơ làm vỡ nang hoặc phát tán tế bào ung thư – các bác sĩ quyết định tiến hành phẫu thuật loại bỏ toàn bộ khối u.
“Đối với các khối u lớn như vậy, sinh thiết trước mổ có thể gây ra những biến chứng như vỡ nang, chảy máu và đặc biệt là nguy cơ gieo rắc tế bào ác tính. Chúng tôi lựa chọn phương pháp an toàn hơn là cắt bỏ khối u bằng nội soi. Với kích thước >5cm và đặc điểm hình ảnh nghi ngờ, phẫu thuật được chỉ định ngay mà không cần sinh thiết", TS. Nguyễn Minh Trọng – Giám đốc Trung tâm chia sẻ.
![]() |
Các bác sĩ phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân 26 tuổi. |
Dù quá trình phẫu thuật gặp một số khó khăn do kích thước lớn của khối u làm hạn chế tầm nhìn và không gian thao tác, các bác sĩ vẫn hoàn tất thành công ca mổ. Phần thân và đuôi tụy cùng với lá lách đã được cắt bỏ hoàn toàn bằng phương pháp nội soi – một kỹ thuật hiện đại, ít xâm lấn. Nhờ đó, bệnh nhân phục hồi nhanh chóng, ít đau và có vết mổ thẩm mỹ – yếu tố quan trọng đối với bệnh nhân nữ còn trẻ.
Phẫu thuật nội soi tuy đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao nhưng mang lại nhiều lợi ích vượt trội. Thay vì phải mổ mở với đường rạch dài tới 20cm như trước đây, giờ chỉ cần vài đường mổ nhỏ từ 1–4cm. Bệnh nhân ít đau, giảm nguy cơ nhiễm trùng và có thể sớm quay trở lại sinh hoạt bình thường.
Trường hợp của chị N. là minh chứng rõ ràng cho tính chất “âm thầm” của các bệnh lý tuyến tụy. Nếu không kiểm tra sức khỏe định kỳ, khối u có thể phát triển trong im lặng và trở thành mối đe dọa nghiêm trọng.
“Chúng tôi khuyến cáo mọi người nên đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng/lần, kết hợp siêu âm bụng để kịp thời phát hiện và can thiệp khi có bất thường”, bác sĩ Trọng nhấn mạnh.
Nhiều dạng bệnh lí của nang tuỵ
Nang tụy là một tổn thương dạng túi trong có chứa dịch của tụy, có thể nằm bề mặt hoặc trong nhu mô tụy. Đây là một nhóm gồm các tổn thương lành tính của tụy, tuy nhiên một số ít trong đó có thể có nguy cơ ác tính hóa. Phần lớn các nang này không có triệu chứng nên thường được phát hiện tình cờ qua các thăm khám chẩn đoán hình ảnh như siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ. Chỉ định điều trị chỉ đặt ra khi các nang có kích thước lớn gây các triệu chứng khó chịu cho người bệnh hoặc có nguy cơ ác tính hóa.
Các triệu chứng có thể gặp bao gồm: đau bụng âm ỉ, có thể lan ra sau lưng; buồn nôn, nôn; sút cân; cảm giác nhanh no khi ăn, đầy bụng. Khi xuất hiện các triệu chứng như trên bệnh nhân cần được làm các chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu để chẩn đoán và có biện pháp điều trị phù hợp.
![]() |
Ca mổ thành công. |
Nhìn chung nang tụy có thể chia thành hai nhóm lớn gồm các nang không tăng sinh và nang có tăng sinh (có nguy cơ ung thư hóa). Tùy thuộc vào đặc điểm, vị trí nang cũng như tuổi giới và tiền sử của người bệnh, một số chẩn đoán nang tụy thường gặp được liệt kê dưới đây:
+Nang giả tụy: là một tổn thương dạng nang không ung thư (không tăng sinh) và thường có nguyên nhân do viêm tụy. Nang giả tụy cũng có thể xuất hiện sau chấn thương bụng, phẫu thuật vùng tụy.
+ Nang thanh dịch: có thể phát triển khá lớn, gây chèn ép các cơ quan khác. Từ đó, nó gây các biểu hiện như đau bụng và cảm giác đầy bụng, thường xuất hiện ở phụ nữ trên 60 tuổi và hiếm khi hoá ung thư.
+ U nang nhầy. Thường nằm ở thân hay đuôi tụy và thường gặp ở phụ nữ, lứa tuổi trung niên. U nang nhầy là u tiền ung thư, có nghĩa là sẽ tiến triển thành ung thư nếu không điều trị, ở những u nang nhầy có kích thước lớn khi phát hiện đôi khi đã ung thư hoá.
+ U nhú nhầy trong ống tụy (IPMNs) xuất hiện trong ống tụy chính hay các nhánh ống tụy. IPMN có thể là tiền ung thư hay đã ung thư hoá. U này có thể xuất hiện ở cả nam và nữ, thường trên 50 tuổi. Tuỳ thuộc vị trí, có thể cần tới điều trị phẫu thuật. Với u nhú trong ống tụy chính cần điều trị phẫu thuật cắt tụy, với các tổn thương của các nhánh ống tụy có thể theo dõi định kỳ.
+ U đặc giả nhú tụy. Loại u này thường nằm ở thân hoặc đuôi tụy. Gặp ở phụ nữ trẻ hơn 35 tuổi. U này hiếm gặp và đôi khi có thể ung thư hoá, tuy nhiên tiên lượng điều trị rất tốt nếu được phẫu thuật (tỷ lệ khỏi bệnh sau mổ 90 – 95%).
+ U thần kinh nội tiết dạng nang: thường là u đặc nhưng cũng có thể ở dạng giống nang và thường bị chẩn đoán nhầm với các dạng nang khác của tụy. Khi được chẩn đoán khối u có thể là tiền ung thư hoặc đã ung thư hoá.
![]() |
Chỉ định điều trị bệnh lý nang tụy được đặt ra tùy thuộc vào loại, vị trí, tính chất và triệu chứng của từng loại nang. Với những tổn thương không tăng sinh, không có triệu chứng chỉ cần kiểm tra định kỳ, chỉ định dẫn lưu khi nang có kích thước lớn, gây các triệu chứng khó chịu. Thông thường, nang được dẫn lưu vào đường tiêu hóa có thể qua can thiệp nội soi đường tiêu hóa hoặc mổ nối nang tụy với ống tiêu hóa (dạ dày hoặc hỗng tràng). Với những nang tăng sinh, có nguy cơ ung thư hóa cần phẫu thuật cắt tụy bán phần hoặc toàn bộ tùy vị trí, tính chất và mức độ tổn thương. Đây là một phẫu thuật lớn với nhiều nguy cơ tai biến, biến chứng sau mổ.
Tóm lại, nang tụy là một tổn thương thường gặp ở tụy, phần lớn là lành tính, với một số ít nang tăng sinh có nguy cơ ung thư hóa. Chính vì vậy khi phát hiện nang tụy người bệnh cần được khám chẩn đoán ở cơ sở y tế chuyên khoa để có biện pháp theo dõi, điều trị phù hợp.
Để hạn chế nguy cơ bệnh viêm tụy có thể dẫn đến nang tụy nên hạn chế uống rượu, đặc biệt là khi có tiền sử nghiện rượu hoặc đã từng bị viêm tụy.
- Thực hiện phẫu thuật loại bỏ túi mật, nếu sỏi mật đang gây viêm tụy.
- Thực hiện chế độ ăn ít chất béo, không nên dùng nhiều trà, cà phê, thịt cá nhiều mỡ, phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng. Tăng cường đạm, rau xanh, hoa quả, protein nạc như nạc thăn lợn, thịt bò, cá quả, cá chép, các thực phẩm giàu Vitamin C và B để hạn chế nguy cơ hình thành sỏi mật.