"Làng đại gia" là 3 từ người ta dùng để chỉ những ngôi làng có biệt thự, nhà lầu, nhà tường mọc san sát nhau. Đặc điểm nổi bật của những ngôi làng này là họ không có của ăn của để sẵn mà nhờ sức lao động, nhờ việc tìm ra con đường "làm ăn" cho riêng gia đình mình. Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước trong vòng hàng chục năm đổ lại, ngôi làng vốn nghèo xác xơ bỗng "thay áo" trở thành "làng đại gia".
Làng đại gia: Giàu có nhờ xuất khẩu lao động
Nếu như từ những năm 1980 trở về trước, xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An là một xã nghèo, cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào cây lúa, đời sống còn gặp nhiều khó khăn thì hiện tại người dân xa quê lâu năm khi trở về sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi con đường rộng nhựa rộng thênh thang, xe hơi, biệt thự san sát nhau.
Người dân Đô Thành xây nhà cửa khang trang nhờ cho con cháu xuất khẩu lao động
Theo thông tin trên Dân trí, những vào những năm 1990, một số gia đình vùng này chuyển hướng tìm kiếm tương lai bằng việc "xuất ngoại" đến các nước châu Âu như: Anh, Nga, Ba Lan, Đức... Nhìn thấy tương lai từ việc "xuất khẩu lao động", nhiều gia đình chạy vạy khắp nơi để vay mượn, đầu tư cho con em "xuất ngoại". Người đi trước thành công thì về đón thêm người đi sau cứ thế, nhiều thế hệ người dân Đô Thành xuất ngoại làm giàu, toàn xã có 4.000 hộ với gần 18.000 nhân khẩu thì 3/4 trong số đó có nhà cao tầng, biệt thự.
Nguồn tin trên Dân Trí dẫn lời ông Luyện Xuân Huệ, Chủ tịch UBND xã Đô Thành cho hay, toàn xã hiện có gần 9.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó có 1.500 người đi xuất khẩu lao động ở các nước châu Âu; hơn 1.000 người đi làm việc, buôn bán tại Lào. Như vậy, cứ một gia đình ở Đô Thành sẽ có một người xuất khẩu lao động.
"Số lượng kiều hối gửi về của toàn xã trước năm 2019 là 400 tỷ đồng; do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 nên trong năm 2020 lượng kiều hối có giảm chỉ đạt 234,4 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2021 là 289 tỷ đồng.
Vì nhiều lý do như ảnh hưởng của dịch Covid-19, lao động chưa hết hợp đồng nên trong 1.500 lao động đang làm việc tại nước ngoài. Trong năm 2021 chưa có người nào về quê", ông Huệ cho biết thêm trên Dân trí.
Xã Đô Thành giờ đã "thay da đổi thịt", những căn biệt thự, ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Trên đường làng những chiếc "xế hộp" xuất hiện ngày một nhiều…
Có hơn 100 tỷ phú: Ngân hàng, siêu thị phải mở chi nhánh riêng trong làng để phục vụ
Làng Mẹo nằm giữa ruộng lúa (làng Phương La 2, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, Thái Bình) nhưng có tới hơn 100 tỷ phú theo thống kê của UBND xã, trong đó có những người giàu nức tiếng, tên tuổi gắn liền với những doanh nghiệp lớn. Thậm chí, mức độ giàu có của người dân làng này còn được nói sơ qua thế này: Để phục vụ nhu cầu giao dịch của các đại gia làng Mẹo, ngay trong làng có một chi nhánh ngân hàng và 1 siêu thị rộng ngang siêu thị Big C ở các thành phố lớn cũng được mở cửa tại ngôi làng có vẻ "hẻo lánh" này.
Dân trí dẫn thông tin từ UBND xã Thái Phương thì trên địa bàn làng Mẹo cho hay, nơi này có hơn 50 doanh nghiệp có vốn từ 5 tỷ đồng trở lên với doanh thu khoảng 400 tỷ đồng /năm.
Một ngôi đền ở Làng Mẹo
Làng Mẹo ngày trước vốn là làng thuần nông, thế nhưng chục năm trở lại đây lại nổi bật với những biệt thự nguy nga, những lăng mộ hoành tráng, những khu công nghiệp hiện đại như thành phố thu nhỏ, bên ngoài là những ruộng lúa.
Hay ho ở chỗ, sự giàu có "chỉ diễn ra" trong phạm vi 2 km quanh làng Mẹo, những làng khác ở cùng xã vẫn giữ nguyên nét đơn sơ, thuần nông.
Dân trí dẫn lời một cán bộ Phòng Công thương, UBND huyện Hưng Hà, cho biết doanh thu của các doanh nghiệp ở làng Mẹo khoảng 700 tỷ đồng /năm. Tại làng Mẹo đã thành lập 1 cụm công nghiệp với hơn 100 công ty, ngoài ra còn tới vài trăm doanh nghiệp vệ tinh phục vụ cho các doanh nghiệp tại làng.
Biệt thự bạc tỷ của ông chủ Bitexco
Những ngôi nhà cao tầng ở Làng Mẹo
Cũng theo một cán bộ khác cho hay trên nguồn tin này, mỗi năm, làng lại có vài người ghi tên mình vào danh sách tỷ phú mới. Các tỷ phú này thường xuất thân từ nghề dệt sau đó kinh doanh, buôn bán sang các lĩnh vực khác. Nhờ nghề dệt mà họ trở nên giàu có lại nhạy bén trong kinh doanh, họ đổ tiền kinh doanh tiếp như bia rượu, xây dựng, thủy điện, vận tải… nên họ lại càng giàu thêm.
Những cái tên nổi bật có thể kể đến là người dân làng Mẹo như: ông Trần Văn Sen (ông chủ của Tập đoàn Hương Sen và hãng bia Đại Việt) hay ông Vũ Quang Hội - ông chủ của Tập đoàn Bitexco, được biết đến là chủ đầu tư các dự án Tòa nhà văn phòng Bitexco, Bitexco Financial, khách sạn J.W. Marriott,...
Buôn thịt lợn, cả làng thành tỷ phú ở Hà Nội
Nhiều người dân thôn Miêng Thượng (xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội) giờ gọi vui nơi này là "phố Miêng Thượng" bởi sự "thay da đổi thịt" từ một ngôi làng nghèo thành một khu phố toàn biệt thự, nhà cao tầng. Để hỏi bí quyết làm giàu của người dân trong làng chắc chắn phải kể đến công việc "đi buôn thịt lợn".
Nghề buôn thịt lợn đã giú người dân thôn Miêng giàu lên nhanh chóng
Không phải một câu chuyện mơ hồ mà có hẳn người dẫn dắt, một người có công trong việc đưa bà con đến với nghề bán thịt lợn ở thôn Miêng mà nhiều năm sau ai cũng nhắc đến với sự biết ơn là ông Nguyễn Văn Sinh (sinh năm 1944). Trên truyền thông, ông Sinh từng cho hay vào thời điểm những năm 1997, 1998, việc gia đình ông lãi 3, 4 triệu/ngày là chuyện bình thường.
Ở thôn Miêng Thượng cứ 2,3 ngôi nhà cao tầng thì có ít nhất 1 nhà có người xuất thân từ việc bán thịt lợn.
Làng của những đại gia xuất thân buôn đồng nát
Làng Quan Độ (Văn Môn – Yên Phong – Bắc Ninh) hay còn gọi là "thủ phủ đồng nát" - được biết đến là nơi xuất thân của nhiêu đại gia, tỷ phú đi lên từ nghề "buôn sắt vụn".
Nếu như trước đây, làng Quan Độ còn là làng quê nghèo, người dân bám đất nông nghiệp để sống thì từ khoảng những năm 1990 đến nay, những căn biệt thự, nhà cao tầng cứ như thế mọc san sát nhau, "thay áo" cho ngôi làng này.
Gần 30 năm xuất hiện, nghề buôn đồng nát đã làm thay đổi hẳn cuộc sống người dân Quan Độ.
Làng Quan Độ hiện tại
Theo thông tin trên Người đưa tin, làng Quan Độ hiện tại có cả trăm hộ và khoảng vài chục công ty lớn nhỏ hoạt động trong lĩnh vực buôn bán, mổ xẻ đồng nát. Trong khi trước đó, nơi này chỉ có một vài hộ bám nghề này.
Những đống đồng nát tại làng Quan Độ
Việc thu gom, phân loại để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề tái chế nhôm, đồng của làng Quan Độ đã giúp người dân nơi này "khoác màu áo mới". Tuy là nguồn thu nhập chính cũng như tạo công ăn việc làm cho hàng chục người dân thế nhưng nghề buôn đồng nát cũng khiến người làng Quan Độ phải đổi mặt với rủi ro ô nhiễm môi trường, hay thậm chí nhiều vụ nổ thương tâm đã cướp đi tính mạng của người dân làng này.