Hai lần "chết đi sống lại"
Chùa Tà Pạ (còn được gọi là Chùa Chưn-Num theo tiếng Khmer) nằm ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, nằm cao 45 mét so với mặt đất. Hơn 2 năm qua, các sư thầy đã cùng nhau gánh đá, xây dựng cầu thang nối từ quảng trường trung tâm đến ngôi chùa trên cao.
Trong đó, có một vị sư chỉ cao khoảng 1m3, nặng 28 kg. Ít ai biết được rằng, sư thầy đã 31 tuổi, từng trải qua những lần "chết đi sống lại" trong quá khứ. Hằng ngày ở chùa phụng sự, làm việc thiện, giữ lòng lành, đó là cách nhà sư cảm ơn cuộc đời, tạ ơn mẹ cha. Đó là sư Chau Thoc Sol.
"Năm 4 tuổi, tôi bị bệnh rất nặng và được cha mẹ đưa vào bệnh viện. Bác sĩ nói rằng tôi không qua khỏi và trả về để gia đình lo hậu sự. Cha đã bọc tôi trong một chiếc chiếu, đào đất chuẩn bị đem chôn, người cuối cùng ôm tôi trên tay là ông nội. Bỗng dưng, tôi bỗng nhiên tỉnh lại khiến cả nhà vô cùng sửng sốt, vỡ òa.
Sư Chau Thoc Sol (bên phải).
Năm 18 tuổi, khi đang theo học trường THPT Nguyễn Trung Trực (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), tôi đột nhiên đau bụng dữ dội và chuyển đi mổ ruột thừa. Sau ca phẫu thuật, tôi ngất xỉu vì cơ thể quá yếu ớt. Tại phòng cấp cứu, nhịp tim tôi ngừng khiến cha mẹ như chết lặng. Mẹ tôi tất tả đi chuẩn bị giấy tờ lo hậu sự, còn cha thì gọi xe.
Khi vừa mở cửa phòng để chuẩn bị đem xác về, máy đo nhịp tim bỗng dưng hoạt động trở lại. Tôi được hồi sinh một lần nữa, cha mẹ tôi đã khóc rất nhiều. Trước đó, cả hai đã nguyện rằng hãy cho tôi được sống lại. Năm 20 tuổi, cha mẹ sẽ gửi tôi vào chùa tu", sư thầy nói.
Sau hai lần chết đi sống lại, nhà sư đã lớn lên trong hình hài của trẻ con. Ở tuổi 31, sư vẫn cao 1 mét 30, nặng 28 kg. "Cả gia đình chỉ có mình tôi là thấp bé như thế, còn lại đều có chiều cao bình thường. Hiện nay, các em tôi đã có gia đình, người đi làm ở thành phố", sư Chau Thoc Sol nói thêm.
Tạ ơn Đức Phật, trả hiếu mẹ cha
Mỗi buổi sáng, các Phật tử đến dâng hương tại chùa Tà Pạ sẽ thấy hình ảnh quen thuộc của sư Chau Thoc Sol. Với thân hình thấp bé, sư vẫn gánh đá, xi măng, chuyển gạch… để hoàn thành việc xây dựng cầu thang cho ngôi chùa.
Theo lời sư chia sẻ, ngôi chùa được các nhà sư, Phật tử… cùng xây dựng. Từng cánh cổng được mang từ Campuchia về, các viên gạch, phần lát đá.. được làm rất tỉ mỉ. Phải mất vài năm, ngôi chùa mới được xây dựng xong một phần.
Hiện tại, chùa vẫn còn đang thi công một số khu vực dành làm nơi dừng nghỉ cho khách ghé tham quan. Từ ngôi chùa, người ta có thể phóng tầm mắt nhìn ra những cánh đồng rộng lớn, xanh rì.
Cầu thang từ quảng trường đi lên chùa Tà Pạ
Mùa hè đến, sư lại tiếp tục dạy chữ cho các trẻ em người Khmer trong vùng. Buổi trưa, lớp học lại đều đều vang lên tiếng đọc chữ. Sư Chau Thoc Sol chia sẻ: "Bất kì đứa trẻ nào cũng có thể đến đây học. Thậm chí, có người đã 20 tuổi vẫn có thể ngồi trong lớp. Tôi duy trì lớp học này được 4-5 năm. Ngày còn nhỏ, tôi cũng được học chữ từ một sư cô nên muốn giúp đỡ lại các em".
Theo chia sẻ của sư Chau Thoc Sol, ngôi chùa chỉ có 3 vị sư. Trước đó, một sư cả sẽ lo quán xuyến việc chung của cả ngôi chùa và 2 vị sư trẻ thay phiên nhau đứng lớp.
Hiện tại, sư Chau Thoc Sol đã sang Campuchia để tiếp tục tu học và quay lại chùa Tà Pạ. Đối với vị sư, 10 năm qua phụng sự việc nhà chùa chính là cách để trả hiếu cho mẹ cha, tạ ơn Đức Phật.