Nhận định về các kịch bản giao dịch của thị trường trong nước, tại chương trình “Khớp lệnh” của VTV Digital, ông Phan Linh, Nhà sáng lập nền tảng Take Profit, cho rằng với một kịch bản tích cực nhất, VN-Index sẽ tiến sát vùng 1.360, đây vừa là đỉnh cũ hồi tháng 5 vừa tiệm cận vùng MA200. Thị trường Mỹ đã tiệm cận vùng MA200 nhưng Việt Nam vẫn chưa vì vậy nhiều người kỳ vọng thị trường sẽ quay trở lại đỉnh này.
Trong tương lai, kịch bản quay trở lại vùng 1.150 điểm cũng hoàn toàn có cơ sở xảy ra bởi thị trường đã chuyển trạng thái từ downtrend sang đi ngang. Chúng ta đang ở mốc 1.280, nếu thị trường có một thông tin nào đó bất thường thì việc trở lại đáy dưới của trading range là chuyện bình thường.
Về chiến lược giao dịch, ông Linh đánh giá khi chỉ số tiệm cận vùng 1.300 – 1.310, mọi người nên thận trọng và duy trì tỷ trọng cổ phiếu vừa phải khoảng 50% - 70%, không nên quá FOMO. Nếu thị trường chỉnh về cạnh dưới của trading range thì chúng ta có thể cân nhắc việc gia tăng tỷ trọng.
Sau phiên ngày 29/8 là phiên có gap down rất mạnh thì thị trường đã lấp lại gap down đó. Hiện tại vẫn chưa thực sự có một dòng dẫn dắt trên thị trường, đạm hay dầu khí cũng chỉ là những dòng đơn lẻ, không mang yếu tố tổng quát, dẫn dắt thị trường vì vậy chúng ta nên quan sát thêm trước khi vội vàng đưa ra hành động.
Mỗi khi tâm lý thị trường lên đến vùng khoảng 95 – 100 thì đây là vùng cảnh báo, tức là có thể nó sẽ duy trì ở ngưỡng cao trong một thời gian hoặc duy trì ở ngưỡng thấp trong một thời gian nhưng khi nó có dấu hiệu đảo chiều thì chúng ta sẽ phải cân nhắc.
Hiện nay, tâm lý thị trường đang ở mức trên 70, chưa phải quá rủi ro tuy nhiên chỉ cần tăng khoảng 1–2 phiên nữa là nó sẽ chạm đến vùng rủi ro vì vậy mọi người cần thận trọng hơn, hành động chậm lại để xem cách thị trường phản ứng với đỉnh cũ hay đáy cũ như nào.
Khi phân tích về xu hướng thị trường chung thì một trong những yếu tố rất quan trọng đó là các nhóm ngành khoẻ, các nhóm ngành dẫn dắt thị trường. Trên thực tế, nếu quan sát cả nhịp hồi của VN-Index từ đáy đến hiện tại, nhóm ngành dẫn dắt thị trường trong giai đoạn trước như chứng khoán, đầu tư công, bất động sản khu công nghiệp, bất động sản thương mại đã bắt đầu chững lại và yếu đi.
Thay vào đó, nhiều nhóm ngành khác đang dần nổi lên như dầu khí, phân bón hay cao su. Đây không phải là những nhóm đại diện quá nhiều cho tâm lý chung của thị trường.
Theo ông Linh, nhóm dẫn dắt thị trường là nhóm khoẻ hơn thị trường khi thị trường hồi phục và giảm ít hơn thị trường khi thị trường điều chỉnh. Ngân hàng ở cả giai đoạn vừa qua chỉ có một vài cổ phiếu tích cực còn về cơ bản thì cả ngành cũng không quá tích cực vì vậy việc nói ngân hàng là “minh chủ” trong thời gian vừa qua là chưa hoàn toàn chính xác.
Ngân hàng chỉ là dòng giữ chỉ số còn để nói dẫn dắt chỉ số thì phải là giai đoạn 2021 khi cả dòng ngân hàng chạy vô cùng mạnh. Hiện tại chỉ một vài cổ phiếu ngân hàng tăng cho nên không thể khẳng định ngân hàng là dòng dẫn dắt.
Liên quan đến rủi ro phân phối, ông Linh cho rằng nếu nói về ngày phân phối thì nó cũng không có nhiều ý nghĩa tuy nhiên nếu nó là một cụm, một chuỗi 4-5 phiên với volume rất cao, nến đóng cửa thấp hơn nến mở cửa khoảng 0,2% trở lên và có sự đồng thuận bán của các dòng thì chúng ta nên thận trọng, cảnh giác.
Mọi người nên quan sát những nhóm ngành khoẻ để xem nó phản ứng như nào với thị trường. Nếu những nhóm ngành khoẻ nhất có xu hướng yếu dần đi hoặc lao xuống dưới Index thì ta sẽ phải rất thận trọng về mặt thị trường. Index nhiều khi chỉ bị ảnh hưởng bởi mội vài cổ phiếu của VN30 nhưng các nhóm ngành dẫn dắt chỉ số trong giai đoạn trước mà yếu đi thì mọi người cần hết sức cảnh giác.