Những bất ổn của thị trường xăng dầu vừa qua đặt ra bài toán cho cơ quan quản lý về cơ chế quản lý để làm lành mạnh thị trường - Ảnh: N.AN
Kỳ điều hành ngày 1-9 đã được lùi lại sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 theo đúng quy định tại nghị định 95 do rơi vào đúng ngày nghỉ lễ.
Như vậy, thời gian điều chỉnh giá được kéo dài thêm tới 4 ngày, đặt trong bối cảnh giá xăng dầu đang có xu hướng tăng mạnh đang khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh "chết đứng" vì thua lỗ và không mua được hàng.
Có hay không tình trạng găm hàng chờ tăng giá khi Bộ Công Thương đã khẳng định tổng nguồn cung xăng dầu không thiếu? Câu hỏi cần thời gian trả lời từ các đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương.
Song chính nhiều doanh nghiệp phải thừa nhận, chỉ sau kỳ điều hành ngày 22-8 một vài ngày, từ mức chiết khấu 1.000 đồng/lít, hàng loạt đại lý, cửa hàng đã kêu than bị cắt giảm chiết khấu đột ngột, thậm chí nhiều nơi chiết khấu bằng 0 hoặc chiết khấu âm mà vẫn không có hàng. Đó là một thực tế "đáng ngờ"?!
Trên thực tế, sự đổ vỡ, đứt gãy cục bộ của chuỗi cung ứng xăng dầu trong nước vốn đã được cảnh báo tại kỳ điều hành vào hồi tháng 2.
Thời điểm đó, kỳ điều hành ngày 1-2 rơi vào đúng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thời gian điều chỉnh kéo dài tới 20 ngày, trong bối cảnh giá tăng mạnh, nguồn cung khan hiếm, thì việc gián đoạn nguồn cung cục bộ đã không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, nếu lúc đó tình trạng thiếu hàng, khan hàng được "đẩy" cho Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vì sự cố giảm công suất, thì đến nay với nguồn cung dồi dào, việc thiếu hàng lại trở thành phi lý, đúng như khẳng định của bộ trưởng Bộ Công Thương.
Vậy tại sao những bất ổn trên thị trường xăng dầu vẫn cứ "đeo đẳng", thách thức cả mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng?
Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu chính thức có hiệu lực thi hành vào đầu năm 2022, vốn được kỳ vọng sẽ giúp cho thị trường lành mạnh hơn, giá trong nước sẽ theo sát diễn biến giá thế giới.
Thế nhưng, với sự thay đổi liên tục của giá xăng dầu và ngày càng khó dự báo, không những tác động lớn đến cung cầu thị trường mà còn đẩy giới kinh doanh rơi vào khó khăn chưa từng có.
Còn người tiêu dùng thì phải chịu gánh nặng lớn khi giá lập đỉnh lịch sử trong vòng 8 năm qua, tạo sức ép lớn cho nền kinh tế, thì dường như quy định đã không bắt kịp được với thực tế.
Sự vận hành "lỗi nhịp" trên thị trường xăng dầu vừa qua càng cho thấy những bất cập của nghị định 95 khi chưa lường hết được những diễn biến bất thường về giá cả.
Chu kỳ điều hành 15 ngày dù rút ngắn xuống còn 10 ngày đã trở nên lỗi thời. Đặc biệt khi thời gian điều hành được "ấn định" trong các ngày 1, 11 và 21 hằng tháng, chưa kể thời gian gián đoạn nghỉ lễ.
Chưa kể những vụ xăng dầu lậu, kém chất lượng được phát hiện vừa qua cho thấy những lộn xộn trên thị trường vẫn chưa thực sự có giải pháp nào hữu hiệu. Câu hỏi làm sao để lành mạnh thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng vẫn chưa thể giải quyết thấu đáo.
Khi giá xăng dầu có biến động mà không được điều chỉnh kịp thời, tất yếu sẽ tác động đến cung cầu, làm gián đoạn nguồn cung cục bộ.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam trong kiến nghị gửi Bộ Công Thương cũng chỉ ra bất cập của nghị định 95, khi kỳ điều hành kéo dài và giá bán trong nước có độ trễ nhất định sẽ gây khó cho thương nhân trong đảm bảo nguồn, đặc biệt là gây tâm lý găm hàng, đầu cơ, bất ổn cho thị trường.
Bởi vậy, hàng loạt kiến nghị như cần phải điều chỉnh giá vào đúng ngày 1-9; rút ngắn thời gian điều hành, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ; tính toán bỏ quỹ bình ổn, điều chỉnh chi phí định mức, các mức chiết khấu phù hợp đảm bảo cho cửa hàng bán lẻ đủ sức duy trì hoạt động;
Cho phép các đại lý, cửa hàng được lấy từ nhiều nguồn để đa dạng hóa nguồn cung; hay cần mạnh tay rút phép doanh nghiệp vi phạm…
Những kiến nghị trên là chính đáng, nhưng với một quy định đã ban hành, thì dù trong bối cảnh thị trường có biến động cũng không thể có ngoại lệ và làm khác với quy định.
Vấn đề đặt ra cho cơ quan quản lý là Bộ Công Thương với vai trò tham mưu cho Chính phủ công tác điều hành xăng dầu đã nhận diện những hạn chế trong cơ chế điều hành thế nào, nhìn thẳng vào những bất cập trong quản lý ra sao?
Liệu có thẳng thắn nhận diện được những quy định của nghị định 95 đang bộc lộ sự lỗi thời và không phù hợp, có phương án tham mưu cho Chính phủ như thế nào để sửa đổi kịp thời? Và liệu có mạnh dạn hơn để tăng tính công khai, minh bạch trong điều hành xăng dầu, doanh nghiệp cạnh tranh sòng phẳng hơn và công bằng với người tiêu dùng?
Giải pháp mà Bộ Công Thương đang đưa ra là thành lập ba tổ công tác về kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Điều này không mới khi trước đó vào hồi tháng 2, trước tình trạng các cửa hàng đóng cửa, nghỉ bán, bộ còn thành lập ba đoàn thanh tra các doanh nghiệp đầu mối. Chưa bao giờ doanh nghiệp xăng dầu cảm thấy ám ảnh đến như vậy khi hàng thì không có, bán thì lỗ, mà đóng cửa thì có thể bị phạt.
Đến nay kết luận thanh tra của cả ba đoàn này vẫn chưa được thông tin đầy đủ trong khi tình trạng "nghỉ bán", "hết xăng" lại xảy ra. Liệu rằng cứ thiếu hàng lại kiểm tra có phải là giải pháp phù hợp, khi có thể chỉ phát hiện được một vài doanh nghiệp "găm hàng" hay "đầu cơ" để xử lý, tạm rút giấy phép, trong khi điệp khúc trên vẫn cứ lặp lại mà không thể giải quyết dứt điểm?
Những câu hỏi này cần được Bộ Công Thương giải đáp quyết liệt hơn trong vai trò tham mưu với Chính phủ để điều hành thị trường xăng dầu ngày càng lành mạnh và hiệu quả hơn!