Kỹ năng sống

Những bẫy tư duy ngầm khiến bạn sai lầm mỗi ngày

Tóm tắt:
  • Những lỗi tư duy nhỏ nhặt ảnh hưởng đến quyết định hàng ngày của chúng ta.
  • Chúng ta thường chỉ nghe những thông tin phù hợp với quan điểm của mình.
  • Nỗi sợ mất mát khiến chúng ta nuối tiếc quá khứ và bỏ lỡ cơ hội tương lai.
  • Tâm trí dễ bị lừa bởi những hình ảnh sinh động, bỏ qua logic trong quyết định.
  • Chúng ta thường đánh giá sự kiện dựa trên ký ức dễ nhớ, không phản ánh thực tế.

Chỉ nghe những gì mình muốn nghe

Chúng ta thường có xu hướng tìm kiếm và tin tưởng vào những thông tin, những người có cùng quan điểm. Điều này, dù tạo cảm giác đồng điệu, lại vô tình khiến chúng ta bỏ qua hoặc bác bỏ những ý kiến trái chiều, củng cố thêm những gì ta đã tin.

Nó tương tự ảo giác tần suất - khi bạn mua một chiếc xe mới và thấy nó xuất hiện khắp nơi. Tuy nhiên, thiên kiến xác nhận là hành động chủ động hơn. Chúng ta "chọn lọc" thông tin để củng cố những gì đã tin.

Thí nghiệm năm 1979 tại Đại học Minnesota(Mỹ) cho thấy rõ điều này. Người tham gia đọc câu chuyện về một phụ nữ có cả nét hướng nội và hướng ngoại. Vài ngày sau, tùy câu hỏi (cô ấy hợp làm thủ thư không?), họ nhớ những đặc điểm phù hợp.

Nghiên cứu năm 2009 tại Đại học bang Ohio (Mỹ) cũng chỉ ra: chúng ta đọc lâu hơn 36% những bài viết cùng quan điểm.

Lẫn lộn nguyên nhân và kết quả

Hãy nghĩ về vóc dáng lý tưởng của vận động viên bơi lội chuyên nghiệp. Theo chuyên gia, thân hình đó có thể là tiền đề để họ thành công trong bơi lội, chứ không hoàn toàn là kết quả của luyện tập.

Chúng ta thường lầm tưởng rằng những đặc điểm nổi bật của người thành công là nguyên nhân tạo nên thành công. Thực tế, những đặc điểm đó có thể là lý do họ được chọn lựa hoặc phù hợp với lĩnh vực đó ngay từ đầu. Chúng ta lẫn lộn giữa yếu tố lựa chọn và kết quả.

Nuối tiếc quá khứ, bỏ lỡ tương lai

Dù hiểu rõ, nhiều người vẫn "sa lầy" vào ngụy biện chi phí chìm - tiếc nuối những gì đã mất hơn là hướng đến lợi ích tương lai.

Chi phí chìm là những khoản đầu tư không thể lấy lại (thời gian, tiền bạc, công sức). Thay vì nhìn về phía trước, chúng ta thường bị ám ảnh bởi những gì đã bỏ ra.

Nhà tâm lý học Daniel Kahneman trong "Tư duy nhanh và chậm" giải thích: nỗi sợ mất mát thường mạnh hơn nhiều so với sự hấp dẫn của lợi ích. Thí nghiệm năm 1985 cho thấy, nhiều người chọn tiếp tục chuyến đi trượt tuyết đắt đỏ dù có lựa chọn tốt hơn, rẻ hơn, chỉ vì "tiếc" vé đã mua.

Lầm tưởng về xác suất

Trong trò tung đồng xu, dù 10 lần liên tiếp ra mặt sấp, cơ hội mặt ngửa ở lần thứ 11 vẫn là 50/50. Đây là "bẫy" tư duy mang tên ngụy biện của người đánh bạc.

Ngụy biện này khiến chúng ta tin rằng các sự kiện quá khứ có thể chi phối kết quả của những sự kiện ngẫu nhiên trong tương lai.

Tự "ru ngủ" sau những quyết định bốc đồng

Bạn có từng cố gắng biện minh cho những món đồ vừa mua, dù sau đó hối hận? Đây là hiện tượng hợp lý hóa sau mua hàng, hay Hội chứng Stockholm của người mua.

Các nhà tâm lý học cho rằng, điều này xuất phát từ mong muốn duy trì sự nhất quán trong suy nghĩ và tránh bất hòa nhận thức - cảm giác khó chịu khi giữ hai ý tưởng trái ngược. Để "xoa dịu", chúng ta tự thuyết phục mình rằng quyết định mua sắm là đúng.

Bẫy tư duy khiến sai lệch nhận thức

Chúng ta thường tin vào những gì dễ nhớ, dù ký ức đó không phản ánh đúng sự thật khách quan. Đây là "bẫy" tư duy mang tên phương pháp heuristic về tính khả dụng.

Trí nhớ không phải lúc nào cũng đáng tin. Tuy nhiên, chúng ta lại có xu hướng ưu tiên những ký ức dễ dàng gợi lại hơn là dựa vào các sự kiện khách quan.

Phương pháp heuristic về tính khả dụng hoạt động như sau: chúng ta đánh giá khả năng xảy ra của một sự kiện dựa trên việc có bao nhiêu ví dụ liên quan dễ dàng hiện ra trong đầu. Điều này dẫn đến sai lầm trong việc đánh giá tần suất thực tế của các sự kiện.

Hai học giả ở Chicago đã chỉ ra rằng, bằng chứng thống kê đáng tin cậy luôn chính xác hơn việc dựa vào những gì dễ nhớ.

Bẫy tư duy đánh lừa logic

Tâm trí dễ bị thu hút bởi những hình ảnh, câu chuyện sinh động, bỏ qua logic. Thí nghiệm nổi tiếng của Daniel Kahneman và Amos Tversky năm 1983 đã chứng minh điều này.

Trong thí nghiệm, người tham gia đọc mô tả chi tiết về Linda: 31 tuổi, độc thân, thẳng thắn, thông minh, học triết học, quan tâm đến công bằng xã hội và phản đối hạt nhân.

Sau đó, họ được hỏi: điều nào có khả năng hơn?

  1. Linda là nhân viên ngân hàng.
  2. Linda là nhân viên ngân hàng và là nhà hoạt động nữ quyền.

Hầu hết chọn phương án 2 vì mô tả "sinh động" và phù hợp với khuôn mẫu về nhà hoạt động nữ quyền. Tuy nhiên, về mặt logic, khả năng Linda thuộc hai nhóm (vừa là nhân viên ngân hàng, vừa là nhà hoạt động nữ quyền) luôn thấp hơn khả năng cô ấy chỉ là nhân viên ngân hàng.

Nhà nghiên cứu Daniel Kahneman nhận xét: "Đối với một nhà tâm lý học, rõ ràng là con người không hoàn toàn lý trí." Chúng ta thường bị "hoa mắt" trước những khuôn mẫu hấp dẫn, bỏ qua những sự thật hiển nhiên.

(Theo Buffer)

Các tin khác

Thông tin mới về gió mùa đông bắc

Sáng 13/4, không khí lạnh đã ảnh hưởng tới hầu hết Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một phần Trung Trung Bộ, vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo hôm nay sẽ là ngày rét nhất trong đợt gió mùa đông bắc này. Mưa lớn giảm dần ở Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.