Ngày hôm nay (23/8), tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.898 VND/USD, tăng 12 đồng so với hôm qua. Áp dụng biên độ 5%, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch với tỷ giá trần hôm nay là 25.174 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.784 đồng/USD.
Đáng chú ý, tỷ giá USD/VND ở các ngân hàng thương mại đảo chiều tăng nhanh, vượt xa mốc 24.000 đồng. Cụ thể, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 23.790-24.160 đồng/USD (mua vào - bán ra), tăng 145 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với sáng qua.
Lại một lần nữa tỷ giá có dấu hiệu "dậy sóng", gây áp lực không nhỏ đối với việc điều hành chính sách tiền tệ bởi nếu không bình ổn được tỷ giá, dòng vốn sẽ có nguy cơ rời khỏi thị trường Việt Nam tìm đến những thị trường có mức lãi suất hấp dẫn hơn.
Nhìn lại chặng đường hơn một thập kỷ kể từ năm 2010 đến nay, thị trường ngoại hối Việt Nam nói chung và tỷ giá USD/VND nói riêng đã trải qua một chặng đường không hề bằng phẳng. Nếu tính chung trong cả giai đoạn trên, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã tăng khoảng 29%, từ mức 18.500 đồng/USD lên gần 24.000 đồng/USD, với mức tăng giá trung bình khoảng 2,2%/năm.
Với giai đoạn 2010-2015 tỷ giá biến động khá mạnh khi tăng bình quân hơn 3%/năm, cá biệt có những thời điểm tăng tới hơn 5%/năm (năm 2010, 2015) nhờ nền tảng vĩ mô ổn định hơn cũng như những nỗ lực của NHNN. Ngược lại, kể từ năm 2016 đến nay, tỷ giá USD/VND có phần trở nên ổn định hơn.
Theo TS. Vũ Đình Ánh, từ đầu năm 2016, cơ chế tỷ giá hối đoái mới chính thức vận hành. "Cơ chế tỷ giá hối đoái trung tâm đã được thử thách và đã chứng tỏ vai trò tích cực trong đối phó với bão tố trên thị trường tiền tệ thế giới, giữ tỷ giá hối đoái giữa VND với USD có được sự ổn định cần thiết, góp phần đáng kể vào ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế", TS. Ánh nhìn nhận.
Đây cũng là nguyên nhân giúp tỷ giá ổn định hơn trong giai đoạn 2016 trở lại đây. Tỷ giá hối đoái trung tâm khép lại năm 2016 được NHNN công bố ngày 30/12/2016 đứng ở mức 22.159 đồng/USD - tăng 1,24% so với hồi đầu năm. Sau hơn 7 năm, tỷ giá tính đến ngày hôm nay đã tăng khoảng 7,8% tương đương mức tăng chỉ khoảng 1% mỗi năm.
Dù vậy trong giai đoạn này, tỷ giá cũng trải qua nhiều lần dậy sóng.
Fed nâng lãi suất khiến tỷ giá tăng nóng năm 2018
Trong năm 2018, tỷ giá trung tâm do NHNN công bố đã tăng khoảng 1,6%, tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tăng khoảng 2,7% so với đầu năm, tuy nhiên nhiều giai đoạn tỷ giá đã tăng khá nóng. Ngoại trừ năm 2015 chứng kiến tỷ giá biến động mạnh hơn với mức tăng 5,1% thì chỉ rất ít giai đoạn ngắn tỷ giá biến động mạnh như vậy.
Cuối tháng 6/2018, khi đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh tới 4% chỉ trong vòng ba tuần và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất USD lần thứ hai trong năm, áp lực lên tỷ giá USD/VND đã rõ nét hơn. Sau đó, tỷ giá USD/VND tiếp tục chịu áp lực lớn và chỉ bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt vào giữa tháng 8/2018.
Đánh giá về nguyên nhân chính của đợt tỷ giá tăng hồi năm 2018, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính- Tiền tệ Quốc gia cho rằng, là do Fed tiếp tục nâng lãi suất đồng USD thêm 4 lần trong năm khiến USD tăng giá 4,8% khiến các ngoại tệ khu vực mất giá tương ứng và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khiến lo ngại rủi ro chính sách tăng.
Đồng thời, việc đà tăng trưởng của nhiều nền kinh tế châu Á suy giảm cũng khiến các đồng tiền trong khu vực mất giá khá nhiều: CNY mất giá -5,9%, KRW -5,5%, MYR -3,3%, SGD -2,6%,... trong khi đây là những đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tính tỷ giá trung tâm của NHNN.
Tuy nhiên, giai đoạn này nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt khi GDP tăng 7,08%, lạm phát kiểm soát chỉ tăng 3,8% và xuất siêu tới 7 tỷ USD,giải ngân FDI cũng đạt trên 19 tỷ USD.
USD Index bật tăng lên 103 điểm năm 2020
Đến năm 2020, tỷ giá lại một lần nữa tăng sốc trong khoảng 4 tháng đầu năm với mức tăng đỉnh điểm có lúc lên tới 8%.Tỷ giá trung tâm leo lên mức23,272 đồng/USD vào ngày 24/4/2020. Đây cũng là đỉnh mới được thiết lập trong suốt 3 năm 2018-2020.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tỷ giá điều hành tăng mạnh thời gian này là do diễn biến tăng giá sốc của USD trên thị trường thế giới. Cụ thể, chỉ số USD-Index - đo lường sức mạnh của đồng USD - đã bật tăng từ 94 điểm (01/01/) lên 103 điểm (19/03), lần đầu tiên lại vượt qua ngưỡng 100 điểm kể từ đầu năm 2017.
Cú sốc từ đại dịch COVID-19 đe dọa gây ra một đợt suy thoái kinh tế trên toàn cầu và vì thế các nhà đầu tư tìm đến đồng USD như một kênh trú ẩn an toàn khi các tài sản chính như cổ phiếu, trái phiếu đều có xu hướng giảm giá rất mạnh trong giai đoạn này.
"Con sóng" tỷ giá kỷ lục năm 2022
Lần dậy sóng gần nhất của tỷ giá là vào năm 2022 chắc không còn xa lạ với giới đầu tư tài chính khi NHNN đã phải rất vất vả để bình ổn khi đã có lúc VND mất giá tới 7-8% so với USD.
Các đợt tăng lãi suất không ngừng nghỉ từ cuối quý I của Fed đã kích hoạt đợt tăng giá mạnh nhất của đồng bạc xanh trong nhiều năm qua, đưa chỉ số USD Index lên mức cao nhất trong hai thập kỷ và tác động thẳng đến tỷ giá VND/USD.
Trong quý III/2022, giá USD tại các ngân hàng đã tăng thêm khoảng 600 đồng, cao hơn cả mức tăng lũy kế của cả 6 tháng đầu năm và chính thức vượt mốc 24.000 đồng. Chưa đầy một tháng sau đó, giá USD đã leo lên mức kỷ lục gần 24.900 đồng, đưa mức mất giá của tiền Đồng kể từ đầu năm lên 8,6% - cao nhất trong nhiều năm qua.
"NHNN đã phải sử dụng khoảng 25 tỷ USD/100 tỷ USD để duy trì tỷ giá năm 2022. Tỷ giá đột ngột tăng cao cũng là lý do cơ bản khiến NHNN phải điều chỉnh tăng lãi suất hai lần liên tiếp mỗi lần 1% vào tháng 9 và tháng 10/2022", TS. Vũ Đình Ánh nhắc lại diễn biến điều hành chính sách tiền tệ năm vừa qua.
Ngày 17/10, NHNN cũng quyết định nới biên độ tỷ giá từ mức +-3% lên +-5%.Việc nới biên độ tỷ giá theo các chuyên gia là cách thức điều hành linh hoạt hơn của NHNN, là cơ sở để các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, nhà đầu tư nước ngoài và người dân lựa chọn cách thức tỷ giá cân bằng trên cơ sở cung cầu thị trường.
Cần cẩn trọng với yếu tố tỷ giá
Có thể thấy, điểm chung của các đợt tỷ giá dậy sóng là giá trị USD tăng cao, trong giai đoạn hiện nay, chỉ số này đã tăng trở lại mức 103 điểm giúp USD tăng giá 3% so với đầu năm, tuy nhiên vẫn còn cách mức đỉnh 112 điểm của năm ngoái khá xa.
Đặc biệt, Fed vẫn chưa có bất kỳ thông điệp gì về khả năng hạ lãi suất trong năm nay mà thậm chí vẫn để ngỏ khả năng sẽ tăng thêm một lần nữa và giữ lãi suất ở mức cao cho đến hết năm. Trong khi đó, Việt Nam lại đang trên đà nới lỏng chính sách tiền tệ, NHNN đã liên tiếp 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất trong quý II.
Kể từ thời Fed bắt đầu tăng lãi suất, đồng Yên đã giảm giá khoảng 20% do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản kiên trì với chính sách tiền tệ lỏng lẻo để kích thích lạm phát và tăng trưởng trong nền kinh tế Nhật. Còn với Trung Quốc, do việc giảm lãi suất rất mạnh và đến giờ này thì đồng nhân dân tệ đã bị mất giá đến hơn 7% so với USD.
Ở khu vực ASEAN, ngoại trừ Indonesia tăng giá thì đồng tiền của các nước khác như: Malaysia, Philippines, Thái Lan và cả Việt Nam đều có chiều hướng giảm xuống trong xu hướng tăng cao của USD. Vì vậy, các chuyên gia cảnh báo, bối cảnh khá giống các đợt tăng trước nên hoàn toàn có khả năng tỷ giá sẽ "bùng lên" vào cuối quý III, đầu quý IV.
Các yếu tố có thể gây sức ép lên tỷ giá VND trong nửa cuối năm 2023 vẫn còn rất hiện hữu, gồm: Chênh lệch lãi suất giữa VND và USD tiếp tục thu hẹp do lãi suất điều hành của FED có thể duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 để kiềm chế lạm phát, trong khi NHNN định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng và lạm phát trong nước có thể tăng từ cuối quý III/2023.
Nhắc lại hai giai đoạn đều để lại hậu quả nặng nề khi chính sách tiền tệ của Việt Nam không song hành với chính sách của toàn cầu, ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup cũng cho rằng, cần cẩn trọng với yếu tố tỷ giá bởi nhìn lại lịch sử khi thế giới tăng lãi suất mà Việt Nam không tăng thì sau đó tỷ giá biến động rất mạnh.
Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới chỉ giảm lãi suất nếu khủng hoảng kinh tế xảy ra hoặc khi lạm phát về dưới mức mục tiêu 2% trong 6 tháng tới. Nếu như cả hai yếu tố trên không xảy ra, lãi suất của Mỹ sẽ duy trì như hiện nay, đây là rủi ro rất lớn với yếu tố tỷ giá.